Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bước chuyển mình của NATO

Nhiều năm qua, Mỹ gặp khó khăn khi thuyết phục NATO xoay trọng tâm chính sách đối ngoại sang châu Á để ứng phó Trung Quốc. Nhưng dần dần, các nước NATO đã thay đổi.

NATO va Trung Quoc anh 1

Trong nhiều năm qua, Mỹ đã cố gắng xoay trọng tâm chính sách đối ngoại sang châu Á để tập trung vào Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ cũng cố gắng thúc đẩy NATO và các đồng minh châu Âu có cái nhìn nghiêm túc hơn đối với thách thức từ Bắc Kinh, theo New York Times.

Các cuộc khủng hoảng khác vẫn luôn cản trở nỗ lực ấy của Mỹ. Nhưng dần dần, châu Âu đã nhận ra rủi ro đối với ngành công nghiệp và các cơ sở hạ tầng của họ, đặc biệt là sau khi cuộc xung đột Ukraine đã chứng minh họ dễ tổn thương ra sao khi phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Bất chấp mối bận tâm về xung đột ở Ukraine, ngoại trưởng các nước NATO tại cuộc họp ở Bucharest hôm 29/11 đã thống nhất nỗ lực để đối phó với những gì mà họ cho là thách thức từ Trung Quốc.

Đường lối cứng rắn hơn của NATO

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 30/11 cho biết NATO đã đồng thuận thực hiện các bước đi cụ thể hơn nữa để giải quyết thách thức chiến lược ngày càng tăng từ Trung Quốc. Điều đó bao gồm cả việc cố gắng phối hợp kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ và đánh giá an ninh đối với các khoản đầu tư của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định các cuộc thảo luận tập trung đặc biệt vào việc làm thế nào để giảm sự phụ thuộc vào một số quốc gia, nhất là Trung Quốc, liên quan đến chuỗi cung ứng, công nghệ hoặc cơ sở hạ tầng.

Trong khi tiếp tục giao thương và hợp tác với Trung Quốc, “chúng ta phải nhận thức được sự phụ thuộc của mình, giảm thiểu các điểm yếu và quản lý rủi ro”, ông khẳng định.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Blinken thừa nhận rằng “mối quan hệ với Trung Quốc rất phức tạp, cũng như rất quan trọng”. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia trong liên minh này.

Trong những năm gần đây, liên minh thường xuyên xảy ra bất đồng về cách ứng xử với Trung Quốc.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington hy vọng có thể thuyết phục các quốc gia khác về việc phải thận trọng hơn đối với các khoản đầu tư và hoạt động của Trung Quốc trong các dự án cơ sở hạ tầng và thương mại liên quan đến công nghệ.

NATO va Trung Quoc anh 2

Tổng thư ký NATO (trái) và ngoại trưởng Mỹ tại Bucharest (Romania) hôm 30/11. Ảnh: Reuters.

NATO được thành lập như một liên minh quân sự thời Chiến tranh Lạnh để đối trọng Nga. Các quốc gia thành viên chủ chốt có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc, như Đức và Pháp, đều mong NATO sẽ không đi lạc khỏi trọng tâm chính, đó là về an ninh xuyên Đại Tây Dương.

Theo họ, NATO tốt hơn hết là hãy để lại những lo ngại như khí hậu và thương mại cho các cơ quan và tổ chức khác như Liên minh châu Âu - vốn không phải là một liên minh quân sự.

Việc vấn đề Trung Quốc được NATO đem ra thảo luận trong cuộc họp ở Bucharest đánh dấu sự chuyển hướng sang một đường lối cứng rắn hơn đối với những gì họ cho là thách thức từ Bắc Kinh.

Các lĩnh vực được quan tâm trong cuộc thảo luận bao gồm việc sàng lọc đầu tư để bảo vệ các ngành công nghiệp then chốt, cơ sở hạ tầng, mạng, công nghệ và sở hữu trí tuệ, đặc biệt là khi các quốc gia đang lo ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng lo ngại về việc phương Tây có thể bị tụt lại phía sau trong các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo.

Trọng tâm các cuộc thảo luận là khả năng phục hồi, với việc một số thành viên tập trung vào an ninh hàng hải, một số tập trung vào an ninh năng lượng. Trong khi đó, một số khác tập trung vào kiểm soát xuất khẩu, an ninh mạng và thông tin sai lệch.

Đồng thời, các nước nhấn mạnh không có ý định coi Trung Quốc là đối thủ hay để NATO can dự quân sự vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Vừa đấu tranh, vừa hợp tác

Các ngoại trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì lợi thế công nghệ của NATO và tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và với EU, theo thông cáo trên website của tổ chức này.

Trong một cuộc họp báo, ông Stoltenberg nói rằng mặc dù NATO là một liên minh của châu Âu và Bắc Mỹ, “những thách thức mà chúng ta phải đối mặt là trên toàn cầu”.

Ông đồng thời khẳng định Trung Quốc không phải là đối thủ và “chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc khi điều đó mang lại lợi ích cho mình".

Trong số các đồng minh NATO của Mỹ, Anh là một trong những nước thể hiện quan điểm thẳng thắn nhất về Trung Quốc.

Chính phủ Anh hôm 29/11 cho biết sẽ loại công ty CGN của Trung Quốc khỏi dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Sizewell C - dự án ở phía Đông Bắc London, AFP đưa tin.

Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Rishi Sunak cho rằng "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ Anh - Trung đã kết thúc. Ông Sunak chia sẻ thêm rằng Bắc Kinh đang đặt ra "thách thức mang tính hệ thống" đối với lợi ích và giá trị của Anh.

NATO va Trung Quoc anh 3

Dự án nhà máy điện hạt nhân Sizewell C. Ảnh: EDF.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Anh James Cleverly khẳng định cuộc thảo luận của các quốc gia NATO về Trung Quốc chứng tỏ liên minh này đang suy nghĩ nghiêm túc về thách thức mà Bắc Kinh đặt ra cho họ.

Theo ông, NATO cần phải hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực, bao gồm biến đổi khí hậu và lượng khí thải carbon, đồng thời “nêu bật những lĩnh vực mà chúng ta cơ bản không đồng ý”.

Trong những tháng gần đây, giới chức Mỹ đã âm thầm thúc đẩy các đối tác châu Âu về một loạt vấn đề thương mại liên quan đến Trung Quốc. Mỹ đã cảnh báo Đức về việc cho phép Cosco, công ty vận tải biển thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, nắm cổ phần kiểm soát tại một bến cảng ở Hamburg.

Vào năm 2016, Cosco đã mua 51% cổ phần của cảng lớn Piraeus, Hy Lạp - một quốc gia NATO và sau đó đã vận hành cơ sở này. Đức đã đồng ý giới hạn cổ phần của Cosco tại cảng Hamburg ở mức 24,9%.

Giới chức Mỹ cũng đã đấu tranh để thuyết phục các quan chức Hà Lan và ASML, công ty công nghệ lớn của Hà Lan, không bán hệ thống quang khắc siêu cực tím (UEV) cho Trung Quốc. UEV là thiết bị quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn.

Theo sự thúc giục của các quan chức Mỹ, ASML từ trước đã đồng ý ngừng xuất khẩu phiên bản tiên tiến hơn của UEV sang Trung Quốc.

Sự bùng nổ của Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Sự bùng nổ của Trung Quốc”. Cuốn sách được kết cấu thành 2 phần, bắt đầu với việc phác thảo bối cảnh lịch sử diễn ra sự bùng nổ tư bản (vốn) của Trung Quốc và cơ cấu tổ chức xã hội - chính trị những năm 1980 dẫn tới sự bùng nổ này.

NATO quan ngại tốc độ xây dựng quân đội của Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các đồng minh NATO lo ngại các hoạt động xây dựng quân đội "nhanh chóng" của Trung Quốc và sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Moscow.

NATO tái khẳng định cam kết và tăng viện trợ cho Ukraine

Trong cuộc họp vào hôm 29/11, các thành viên NATO tái khẳng định sẽ kết nạp Ukraine trong tương lai, đồng thời cam kết tăng viện trợ tài chính và vũ khí cho quốc gia Đông Âu này.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm