Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Hà Nội hôm 2/7, khi ông Clinton tới Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 20 năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ảnh: Reuters |
Năm 1975, Chiến tranh Việt Nam kết thúc, chấm dứt cuộc phiêu lưu quân sự hơn 20 năm của Mỹ ở Đông Dương. Đến tháng 7/1995, sau 20 năm từ khi chiến tranh kết thúc, Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Sự kiện ấy đánh dấu kỷ nguyên mới để hai quốc gia từ đối đầu chuyển sang đối tác. Ngày 6/7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ nhân kỷ niệm 20 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Theo Diplomat, chuyến thăm sẽ tăng cường mối quan hệ giữa hai nước trong thời điểm quan trọng. Cả hai nước đều đang tham gia quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với hy vọng thỏa thuận sẽ ra đời trước khi Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động bồi lấp của Trung Quốc trên Biển Đông, an ninh hàng hải có thể sẽ là những vấn đề trọng tâm trong cuộc hội đàm song phương.
Giới phân tích thế giới nhận định, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo ra bước đột phá mới trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là hợp tác quốc phòng trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp.
Giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học Quốc phòng Australia lập luận, ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Washington. Thực tế đó sẽ đặt nền móng quan trọng cho quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai, khi hai nước trong quá trình chuyển đổi người lãnh đạo vào năm 2016.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết, mối quan hệ với Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới nhằm phù hợp với tình hình khu vực. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters rằng, chuyến công du của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là bước ngoặt quan trọng trong quan hệ song phương.
Ernest Bower, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế cho rằng, chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mang tính lịch sử và kịp thời nhằm vượt qua rào cản "niềm tin", đặc biệt là vấn đề chính trị.
Đối tác toàn diện
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, cùng người đồng cấp Ashton Carter ký Tuyên bố Tầm nhìn chung tại Hà Nội vào ngày 1/6. Ảnh: AP |
Trong 20 năm qua, Việt - Mỹ đã phát triển từ một lệnh cấm vận sang mối quan hệ ngoại giao, thỏa thuận thương mại song phương và quan hệ đối tác toàn diện. Bây giờ chuyến thăm của Tổng Bí thư, theo lời mời của chính quyền Obama, là dấu hiệu Mỹ tôn trọng sự lựa chọn của chế độ chính trị của Việt Nam.
Sự khác biệt về chính trị sẽ không còn là rào cản trong quan hệ hai nước. Những đối tác tin cậy, người bạn tốt không nhất thiết phải giống nhau về quan điểm, nhưng có thể chấp nhận và đối thoại thẳng thắn về sự khác biệt đó.
Sau 20 năm bình thường hóa, mối quan hệ hai bên không chỉ bó hẹp ở lĩnh vực kinh tế mà còn mở rộng sang nhiều vấn đề khác. Hợp tác an ninh - quốc phòng liên tục cải thiện. Chính quyền Obama đã bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Hà Nội - Washington chia sẻ mục tiêu chung trong nỗ lực đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
"Việt Nam và Mỹ đang bước vào kỷ nguyên mới của việc hợp tác sâu rộng hơn trong các lĩnh vực, an ninh, chính trị, kinh tế. Các nhà lãnh đạo đã xây dựng mức độ tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia từng là kẻ thù trên chiến trường trở thành đối tác toàn diện", Ernest Bower nhận xét.