Nhà bác học Albert Einstein. Ảnh: Thenewsdoctors.com |
Một tháng trước khi Thế chiến II nổ ra, nhà vật lý người Đức Albert Einstein viết bức thư dài 2 trang gửi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Franklin D. Roosevelt. Bức thư là "chất xúc tác" cho việc Mỹ tham gia cuộc đua hạt nhân chống lại Đức Quốc xã.
Trong lá thư năm 1939, Einstein cảnh báo Tổng thống Mỹ Roosevelt rằng, phản ứng dây chuyền hạt nhân liên quan tới uranium có thể tạo ra một loại bom mới cực mạnh. Đó là bom nguyên tử.
Theo Einstein, 3 nhà hóa học tại Berlin sắp chế tạo thành công một loại vũ khí làm thay đổi cuộc chơi. Họ tận dụng quá trình phân rã hạt nhân để tách thành công nguyên tử uranium. Phản ứng này giải thoát một khối lượng năng lượng chưa từng có, đủ để tạo ra loại bom khổng lồ.
"Chỉ cần một quả bom loại này được chở đến cảng bằng thuyền và khi nổ tung, nó sẽ phá hủy toàn bộ cảng và một số khu vực xung quanh", Business Insider trích nội dung của một lá thư Einstein gửi Roosevelt.
Năm 1942, sau nhiều bức thư khác của Einstein, chính phủ Mỹ khởi động dự án Manhattan. Đây là kế hoạch của Mỹ nhằm thiết kế và chế tạo những vũ khí có sức hủy diệt khủng khiếp nhất vào thời điểm đó.
Do không có giấy chứng nhận an ninh, Einstein không góp mặt trong dự án Manhattan. Tuy nhiên, công thức E=mc2 nổi tiếng của ông đã xuất hiện trong báo cáo vật lý của Henry DeWolf Smyth - nhà khoa học đầu tiên tham gia dự án của Mỹ vào năm 1945.
Dưới đây là toàn bộ nội dung bức thư của nhà vật lý Eistein gửi Tổng thống Roosevelt ngày 2/8/1939. Nó chứng minh vai trò của ông đối với kế hoạch chế tạo bom nguyên tử của Washington.
"Thưa ngài,
Những bản thảo từ các nghiên cứu gần đây của E.Fermi và L.Szilard khiến tôi dự đoán rằng, uranium có thể biến thành một nguồn năng lượng mới và quan trọng trong tương lai gần. Các vấn đề nảy sinh từ tình hình hiện nay cần phải được theo dõi, và nếu cần, chính phủ phải hành động kịp thời. Do đó, trách nhiệm của tôi là báo cáo với ngài những thông tin và khuyến cáo sau:
Trong 4 tháng gần đây, qua các công trình của Joliot ở Pháp cũng như Fermi và Szilard ở Mỹ, có vẻ phản ứng dây chuyền đã hình thành liên quan tới lượng lớn uranium. Từ đó, nguồn năng lượng khổng lồ và một lượng vô cùng lớn những nguyên tố mới giống radium cũng sẽ được tạo ra. Hiện nay, quá trình này gần như chắc chắn thành công.
Hiện tượng mới này cũng dẫn đến việc bom ra đời. Dù không dám khẳng định, chúng ta có thể tin, những quả bom cực mạnh sẽ được tạo ra. Chỉ cần một quả bom loại này được chở đến cảng và khi nổ tung, nó sẽ phá hủy toàn bộ cảng cùng một số khu vực xung quanh.
Trước tình hình này, ngài có thể thấy, mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ và nhóm các nhà vật lý đang nghiên cứu phản ứng dây chuyền ở Mỹ rất quan trọng. Để đạt điều này, ngài có thể ủy quyền cho một người đủ tin tưởng với một chức danh không chính thức. Anh ta có nhiệm vụ sau:
a) Tiếp cận các cơ quan chính phủ để cung cấp thông tin và đưa ra lời khuyến cáo những hành động cần thiết, đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo nguồn cung cấp quặng uranium cho Mỹ.
b) Đẩy nhanh các nghiên cứu thực nghiệm, vốn chỉ được thực hiện với ngân sách hạn hẹp tại các trường đại học, bằng cách cung cấp kinh phí từ các cá nhân có mong muốn đóng góp vào mục đích này. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng có thể hợp tác với các phòng thí nghiệm ở nhà máy có trang thiết bị cần thiết".
"Những đứa con" của dự án Manhattan
Theo Business Insider, dù không trực tiếp tham gia dự án Manhattan, những lá thư của Eistein quan trọng hơn công thức vật lý nổi tiếng. Hai quả bom "Little Boy" và "Fat Man" mà quân đội Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản là "những đứa con" của dự án Manhattan.
Hai quả bom mà quân đội Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima và Nagashaki của Nhật trong thế chiến II là sản phẩm của dự án Manhattan. Ảnh: Wikipedia |
Ngày 6/8/1945, quân đội Mỹ thả "Little Boy" với trọng lượng 5 tấn xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản, phá hủy một khu vực rộng 10,4 km2 và khiến 80.000 người chết.
Ba ngày sau, quân đội Mỹ tiếp tục thả "Fat Man" xuống thành phố Nagasaki, cướp mạng sống của 40.000 người. Hàng nghìn nạn nhân khác sau đó đã chết vì nhiễm phóng xạ. 8 ngày sau, Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh. Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc.