TikTok và cả Facebook đang tràn ngập những video "review", tổng hợp hoặc đoạn cắt từ phim điện ảnh. Những bộ phim dài tới 90, 2 tiếng hoặc series phim giờ đây được gói gọn nội dung, tiết lộ toàn bộ chi tiết quan trọng trong những video review dài khoảng vài phút. Những video như thế đang làm thay đổi thói quen thưởng thức phim của khán giả.
Nhưng, theo hướng tiêu cực.
Thay vì theo dõi cả bộ phim và suy ngẫm, chiêm nghiệm về từng tình tiết trong phim, khán giả giờ đây chỉ lướt qua những video ngắn để nắm được nội dung của bộ phim.
Đáng nói, để câu view, các video thường được giới thiệu bằng những nội dung giật gân nhất trong phim. Việc này khiến khán giả hiểu sai hoàn toàn nội dung, ý nghĩa và thông điệp của phim. Tình trạng review tràn lan không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự trọn vẹn của các bộ phim điện ảnh mà có thể tác động xấu tới khán giả vị thành niên bởi những nội dung phản cảm, bạo lực.
"Review" kiểu TikTok “giết chết” các nhà sản xuất
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “review phim” trên TikTok, người dùng có thể nhận được hàng nghìn kết quả. Nội dung các video khá đa dạng, từ phim truyền hình Việt Nam, quốc tế tới phim điện ảnh. Tất cả thể loại, phim hài, kinh dị, tình cảm… đều xuất hiện trên TikTok thông qua các video "review" dài vài phút. Các video thường nhận được hàng triệu hoặc hơn 10 triệu lượt xem.
Những video này được gắn mác "review" nhưng thực chất chỉ cắt ghép những đoạn phim kịch tính nhất và chèn lời kể tóm tắt đơn điệu, vô tư thuật lại theo ý kiến chủ quan, thậm chí dùng từ ngữ không phù hợp.
Các video review hoặc trích phim tràn ngập trên TikTok. |
Nói về việc phát hành bộ phim điện ảnh đầu tay Lion, đạo diễn Garth Davis từng cho biết “làm phim không phải một công việc mà là trách nhiệm xã hội đối với tôi”. Với Geraint Anderson - biên kịch, nhà sản xuất phim Trick or Treat - thông điệp là yếu tố quan trọng trong một bộ phim, cuốn tiểu thuyết, vở kịch, tác phẩm nghệ thuật hay kể cả một ca khúc. Nó tạo thêm sức hút cho nỗ lực sáng tạo của đạo diễn, biên kịch.
Tuy nhiên, thông điệp mà ê-kíp sản xuất gửi gắm qua các phim điện ảnh đang bị "giết chết" ở những video review dài vài phút trên TikTok, Facebook. Với các video trên TikTok, việc review đúng nội dung hay thông điệp không được đảm bảo.
Trong hầu hết video như vậy, lời thoại của nhân vật/diễn viên bị loại bỏ, thay vào đó là lời kể, tóm tắt phim từ chủ kênh. Lúc này, cảm xúc của phim không còn trọn vẹn. Trên thực tế, nhiều bộ phim điện ảnh thậm chí bị review sai cả nội dung trên TikTok, Facebook.
Clip tóm tắt phim "Bẫy ngọt ngào" tràn lan. |
Trao đổi với Zing, diễn viên kiêm đạo diễn Khương Ngọc nhận định: “Nhìn về mặt đầu tiên là quảng bá, thực chất phương pháp review theo cách có hiểu biết giúp khán giả nắm rõ hơn về thông tin bộ phim họ, để dễ đưa ra chọn lựa. Nhưng khi review thành một công việc thì số lượng người tham gia đông hơn. Đồng nghĩa, nhiều video review bị trùng lặp hoặc sai khác so với nội dung phim”.
Anh nói tiếp: “Thường thì khán giả có những nguồn review quen thuộc và uy tín để tìm xem trước khi lựa chọn phim. Những video review nội dung dung tục hoặc sai so với tình tiết phim có lẽ sẽ bị đào thải. Tuy nhiên, xét cho cùng, review cũng chỉ là ý kiến cá nhân. Tôi vẫn ủng hộ việc xem và cảm nhận phim bằng trải nghiệm của chính mình thay vì những clip review ngắn ngủi, mà thực chất đó chỉ là những clip tổng hợp, tiết lộ nội dung”.
Anh Ngô Thanh Phong, người sáng lập chuyên trang đánh giá phim Cuồng Phim nhận định việc các video trên TikTok, Facebook tiết lộ nội dung phim nhưng không có cảnh báo khiến khán giả không còn hứng thú ra rạp xem phim và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhà sản xuất.
"Những video tự nhận là review phim trên thực chất là kể lại toàn bộ nội dung của phim. Điều này khiến người xem không cần đến rạp vẫn có thể nắm được toàn bộ cốt truyện, gây tổn thất lớn cho các đơn vị làm phim", anh Ngô Thanh Phong nói.
Vi phạm bản quyền núp bóng review
Các video review cũng thường được giới thiệu bằng những tình tiết giật gân nhất trong phim, phần nhiều mang yếu tố tình dục, bạo lực… nhằm kích thích sự tò mò của người xem. “Những lần đầu thân mật cùng nhau đầy ngại ngùng” là nội dung được đưa ra để giới thiệu một video review phim điện ảnh Chuyện tình cây táo gai do Châu Đông Vũ và Đậu Kiêu đảm nhận vai chính trên Facebook.
Hay, một video review phim Quyên của David Trần, Vũ Ngọc Anh cũng chỉ tập trung vào cảnh cưỡng bức trong phim. Đáng nói, những video như thế tràn ngập trên Facebook hay TikTok và nhận hàng trăm nghìn, hàng triệu lượt xem nhưng không có bất cứ cảnh báo nào về độ tuổi cho người dùng.
Theo thống kê của Wallaroo Media, 60% trong tổng số hàng trăm triệu người dùng của TikTok ở độ tuổi 16-24. Do đó, điều đáng lo ngại là những khán giả trẻ tuổi dễ dàng tiếp cận những video review kể trên.
Bên cạnh đó, Ashleigh Boyce, luật sư tại Dundas Lawyers chỉ ra việc các TikToker sử dụng video trích từ bộ phim rồi lồng ghép lời dẫn và đăng trên TikTok có thể vi phạm bản quyền.
Phim ảnh bị xâm phạm bản quyền trên TikTok. |
Tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia, nhưng luật bản quyền về cơ bản mang lại cho các cá nhân hoặc tổ chức quyền kiểm soát, bảo vệ và khai thác tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật do họ tạo ra. Chủ sở hữu bản quyền có thể ngăn người khác sao chép hoặc dùng lại sản phẩm của họ mà không có sự cho phép.
Khi hành vi sử dụng nội dung đã đăng ký bản quyền trở nên rõ ràng, chẳng hạn việc đăng lại các đoạn phim, TikTok có quyền yêu cầu người dùng gỡ bỏ video. Tuy nhiên, chỉ 0,5% trong số 81 triệu video bị xóa trong năm 2021 là do vi phạm bản quyền. Đáng nói, việc sử dụng clip trong phim núp bóng review lại đang nhan nhản trên TikTok hay Facebook.
Câu hỏi đặt ra là các nền tảng kể trên đã thật sự nghiêm túc và quyết liệt trong việc bảo vệ bản quyền hay chưa. Trao đổi với Zing về vấn đề này, ông Ngô Thanh Phong nhận định: "Đây thực chất là một dạng vi phạm bản quyền núp bóng review phim".