Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Bước ngoặt Trung Đông

Trong khi Iran và các nước Arab xích lại gần nhau, triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel trở nên mù mờ do cuộc xung đột tại Gaza.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman gặp Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi tại Riyadh hôm 9/10. Ảnh: Thông tấn xã Saudi Arabia.

Trước cuộc tấn công ngày 7/10/2023, viễn cảnh bình thường hóa quan hệ giữa hai nước cựu thù Trung Đông có lúc đã đến rất gần. Theo thỏa thuận dự kiến, chính quyền Riyadh sẽ nhận được một hiệp ước quốc phòng với Mỹ và được hỗ trợ về chương trình hạt nhân dân sự. Vấn đề Palestine hầu như không được nhắc đến.

Giờ đây, thỏa thuận đã trở nên tương đối xa vời. Thay vì Israel, Saudi Arabia đang cải thiện quan hệ với “cựu thù” Iran. Riyadh cũng công khai đòi hỏi thỏa thuận với Tel Aviv phải bao gồm điều khoản công nhận nhà nước Palestine, đánh dấu sự thay đổi chính sách của “anh cả” khối Arab.

“Hệ quả của Gaza là cản trở Israel hội nhập vào khu vực”, ông Ali Shihabi, một doanh nhân Saudi Arabia có quan hệ thân cận hoàng gia, nói với New York Times. “Theo Saudi Arabia, mọi liên hệ với Israel trở nên có hại hơn hậu Gaza - trừ khi người Israel thay đổi lập trường và thực sự cam kết hướng tới một nhà nước Palestine - điều họ vẫn từ chối”.

Bước ngoặt Gaza

Dù Riyadh từ lâu là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine, vấn đề này ngày càng ít quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại Saudi Arabia.

Trong cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ hồi năm ngoái, Saudi Arabia không coi đây là một điều kiện. Thay vào đó, họ chỉ yêu cầu Israel cho phép chính quyền Palestine mở rộng phạm vi kiểm soát và quyền lực tại Bờ Tây, theo ông Shihabi và các nhà ngoại giao Arab thông thạo sự việc.

Tình hình tại Gaza đã khiến cục diện thay đổi. Hôm 18/9 vừa qua, Thái tử Mohammed bin Salman công khai đặt điều kiện với Israel liên quan tới Palestine.

“Vương quốc (Saudi Arabia) sẽ không ngừng nỗ lực xây dựng một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem. Chúng tôi khẳng định Vương quốc sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nếu điều kiện này không được đáp ứng”, nhà lãnh đạo Saudi Arabia tuyên bố với Hội đồng Cố vấn.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tương đối cẩn trọng trước quan điểm của người dân. Khi những hình ảnh đau lòng từ Gaza được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều người Saudi thay đổi thái độ với Israel từ tích cực, trung tính sang thù địch.

Không chỉ Saudi Arabia, một số quốc gia Arab đã thiết lập quan hệ với Israel bắt đầu đề cập nhiều hơn đến quyền thiết lập quốc gia của người Palestine, có thể do lo ngại dư luận trong nước.

Quan hệ giữa Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - quốc gia hùng mạnh thứ hai vùng Vịnh - đã gia tăng căng thẳng trong thời gian qua. Ngoại trưởng UAE hồi tháng 9 tuyên bố nước này không ủng hộ tương lai hậu Gaza mà nhà nước Palestine chưa được thiết lập.

Trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiếp tục tuyên bố nước này đang tiến tới thỏa thuận với Saudi Arabia, các quan chức tại Riyadh phát biểu trái ngược. Sự đối lập này càng thể hiện rõ khác biệt giữa hai nước.

“Các thỏa thuận Abraham (tên gọi chung các thỏa thuận giữa Israel và các nước Hồi giáo trong thời gian qua) chỉ để trang trí, không có ý nghĩa thực chất hướng tới một thỏa thuận hòa bình khu vực lâu dài. Nhiều nước chỉ tham gia vì coi Israel là cách thức gây ảnh hưởng tại Washington”, ông Shihabi nói.

“Nhưng giờ đây chúng ta thấy Mỹ không có quyền lực hay ảnh hưởng với Israel và Israel không có ý định thành lập một nhà nước Palestine”, ông bổ sung.

israel saudi arabia anh 1

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại Liên hợp quốc hồi tháng 9. Saudi Arabia được xếp vào nhóm các nước "được ban phước", trong khi Iran nằm trong nhóm "bị nguyền rủa". Ảnh: New York Times.


Tan băng quan hệ Tehran - Riyadh

Trong những tháng qua, quan hệ giữa Iran với Saudi Arabia và khối Arab nói chung đạt được nhiều bước tiến lớn. Hồi đầu tháng này, ngoại trưởng Iran và các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần đầu gặp mặt tại Doha, Qatar

Cuộc gặp diễn ra ngay sau khi Tehran phóng 180 tên lửa đạn đạo nhằm vào Israel để trả thủ sau các vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh.

Theo giới quan sát, Iran có thể càng muốn cải thiện quan hệ với các nước vùng Vịnh sau khi hàng loạt thủ lĩnh hàng đầu của Hezbollah và Hamas trong những tuần qua, qua đó gián tiếp làm suy yếu lực lượng thân Iran ở khu vực.

Ngoài Qatar, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi còn thăm Saudi Arabia và một số quốc gia khác trong khu vực như Iraq, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập - đây là lần đầu một ngoại trưởng Iran thăm Ai Cập sau 12 năm.

“Trong khu vực, chúng ta chia sẻ nỗi bất bình về nguy cơ chiến tranh lan rộng, các cuộc chiến tại Gaza, Lebanon và những người phải rời bỏ nhà cửa”, ông Araghchi nói khi hạ cánh xuống Istanbul hôm 18/10.

Tới nay, Saudi Arabia và các đối tác vẫn nghi ngờ về ý đồ thực sự của Iran. Ngoài Hamas và Hezbollah - hai tổ chức coi Israel là đối thủ hàng đầu - Tehran còn chi tiền ủng hộ nhóm vũ trang Houthi - lực lượng đang đối đầu với Saudi Arabia tại Yemen.

Dù vậy, “miễn là người Iran chìa tay với Riyadh, giới lãnh đạo Saudi Arabia sẽ nắm lấy”, ông Shihabi nói. Theo doanh nhân này, nếu Iran thực sự có ý đồ nghiêm túc, cục diện liên kết Trung Đông sẽ bị đảo lộn.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...

Hà Thủy

Bạn có thể quan tâm