Pháo điện từ
Pháo điện từ của Hải quân Mỹ. Ảnh: BEA Systems |
Cục nghiên cứu Hải quân Mỹ đang phát triển loại súng điện từ, cho phép bắn đạn ra khỏi nòng với vận tốc lên tới 9.000 km/h. Đây là loại vũ khí công nghệ cao, sử dụng xung điện để tạo ra lực đẩy đầu đạn bay với vận tốc nhanh gấp nhiều lần tốc độ âm thanh. Nó sẽ thay thế cách sử dụng thuốc nổ để đẩy đạn rời nòng như các loại pháo thông thường.
Đầu đạn của súng điện từ hoàn toàn không có thuốc nổ. Nó sử dụng động năng để phá hủy mục tiêu. Với tốc độ di chuyển lớn, đầu đạn của pháo điện từ có khả năng xuyên thủng vỏ của các loại chiến hạm hay máy bay. Nếu thành công, loại vũ khí này sẽ được lắp trên các chiến hạm để thay thế pháo và tên lửa truyền thống.
Hải quân Mỹ tham vọng chế tạo những khẩu pháo điện từ có độ chính xác đáng kinh ngạc, đủ khả năng diệt mục tiêu trong phạm vi 200 km. Đây là khoảng cách vượt trội hoàn toàn so với các loại pháo mà con người đang sử dụng. Ngoài ra, chi phí chế tạo súng điện từ được coi là rẻ hơn rất nhiều so với số tiền để sản xuất một quả tên lửa.
Tia sát thủ vô hình
Thiết bị giải tán đám đông bằng sóng năng lượng cao. Ảnh: Military.com |
Theo Huffington Post, Mỹ đang chế tạo loại vũ khí hoạt động nhờ loại sóng năng lượng cao. Nằm trên nóc một chiếc xe tải, Ray có khả năng giải tán đám đông mà không gây chết người. Vũ khí này khiến nạn nhân cảm thấy da như bị thiêu đốt. Phía Mỹ khẳng định, vũ khí này không sử dụng chất phóng xạ, không gây chết người và an toàn để sử dụng, có thể thay thế vòi rồng, nhưng người ta vẫn đang tranh cãi về tác động của nó.
Máy bay siêu thanh X-51 WaveRider
Mô phỏng máy bay siêu thanh của Mỹ. Ảnh: US AirForce |
Không quân Mỹ đang thử nghiệm loại máy bay siêu thanh có khả năng di chuyển nửa vòng trái đất trong 60 phút. Được phóng từ một chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52, X-51 WaveRider được giới quân sự Mỹ kỳ vọng sẽ đạt được vận tốc Mach 6, tương đương khoảng 7.000 km/h. Tuy nhiên, tốc độ lớn nhất mà nó đạt được là Mach 5 trong lần thử nghiệm năm 2010.
Hiện tại, người ta chưa rõ mục đích của Mỹ khi chế tạo X-51 WaveRider. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu quân sự suy đoán Lầu Năm Góc sẽ sử dụng vũ khí này để tấn công chiến lược các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương. Tốc độ di chuyển lớn giúp nó chọc thủng hệ thống phòng không dày đặc của kẻ thù.
Pháo laser
Pháo laser của Mỹ có khả năng diệt các mục tiêu nhỏ. Ảnh: US Navy |
Sau thời gian dài nghiên cứu, phát triển, Hải quân Mỹ đã quyết định trang bị pháo laser cho tàu đổ bộ USS Ponce trong tháng 8/2014. Hiện tại, chiến hạm khổng lồ của Mỹ đang hoạt động ở vịnh Ba Tư, nơi nạn cướp biển hoành hành. Vũ khí này có khả năng vô hiệu hóa máy bay không người lái hoặc các tàu cao tốc di chuyển trên mặt nước.
Theo giới chức quân sự Mỹ, pháo laser là loại vũ khí hiệu quả và mang lại lợi ích kinh tế lớn. Ngoài 32 triệu USD chi phí sản xuất toàn bộ hệ thống, Hải quân Mỹ chỉ mất khoảng 1 USD cho mỗi lần bắn. Con số này nhỏ hơn rất nhiều nếu so sánh với đạn pháo hoặc các loại tên lửa đối không, đối hạm mà Mỹ đang sử dụng.
Súng tự tìm và diệt mục tiêu
Súng tự tìm mục tiêu AR series 500. Ảnh: Tracking Point |
Trong năm 2014, nhà sản xuất vũ khí TrackingPoint tại thành phố Austin, bang Texas, Mỹ đã giới thiệu loại súng AR series 500, có khả năng tự tìm và diệt mục tiêu trong phạm vi 500 m. Theo nhà sản xuất, hệ thống điều khiển trên khẩu súng có khả năng khóa mục tiêu, tính toán các yếu tố để đảm bảo viên đạn bắn trúng đích dù nó đang di chuyển.
Hiện tại, Tracking Point đang nỗ lực nâng tầm bắn của khẩu súng lên tới 1.200 m. Ngoài ra, xạ thủ có thể sử dụng điện thoại thông minh để kết nối với khẩu súng. Người sử dụng cũng có thể nhập dữ liệu về hướng gió, vận tốc gió để khẩu súng hoạt động chính xác hơn.