Tờ Korea JoongAng Daily có bài viết về tranh cãi tình dục ở Kpop và trường hợp gần nhất là nhóm nhạc NewJeans. Màn ra mắt của NewJeans làm dấy lên cuộc tranh luận về khái niệm Lolita ở Kpop. Ca khúc của nhóm được cho là ẩn ý về tình dục, trong khi độ tuổi trung bình của các thành viên là 14-17.
Trong các MV, thành viên NewJeans mặc trang phục được cho là hở hang. Đặc biệt, khi Cookie ra mắt, bài hát vấp phải phản ứng dữ dội vì phần ca từ. Khán giả chỉ trích ca từ bài hát là đáng lo ngại, đặc biệt khi các thành viên chưa đủ 18 tuổi.
Ca sĩ trẻ bị tình dục hóa
“Không khó để tạo cho họ một bài hát phù hợp với lứa tuổi” hay “Đáng lẽ công ty phải đợi vài năm nữa mới để họ hát một ca khúc như vậy” là bình luận của khán giả về MV Cookie.
Trước đó, việc thành viên Minji mặc chiếc áo có in dòng chữ về người đàn ông làm công việc môi giới cũng là tâm điểm chỉ trích của dư luận. Người đứng sau NewJeans là Min Hee Jin - cựu giám đốc sáng tạo tại SM Entertainment. Thông qua công ty quản lý ADOR, Min Hee Jin tuyên bố thực hiện hành động pháp lý với bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào đưa ra thông tin sai trái hoặc phỉ báng với NewJeans.
Tuy nhiên, theo Korea JoongAng Daily, NewJeans chỉ là một trong số ít nhóm nhạc vướng bê bối về tình dục. Trong ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, việc nhắm đến khán giả vị thành niên được các công ty thực hiện qua nhiều cách khác nhau, chẳng hạn tuyển chọn ca sĩ nhỏ tuổi hoặc yêu cầu thần tượng trưởng thành cư xử như trẻ con.
NewJeans liên tục gây tranh cãi về trang phục và ca từ. |
Hình thức khác được ưa chuộng, chẳng hạn ở NewJeans là mặc đồ hở hang và biểu diễn ca khúc có ca từ khiêu gợi. Cách thức có thể khác nhau nhưng mục đích chung của những trường hợp kể trên là lý tưởng hóa và khách quan hóa tuổi vị thành niên trong văn hóa đại chúng Hàn Quốc.
Tiến sĩ Kim Ye Ran nói với Korea JoongAng Daily: “Từ những ngày đầu bộ đôi Bunny Girls ra mắt năm 1970 đến các nhóm nhạc nữ hiện tại, Kpop luôn tồn tại cảm giác mơ hồ về mong muốn tình dục đối với cô gái trẻ”. Kim Ye Ran là giáo sư tại Đại học Kwangwoon. Tiến sĩ chuyên nghiên cứu về đạo đức và giới tính.
“Việc ca ngợi vẻ đẹp hay tình cảm của tuổi mới lớn thường thấy trong nền văn hóa đại chúng của bất kỳ quốc gia nào. Nhưng ở Hàn Quốc, nó được hình thành một cách có hệ thống như một thể loại gọi là Kpop và nhận được sự ủng hộ của quốc gia”, tiến sĩ nhận định.
Tình dục hóa với các bé gái thường được gọi là Lolita, trong khi bé trai là Shota. Những tên gọi trên bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 1955 của Vladimir Nabokov và văn hóa Nhật Bản. Tuy nhiên, văn hóa Lolita đã ăn sâu vào Kpop mà không phải công chúng nào cũng biết.
Các nhóm nhạc hoặc chương trình Kpop luôn dùng từ “boy” hay “girl” trong tên hoặc phần giới thiệu để nhấn mạnh sự trẻ trung, mới lớn. Chẳng hạn phần giới thiệu của chương trình Produce 101 phát trên Mnet là “Hãy bình chọn cho cô gái/chàng trai của bạn”. Điều tương tự xảy ra với Girls Planet 999: The Girls Saga (2021) của Mnet, dù phần lớn thí sinh của chương trình ở độ tuổi 20.
Tiến sĩ Kim nói thêm đây cũng là lý do Kpop yêu thích đồng phục học sinh. Đồng phục học sinh là đặc điểm nhận dạng của thanh thiếu niên. “Đồng phục đại diện cho một thanh niên trong sáng, ngây thơ nhưng cũng hấp dẫn về giới tính”, chuyên gia nhận định.
Bắt nguồn từ nền văn hóa Nhật Bản, đồng phục học sinh đã trở thành món đồ thời trang quan trọng của các thần tượng Kpop ở mọi lứa tuổi. Hầu hết chương trình sống còn Hàn Quốc dùng đồng phục cho các thí sinh, bất kể họ ở độ tuổi nào. Không chỉ ca sĩ, các diễn viên như Park Bo Gum, IU hay Suzy cũng từng bị chỉ trích vì những hình ảnh, phong cách đậm chất Lolita.
Park Bo Gum và Suzy có nhiều hình ảnh bị chỉ trích. |
Ở chương trình My Teenage Girls (2021) của đài MBC, phần lớn thí sinh là trẻ vị thành niên. Chương trình Idol School của Mnet (2017) có các thí sinh trong độ tuổi 11-23. Nhóm nhạc được thành lập từ chương trình My Teenage Girls là CLASS:y. Nhóm có thành viên 14 tuổi là Bo Eun. Trong một chương trình, cảnh Bo Eun uống sữa bột dành cho trẻ em được mô tả: “Cô ấy đang phát triển”. Theo Korea JoongAng Daily, việc ca sĩ ra mắt ở tuổi vị thành niên đang trở thành vũ khí quảng bá ở Kpop.
Nhiều nhóm nhạc Kpop có độ tuổi rất trẻ khi ra mắt, chẳng hạn SHINee năm 2008 (trung bình 16,8 tuổi vào thời điểm ra mắt), April năm 2015 (17,5 tuổi), NCT Dream năm 2016 (15,6 tuổi) hay nhóm nhạc nữ CSR (17 tuổi). NCT Dream từng bị chỉ trích khi mới ra mắt. MV của nhóm có cảnh miêu tả các thành viên giống học sinh tiểu học.
Quan điểm sai lầm ở Kpop
Các ngôi sao trẻ tuổi ở Kpop mặc trang phục bó sát, hở hang trên sân khấu và hát về những tâm tư tình cảm của người trưởng thành. Việc đó khiến Kpop có những sai lầm về tình dục.
Giáo sư nghiên cứu văn hóa Lee Gyu Tag của Đại học George Mason Hàn Quốc cho biết: “Người hâm mộ Kpop không chỉ là thanh thiếu niên mà ngày càng mở rộng độ tuổi. Khán giả Kpop hiện ở độ tuổi 20-40 hoặc lớn hơn. Rất nhiều người hâm mộ tự gọi họ là ‘fan cô’ hoặc ‘fan chú’ vì họ thích những ca sĩ trẻ tuổi. Nhiều người khẳng định không có suy nghĩ tình dục khi yêu mến những ca sĩ trẻ tuổi. Thay vào đó, họ coi việc hâm mộ ca sĩ trẻ giống nuôi dạy con cháu. Tuy nhiên, ý định thực sự của tất cả người cô và chú đó là gì, chúng tôi không bao giờ biết được”.
Lee Gyu Tag chỉ ra độ tuổi ra mắt của ca sĩ Kpop ngày càng giảm. Đồng thời, chuyên gia nhấn mạnh điều xã hội nên tập trung từ các cuộc tranh cãi về Lolita và Shota ở Kpop là tình dục tuổi teen có được chú trọng trong xã hội Hàn Quốc hay không.
Hình ảnh khi mới ra mắt của NCT Dream. |
Tiến sĩ Kim cho biết tình dục tuổi teen đang bị lạm dụng để tạo ra lợi nhuận. Đặc biệt, việc ca sĩ trẻ mặc hở hang và hát ca khúc gợi dục có thể khiến giới trẻ Hàn Quốc có những suy nghĩ sai lầm. “Trong một xã hội bảo thủ như Hàn Quốc, thanh thiếu niên vẫn bị áp bức và vấn đề tình dục của họ chưa được xem trọng”, tiến sĩ nói.
“Thanh thiếu niên thấy các nhóm nhạc nữ và nam mặc đồng phục học sinh giống họ. Nhưng các ca sĩ biểu diễn những bài hát và điệu nhảy mang tính gợi dục cao. Họ thậm được khen ngợi. Điều đó tạo nên sự mâu thuẫn và khó hiểu đối với thanh thiếu niên trong cuộc sống thực", chuyên gia nhận định.
Giáo sư tâm lý học Lim Myung Ho của Đại học Dankook chuyên về tâm thần học trẻ em và thanh thiếu niên nói thêm: “Thanh thiếu niên nói lên suy nghĩ tình dục của họ một cách cởi mở hơn không phải điều xấu. Trên thực tế, đó là một sự thay đổi thú vị ở Hàn Quốc. Hàn Quốc thường cấm phụ nữ trẻ thể hiện bất cứ điều gì về tình dục. Nhưng đó là một ranh giới mỏng manh, tùy thuộc vào cách thể hiện và liệu nó có phù hợp với độ tuổi của ngôi sao trẻ hay không. Xem xét mức độ ảnh hưởng của các thần tượng Kpop đối với thanh thiếu niên, dù cố ý hay không, các nhà sản xuất trong ngành phải cẩn thận để không bắt ngôi sao chưa đủ tuổi thể hiện điều gì quá gợi dục".