Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ca sĩ Mỹ Linh: 'Đọc sách là lúc mình yên tĩnh nhất'

Chiều 17/4, ca sĩ Mỹ Linh đã giao lưu với bạn đọc trong cuộc tọa đàm “Tuổi trẻ đọc gì” tại Hội sách Công viên Thống nhất Hà Nội.

- Chị cũng có một thời “trùm chăn đọc sách”?

- Hồi nhỏ khó khăn lắm mới có sách nên gặp được cuốn nào ưng là tôi đọc say sưa. Tôi đọc mãi truyện Kiều, sau đó là bộ Thủy Hử, Tam Quốc và thuộc lòng những câu thơ đầu sách, ngoài ra còn đọc  văn học Nga,  Mỹ. Dưới ánh đèn dầu sợ hỏng mắt mẹ cấm không cho đọc nên nhiều lần tôi trốn mẹ ôm sách chui vào chăn.

- Cách chị đọc sách như thế nào?

-  Mới đầu tôi đọc truyện đơn giản, dễ hiểu trước. Cuốn nào khó phải đọc lại mấy lần, đến lúc hiểu mới thôi. Cùng một cuốn khi nhỏ hiểu khác giờ đọc lại hiểu theo kiểu khác. Bây giờ trong những chuyến bay dài tôi luôn mang theo sách, trong đó có cả sách tiếng Anh.

- Một số bạn trẻ cho rằng phim hay rất nhiều, tha hồ xem, đọc sách làm gì nữa. Chị nghĩ thế nào về điều này?

- Có những trang sách khiến tôi rung động mãnh liệt. Tôi cảm thấy sự rung động đó còn mạnh hơn cả khi hát. Đọc sách ta phải phát huy trí tưởng tượng, mỗi người lại có trí tưởng tượng khác nhau, sự thú vị chính là chỗ đó. Mỗi lần đọc lại nhìn ra những cái mới vì sách kích thích sự sáng tạo. Vì những điều đó mà phim hay bất cứ hình thức thể hiện nào khác đều không thể thay thế được sách chữ.

- Chị chọn sách dựa vào tiêu chí nào?

- Tôi rất bận rộn. Trình độ thẩm sách cũng có hạn. Vì thế tôi thường vào web tìm sách theo review, nghĩa là qua một sự chọn lọc trước, sauu đó đọc một số commen. Qua vài lần thấy đúng nên tôi theo cách như vậy.

Ca sĩ Mỹ Linh và ông Nguyễn Cảnh BÌnh, CEO  Alpha Book trong buổi tọa đàm.

- Chị định hướng cho con đọc sách như thế nào?

- Các con bây giờ phải học nhiều quá. Về nhà con còn phải tập đàn. May là con tôi học trường quốc tế, ở đó họ yêu cầu mỗi tuần phải đọc một số cuốn sách nhất định. Tôi khuyến khích các con đọc, hướng tới những cuốn sách phù hợp độ tuổi, có tính nhân văn cao như tác phẩm của Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh... Nhìn chung các con cũng không ham đọc lắm, thích chơi điện thoại. Tôi cũng suy nghĩ về điều này nhiều. Ở Nhật người ta nói trẻ con không nhìn thấy mặt trăng mặt trời, nếu lười đọc sách nữa dễ có biểu hiện tự kỷ, sống ảo rồi nhìn nhận xã hội không chuẩn. Tôi nói với các con, đọc sách ban đầu có thể chán nhưng dần dần sẽ thấy thú vị.

- Chị có lời khuyên gì với các bạn trẻ đang đánh mất thói quen đọc sách?

- Thực sự là tôi không dám khuyên. Bản thân tôi cũng đang gặp vấn đề đó. Với tôi, đọc sách là lúc mình yên tĩnh nhất, đó là thời gian dành cho mình. Nhưng tôi luôn rơi vào tình trạng có quá nhiều việc phải giải quyết, ngay đến một bài báo ngắn cũng đọc lướt. Tôi đang tự điều chỉnh mình để không bị rơi vào tình trạng như vậy.

- Chị đang xây dựng tủ sách Minh Phú, kế hoạch này như thế nào?

- 6 năm trở lại đây tôi sống ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Trẻ em ở đấy có vẻ ít đọc sách, đọc báo, học xong lêu lổng ngoài đường. Tôi tiếc cho thời gian của các em. Vì thế tôi muốn lập tủ sách Minh Phú, hy vọng các em đọc sách nhiều để có ý thức hơn.

Phan Thúy Hà

Bạn có thể quan tâm