Giai đoạn quý III/2021 đang được xem là thời điểm khó khăn bậc nhất của thị trường ôtô Việt Nam trong vài năm vừa qua. Dù vậy, giữa bối cảnh doanh số bán hàng suy giảm liên tiếp vài tháng qua, nhiều hãng xe vẫn cố gắng ra mắt sản phẩm mới để tăng tính cạnh tranh, cũng như đặt kỳ vọng vào sự hồi phục của các tháng cuối năm.
Các phiên bản mới gặp khó vì giãn cách
Mở đầu cho quý thứ 3 trong năm, Toyota Việt Nam giới thiệu thế hệ mới của Land Cruiser, chỉ sau một tháng mẫu SUV này được trình làng ở thị trường quốc tế. Kể từ lần xuất hiện của Toyota Corolla Cross cách đây hơn một năm, hãng xe Nhật Bản đã tỏ ra rất nhanh nhạy trong việc ra mắt các dòng xe bán tốt và được khách hàng quan tâm.
Thực tế, lượng xe Toyota Land Cruiser 2022 đến tay khách hàng sau gần 3 tháng rất hạn chế. Còn lại, thời gian hẹn giao xe kéo dài nhiều tháng khi mẫu SUV 7 chỗ của Toyota rơi vào tình trạng khan hàng trên toàn cầu.
Hyundai Grand i10 2021 ra mắt nhưng không cải thiện được doanh số. Ảnh: TC Motor. |
Cái tên nổi bật tiếp theo được nâng cấp là Hyundai Grand i10. Đối thủ của VinFast Fadil “xuất trận” vào đầu tháng 8 với hy vọng lấy lại vị thế dẫn đầu phân khúc A với nhiều thay đổi tích cực về mẫu mã và tính năng trang bị.
Tuy vậy, giá bán không thật sự hấp dẫn cùng nhu cầu thị trường thấp khiến Grand i10 2021 chưa thành công như mong đợi của hãng xe Hàn Quốc. Trong khi đó, Fadil với chính sách giảm giá sâu của VinFast liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng doanh số của toàn thị trường.
Cái tên hiếm hoi có màn ra mắt hiệu quả trong quý III là Kia Seltos. Mẫu SUV đô thị được nâng cấp nhẹ về trang bị và thiết kế với logo KIA mới, đi cùng giá bán cao hơn 6-10 triệu đồng so với đời xe 2020.
Dù tăng giá, sức hút từ phiên bản mới và việc các đại lý áp dụng ưu đãi vẫn giúp Seltos cải thiện doanh số ngay trong tháng 8, giai đoạn thị trường ảm đạm do trùng với tháng Ngâu. Tính từ đầu năm đến nay, doanh số tích lũy của Kia Seltos đạt 8.808 chiếc, xếp trên 2 đối thủ Toyota Corolla Cross (7.281 xe) và Hyundai Kona (2.653 xe).
Vào đầu tháng 9 này, Mitsubishi Việt Nam bất ngờ giới thiệu phiên bản Đặc biệt cho Xpander, mẫu xe bán chạy nhất của hãng. Model mới thực tế là phiên bản Mitsubishi Xpander AT lắp ráp trong nước được lắp thêm trang bị, giữ nguyên giá bán và sản xuất giới hạn vài trăm chiếc.
Đây có thể xem một động thái kích cầu của Mitsubishi khi Xpander nhiều tháng liền suy giảm doanh số khi nhu cầu mua MPV 7 chỗ tầm 600 triệu đồng chạy dịch vụ ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM hầu như bằng 0. Ở lần gần nhất tổng kết doanh số, Xpander bán được chưa đến 100 xe trong tháng 8, thấp nhất từ đầu năm, bất kể việc Mitsubishi liên tục áp dụng hỗ trợ phí trước bạ.
Khách hàng Việt Nam ngày càng quen thuộc với việc các dòng xe mới ra mắt trực tuyến. Ảnh: MMV. |
Bên cạnh những cái tên vừa kể, khách hàng trong nước còn đón nhận nhiều mẫu xe mới như Nissan Almera, Mazda BT-50, Mercedes-AMG GLB 35, Land Rover Defender 90, Land Rover Discovery…
Ngoài ra, trong khoảng 10 ngày cuối cùng của tháng 9, gần như chắc chắn sẽ có thêm vài model được trình làng để “chốt sổ” quý 3. Kia Việt Nam đã hé lộ hình ảnh của mẫu sedan K3 (tên gọi khác của Cerato), hay như Volkswagen dự định giới thiệu dòng SUV 7 chỗ cỡ lớn Teramont nếu điều kiện thuận lợi.
Chữa cháy bằng giới thiệu xe trực tuyến
Lần gần nhất một sự kiện ra mắt ôtô được tổ chức tại Việt Nam cách đây đã 5 tháng hơn. Kể từ lúc các tỉnh phía Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, mọi mẫu xe mới đều được giới thiệu trực tuyến, theo cách này hoặc cách khác.
Một số nhà sản xuất sản xuất video trình bày về tính năng, trang bị và giá bán của sản phẩm mới để phát hành trên các mạng xã hội. Điển hình trong năm nay có TC Motor với Hyundai Santa Fe và Grand i10, hay như Jaguar Việt Nam trình làng bộ đôi XF và F-Pace. Trước đó, BMW Việt Nam là hãng xe đi đầu “trường phái” này trong giai đoạn giãn cách xã hội khi giới thiệu loạt 10 mẫu xe mới hồi tháng 4/2020.
Còn lại, hầu hết hãng xe khác chọn phương án tối giản và tiết kiệm là công bố thông tin và hình ảnh về xe. Đó có thể xem như một “lệnh mở bán” để khách hàng bắt đầu tìm hiểu, cân nhắc.
Các sự kiện ra mắt xe, triển lãm ôtô trở thành điều xa lạ từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong bối cảnh Triển lãm Ôtô Việt Nam (VMS) gần như chắc chắn bị hoãn năm thứ 2 liên tiếp, nhiều dòng xe mới có thể được cân nhắc chuyển sang ra mắt trực tuyến trong những tháng còn lại của năm 2021, tương tự giai đoạn cuối năm trước.
Xu hướng ra mắt xe trực tuyến đã dần phổ biến hơn ở Việt Nam trong khoảng 2 năm nay, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ra nhiều rủi ro về công tác chuẩn bị, tổ chức cho các sự kiện trực tiếp. Bên cạnh đó, việc giới thiệu xe trực tuyến cũng giúp các nhà sản xuất tiết kiệm được đáng kể chi phí trong giai đoạn kinh doanh khó khăn.
Đổi lại, hiệu quả về mặt truyền thông cũng như bán hàng của việc ra mắt qua màn ảnh nhỏ là không cao và thường khá nhanh chóng rơi vào quên lãng nếu đó không phải là một mẫu xe hấp dẫn. Tại các buổi giới thiệu xe tại showroom hay triển lãm thông thường, lượng khách hàng tiềm năng đến tham dự không hề ít và đó là cơ hội không thể tốt hơn để các nhân viên kinh doanh “chốt sale” hiệu quả, nhanh chóng.
Nhiều mẫu xe có khả năng lỡ hẹn vì thị trường suy giảm
Dù đã có hàng loạt dòng xe được giới thiệu từ tháng 1 đến nay, vẫn sẽ có nhiều sản phẩm buộc phải lỡ hẹn với thị trường Việt Nam trong năm 2021. Nhu cầu thị trường suy giảm, kết hợp cùng hoạt động sản xuất và nguồn cung nguyên vật bị gián đoạn có thể những là nguyên nhân dẫn đến điều này.
Trao đổi với Zing, đại diện Volkswagen Việt Nam cho biết tình hình dịch bệnh ảnh hưởng xấu đến kế hoạch trình làng sản phẩm. Từ dự định tung ra vài model gầm cao nhiều tiềm năng, đến nay hãng xe Đức chỉ giữ lại Volkswagen Teramont, mẫu xe 7 chỗ hoàn toàn mới.
Đối thủ của Teramont là Ford Explorer 2022 nhiều khả năng sẽ không thể “xuất trận” tại VMS như dự định. Các đại lý Ford đã nhận đặt cọc cho mẫu SUV Mỹ cách đây vài tháng, nhưng vẫn chưa rõ ngày ra mắt và giao xe cho khách hàng. Cuối năm 2020, Kia Việt Nam từng được xác nhận khả năng phân phối Telluride, tuy nhiên mẫu SUV cỡ lớn này đến nay cũng bặt vô âm tín.
Nhiều dòng xe mới phải hoãn lịch ra mắt khi nhu cầu thị trường xuống thấp, lượng xe tồn kho tăng cao. Ảnh: Vũ Minh Quân. |
Một dòng xe gầm cao khác của Kia cũng có khả năng dời lịch ra mắt ở Việt Nam là Sonet. Mẫu SUV cỡ nhỏ đã xuất hiện hồi đầu năm và râm rang có thông tin sẽ bán ra trong năm nay, còn hiện tại hãng xe Hàn Quốc gần như không có động thái nào liên quan đến “đàn em” của Seltos.
Trái ngược với năm 2020 liên tục cập nhật mẫu mã, Toyota Việt Nam gần như mất hút sau khi ra mắt các model Vios mới sau Tết Nguyên đán. Thông tin về đối thủ của Kia Sonet là Toyota Raize hay Camry Hybrid đến nay chỉ dừng lại ở mức rò rỉ chứ chưa được triển khai.
Nhân viên marketing của một đại lý Toyota ở TP.HCM cho biết hãng xe Nhật Bản vốn có nhiều model dự định ra mắt trong năm nay, tuy nhiên khi dịch bệnh bùng phát thì các hoạt động chuẩn bị gần như “đóng băng” toàn bộ.