Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các hãng bay Việt gặp khó vì giá nhiên liệu tăng

Theo Cục Hàng không, các bất ổn chính trị trên thế giới đã khiến giá nhiên liệu Jet A1 cho máy bay tăng cao đột biến, tăng chi phí cho các hãng hàng không trong nước.

Theo thống kê từ Cục Hàng không, đầu năm 2020, do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm sốc, nhu cầu tiêu thụ về nhiên liệu Jet A1 trên toàn cầu cũng giảm mạnh kéo giá đi xuống. Tuy nhiên khi thị trường hồi phục, từ tháng 5/2020 đến hết năm 2021, giá nhiên liệu Jet A1 tăng trở lại và tiệm cận lại mức giá giai đoạn năm 2018-2019.

Giai đoạn đầu năm 2022, do các bất ổn về tình hình chính trị trên thế giới, giá nhiên liệu Jet A1 tăng cao đột biến. Thậm chí, cuối tháng 3 khi đà tăng của giá dầu thô có dấu hiệu chững lại thì giá Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao.

Theo tính toán của Cục Hàng không, giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí (các yếu tố chi phí khác không có biến động) thì chi phí nhiên liệu tháng 4 của các hãng hàng không tăng 65% so với tháng 12/2014 và tăng 84% so với tháng 9/2015.

chi phi nhien lieu hang khong viet anh 1

Cục Hàng không thống kê nếu bình quân giá nhiên liệu năm 2022 duy trì ở mức 130 USD/thùng, chi phí vận chuyển của các hãng cũng sẽ tăng thêm khoảng 15.000 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà.

Phó tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Khắc Hải cũng khẳng định nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí nhiên liệu ước tính của Bamboo Airways sẽ tăng thêm khoảng 3.200 tỷ đồng. Con số này sẽ tăng lên đến 4.600 tỷ đồng nếu nhiên liệu lên đến mức 150 USD/thùng.

Tương tự, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang cho biết chi phí của hãng sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng nếu giá nhiên liệu bay là 130 USD/thùng. Nếu lên tới 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm tới hơn 9.100 tỷ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến năm 2022 của hãng.

Với Vietjet Air, chi phí của hãng sẽ phải tăng thêm tới 5.200 tỷ đồng nếu nhiên liệu Jet A1 duy trì ở mức 130 USD/thùng. Con số này của Vietravel Airlines là 310 tỷ đồng.

Như vậy nếu chiếu theo kịch bản bình quân giá nhiên liệu năm 2022 duy trì ở mức 130 USD/thùng, chi phí vận chuyển của các hãng cũng sẽ tăng thêm khoảng 15.000 tỷ đồng.

Cục Hàng không vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương điều chỉnh mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa. Nhà chức trách đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).

Trước lo ngại việc tăng trần giá vé sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, Cục Hàng không giải thích việc này không đồng nghĩa các hãng hàng không sẽ đồng loạt tăng giá vé mà ngược lại, chính sách sẽ tạo điều kiện cho các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt.

Lượng chuyến bay chở khách quý I giảm 24,8%

Theo số liệu từ Cục Hàng không, trong 3 tháng đầu năm, 6 hãng hàng không Việt Nam thực hiện 58.302 chuyến bay, giảm 24,8% về lượng chuyến so với cùng kỳ.

Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm