Nội dung cuộc họp giữa bộ trưởng ngoại giao các quốc gia thành viên NATO vào hôm 29/11 chủ yếu bàn về tình hình xung đột tại Ukraine. Ảnh: AP. |
Theo AP, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp với các bộ trưởng ngoại giao các quốc gia thành viên thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tại Romania vào hôm 29/11, trong bối cảnh Nga tăng cường các cuộc không kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine khi mùa đông đang tới gần. Tại cuộc họp, các lãnh đạo của những quốc gia thành viên trong khối khẳng định Nga sẽ không thể ngăn NATO tiếp tục mở rộng.
"Cánh cửa của NATO sẽ luôn rộng mở", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố trước khi chủ trì cuộc họp tại thủ đô Bucharest, Romania.
"Nga không có quyền phủ quyết những quốc gia nào muốn gia nhập NATO. Chúng tôi cam kết việc sẽ trao tư cách thành viên cho Ukraine trong tương lai", Tổng thư ký Stoltenberg khẳng định.
Trước đó, trong hội nghị vào năm 2008 ở thủ đô Bucharest, lãnh đạo các quốc gia NATO trong tuyên bố chung đã khẳng định Georgia và Ukraine sẽ được gia nhập tổ chức này trong tương lai.
Tuy nhiên, với việc Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ông Stoltenberg cho biết việc cấp tư cách thành viên NATO cho quốc gia Đông Âu này ở thời điểm hiện tại không nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên trong liên minh.
"Do tình hình xung đột tại Ukraine đang diễn biến phức tạp, ưu tiên hàng đầu của chúng ta là hỗ trợ về quân sự, tài chính và nhân đạo (cho Ukraine)", ông Stoltenberg phát biểu tại buổi gặp.
Trong tuyên bố chung sau cuộc họp vào hôm 29/11, bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia NATO khẳng định sẽ tăng cường hợp tác với Ukraine và giúp đỡ quốc gia này xây dựng lại đất nước và nền kinh tế sau khi xung đột chấm dứt.
Bên cạnh hỗ trợ về tài chính, nhiều quốc gia NATO cũng cam kết gửi thêm vật tư và thiết bị quân sự đến Ukraine trong cuộc họp tại Romania.
Theo đó, Slovakia cho biết sẽ cung cấp 30 xe bọc thép chở binh sĩ và các hệ thống pháo. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ chi 53 triệu USD để mua các thiết bị điện nhằm sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã bị Nga phá hủy trong các cuộc không kích vào tháng 10.
Mỹ vẫn tỏ ra do dự trong việc cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine do lo ngại hành động này có thể làm gia tăng xung đột với Nga. Ảnh: Reuters. |
Trả lời AP vào hôm 29/11, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nước này vẫn bỏ ngỏ khả năng cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không Patriot. Tuy Ukraine đã yêu cầu được cung cấp các hệ thống Patriot trong nhiều tháng qua, chính quyền Mỹ vẫn đang ngần ngại trong việc cung cấp các hệ thống trên do lo ngại hành động này có thể làm gia tăng xung đột với Nga.
"Nếu NATO cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không Patriot, những hệ thống này sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu tấn công của quân đội Nga", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev chia sẻ trên mạng xã hội Telegram vào hôm 29/11.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.
.