Trên TikTok, hàng loạt phim truyền hình và điện ảnh Việt đang bị cắt vụn, xâm hại bản quyền dưới hình thức video "review", "recap". Tuy nhiên, nhiều video để câu view, dễ lên xu hướng cũng thường chỉ lấy nội dung gây sốc nhất của phim, chẳng hạn cảnh quấy rối hoặc cảnh nóng. Kèm theo đó là những lời giới thiệu rất "câu khách".
Trong khi đó, ở mảng âm nhạc, nhiều bài hát với ca từ phản cảm cũng được dung dưỡng, biết đến nhiều hơn nhờ TikTok, trường hợp bản rap của Chị Cả là một ví dụ điển hình.
Nhiều nội dung trên TikTok được giới thiệu bằng những câu từ nhạy cảm. |
Phim hay vẫn bị biến tướng trên TikTok
Theo đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư, việc các kênh TikTok làm video xâm phạm bản quyền, bóp méo sai lệnh, cắt cảnh với dụng ý câu view là tình trạng nhức nhối, tồn tại nhiều năm và chưa được giải quyết triệt để. Đạo diễn đau lòng khi Bẫy ngọt ngào do chị thực hiện ra rạp hồi đầu năm đã rơi vào tình cảnh này.
"Tình trạng đăng video phim Bẫy ngọt ngào trên TikTok rất mất kiểm soát. Cá nhân tôi nghĩ vấn đề này có hai mặt. Nó có thể giúp phim nổi tiếng hơn nhưng chắc chắn vi phạm bản quyền, ảnh hưởng chất lượng phim, đến cách hiểu về phim và đến công sức của ê-kíp. Tôi cảm thấy đáng tiếc", Đinh Hà Uyên Thư chia sẻ với Zing.
Khi được hỏi về giải pháp để giải quyết tình trạng nói trên, Đinh Hà Uyên Thư cho biết: "Hiện chúng tôi chưa có biện pháp triệt để để khắc phục. Chúng tôi phải sống chung với vấn nạn. Tôi mong muốn những chính sách mới được đưa ra để kiểm soát tình hình tốt hơn. Chưa biết trong tương lai, nó sẽ biến tướng và khiến nhà sản xuất mất mát đến mức nào. Do đó, tôi mong tình trạng này được giải quyết càng sớm càng tốt".
"Từ cả góc độ người dùng và đạo diễn, tôi mong muốn có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn từ các nền tảng để kiểm soát tốt hơn tình trạng đăng video nội dung, review phim", đạo diễn nhấn mạnh.
Đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư cho biết Bẫy ngọt ngào từng là nạn nhân của vấn nạn trên TikTok. |
Nhạc "rác", hashtag phản cảm vẫn lên xu hướng
Cùng các bộ phim truyền hình, điện ảnh bị bóp méo, xâm hại, nhạc "rác" cũng tràn lan trên xu hướng mạng xã hội. Censored của rapper Chị Cả với lời lẽ được cho là loạn luân, phản cảm thậm chí từng là xu hướng nổi bật trên TikTok một thời gian.
Hashtag #muachoconchieccongtay (PV: Mua cho con chiếc còng tay) - một đoạn lời trong bài Censored - được đặt ở vị trí dễ nhìn thấy và thu hút nhất khi khán giả truy cập vào nền tảng. Do đó, bất chấp việc ca từ nhảm nhí, các video sử dụng nhạc nền là Censored ngày càng tăng và thu hút lượt xem lớn.
Trước thực trạng nhạc rác và nội dung phản cảm tràn lan trên mạng xã hội, giới chuyên gia cho rằng các nền tảng có một phần trách nhiệm. Nhạc sĩ Tú Dưa đánh giá nếu có chế độ kiểm duyệt kỹ càng, những bài hát hay nội dung phản cảm không dễ dàng lan truyền trên các nền tảng như hiện tại.
Anh nói: “Các nền tảng cần có sự kiểm duyệt gắt gao hơn bởi điều đó rất quan trọng. Con tôi cũng đang ở độ tuổi tiểu học, hay mò vào TikTok và nghe trộm những lúc tôi không để ý. Trẻ con chưa đầy đủ nhận thức nên dễ học theo những ca từ không hay. Đôi khi con học theo và nói những điều chưa được phép nói ở độ tuổi đó. Đây là một bất cập, do đó tôi nghĩ rất cần sự kiểm duyệt".
“Nhiều bạn khi nhận được lượt xem lớn và tiền từ YouTube, TikTok, họ đã nghĩ mình giỏi. Nhưng tôi nghĩ khán giả hiện giờ có sự đào thải. Chỉ một thời gian trào lưu sẽ bị đào thải và thay thế bằng những hiện tượng khác”, nhạc sĩ tiếp tục.
Ca khúc của Chị Cả lan truyền trên TikTok bất chấp nội dung phản cảm. |
Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận định trách nhiệm thuộc về bậc phụ huynh, bộ phận kiểm duyệt của các nền tảng và cả cơ quan liên quan.
“Đây là trách nhiệm của cả xã hội. Cục Nghệ thuật Biểu diễn cần có biện pháp cứng rắn hơn với người dùng, đặc biệt những người đang mang danh nghệ sĩ nhưng làm sản phẩm âm nhạc phản cảm trên TikTok”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận định.
Nội dung tiêu cực ảnh hưởng tới sự phát triển của giới trẻ
TikTok đang nền tảng có nhiều bạn trẻ sử dụng. Theo thống kê của Wallaroo Media, 60% trong tổng số hàng trăm triệu người dùng của TikTok ở độ tuổi 16-24. Nhiều người đặt câu hỏi về tác động tiêu cực của những nội dung phản cảm trên TikTok với khán giả trẻ.
Trả lời Zing, chuyên gia tâm lý - giáo dục giới trẻ, thạc sỹ Chế Dạ Thảo (Đại học HUTECH) cho biết: “Trước tiên, chúng ta phải xác định truyền thông cá nhân trong giai đoạn này phát triển rất mạnh. TikTok góp mặt trong xu hướng. Do đó, chúng ta cũng không thể đứng ngoài việc giới trẻ đang tiếp nhận thông tin từ những kênh đó ra sao”.
“Truyền thông luôn có sự tác động mạnh mẽ tới con người. Nó làm thay đổi một phần nhận thức của các bạn trẻ về những giá trị trong cuộc sống, ví dụ văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội… Nó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của bản thân các bạn. Định hướng về nhận thức sẽ làm thay đổi giá trị các bạn lựa chọn trong hành xử và phát triển bản thân”, chuyên gia nhận định.
Chuyên viên tâm lý - giáo dục giới trẻ Chế Dạ Thảo khẳng định việc tiếp nhận thông tin của mỗi cá nhân phụ thuộc vào hai yếu tố chính, đầu tiên là bộ lọc cá nhân và tiếp đến là chất lượng nội dung của các nền tảng. Bộ lọc và nhu cầu của mỗi cá nhân khác nhau. Đó chính là yếu tố để mỗi cá nhân có sự phòng vệ thay vì tiếp nhận thông tin tràn lan.
“Bộ lọc cá nhân và định hướng về nhu cầu xem là chìa khóa để khán giả trẻ hạn chế tiếp cận những thông tin rác. Những thông tin tiêu cực không phù hợp với lứa tuổi và không có giá trị tích cực khiến nhận thức của những bạn đang ở độ tuổi chưa trưởng thành, chưa hoàn thiện về nhận thức cũng như nhân cách bị tập nhiễm. Các bạn sẽ hình thành những thói quen và lối sống không phù hợp với độ tuổi”, chuyên gia cho biết.
Theo chuyên gia, các bậc phụ huynh cần có biện pháp sát sao với trẻ vị thành niên bởi thời gian sử dụng TikTok nói riêng và thiết bị điện tử nói chung cần phù hợp với sức khỏe, thời gian biểu để đảm bảo việc học tập. Tuy nhiên, các biện pháp cần dựa trên sự tôn trọng và thỏa thuận giữa các bậc phụ huynh với con em mình.
“Song song với sự định hướng cần có những biện pháp kỷ luật. Để tạo thành thói quen thì chúng ta cần có tính kỷ luật”, chuyên gia nhấn mạnh.