Tướng Mỹ thiệt mạng vì máy bay chở bom trục trặc
Tướng Robert F. Travis. Ảnh: Trung tâm Di sản Căn cứ Không quân Travis |
Đây là một trong những sự cố liên quan tới bom hạt nhân khiến nhiều người chết nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Nó xảy ra tại căn cứ không quân Fairfield-Suisun ở bang California khi chiến tranh Triều Tiên đang diễn ra. Hôm 5/8/1950, Không quân Mỹ điều động 10 phi cơ ném bom B-29 tới đảo Guam. Mỗi máy bay mang theo một quả bom hạt nhân Mark IV, theo Washington Post. Chúng không mang theo lõi plutonium, bởi đó là nhiệm vụ của một phi đội khác.
Ngay sau khi các máy bay cất cánh, động cơ của một chiếc trục trặc. Tướng Robert F. Travis, người ngồi trên máy bay, ra lệnh cho phi công quay lại, nhưng một sự cố khác khiến càng đáp của phi cơ không hoạt động. Phi công buộc phải điều khiển để máy bay lao xuống khu vực khá xa của căn cứ. Trong số 20 người trên máy bay, 12 người thiệt mạng và Travis là một trong số những người xấu số.
Lực lượng mặt đất cố gắng dập lửa trước khi bom nổ, nhưng quả bom Mark IV vẫn nổ. 2.300 kg thuốc nổ thông thường trong quả bom gây nên vụ nổ cực lớn khiến 7 người nữa tử vong. Tổng cộng 19 người chết và gần 180 người bị thương vì vụ tai nạn.
Quân đội cố gắng che giấu thảm kịch bằng cách thông báo máy bay chỉ mang theo vũ khí thông thường. Báo cáo về vụ tai nạn không đề cập tới vũ khí hạt nhân trên máy bay B-29. Sau đó Lầu Năm Góc đổi tên căn cứ thành “Căn cứ Không quân Travis” để tưởng nhớ vị tướng thiệt mạng.
Bom rơi vì hai máy bay va chạm
Một phi cơ ném bom B-52G của Không quân Mỹ mang theo 4 quả bom nhiệt hạch MK28 vào ngày 17/1/1966. Khi đang bay phía trên biển Địa Trung Hải, nó tới gần một phi cơ vận tải để tiếp nhiên liệu. Đột nhiên hai máy bay va chạm khiến một phi cơ lao xuống một bờ sông và không nổ, còn chiếc kia lao xuống biển. Hai quả bom rơi gần làng Palomares của Tây Ban Nha và nổ khiến chất độc hại phát tán trên một khu vực có diện tích 2,5 km2. May mắn thay, không ai thiệt mạng bởi vụ nổ, New York Times cho hay.
Quả bom nhiệt hạch của quân đội Mỹ mà ngư dân Francisco Simo Ortis phát hiện dưới biển. Ảnh: New York Times |
Vài tháng sau, Francisco Simo Ortis – một ngư dân Tây Ban Nha – phát hiện quả bom rơi xuống biển. Theo luật hàng hải, ông có quyền nhận khoản tiền thưởng tương đương 1% giá trị chiến lợi phẩm. Giá của quả bom lên tới 2 tỷ USD nên Ortis đòi Washington trả 20 triệu USD. Chính phủ Mỹ chấp thuận yêu cầu của ông.
Ngoài cái chết của 7 người trên hai phi cơ, hai quả bom nổ, khoản tiền bồi thường 20 triệu USD, vụ tai nạn còn khiến nước Mỹ hứng chịu tai tiếng về mặt ngoại giao do tai nạn xảy ra trên lãnh thổ nước ngoài.
Bom nổ trên trời vào năm 1950
Ngày 14/2/1950, một phi cơ Convair B-36 của Không quân Mỹ bay từ căn cứ không quân Eielson gần thành phố Fairbanks, bang Alaska để tới căn cứ Carswell ở thành phố Fort Worth, bang Texas. Phi cơ tham gia nhiệm vụ mô phỏng một cuộc tấn công hạt nhân vào thành phố San Francisco, New York Daily News đưa tin. Sự hiện diện của Convair B-36 sẽ giúp giới chức quân sự đánh giá loại máy bay đó có khả năng ném bom trong điều kiện cực lạnh ở Bắc Cực hay không. Dựa trên kết quả đánh giá, họ sẽ lập phương án phản ứng trong trường hợp Liên Xô tấn công nước Mỹ.
Một quả bom Mark IV. Ảnh: New York Daily News |
Vì mục đích của chuyến bay là tham gia vụ ném bom giả, phi cơ mang theo một quả bom nguyên tử Mark IV. Quả bom không chứa lõi plutonium (để gây nên vụ nổ hạt nhân), nhưng nó vẫn chứa 2.250 kg thuốc nổ thông thường. Vì thế nó có thể gây nên một vụ nổ lớn.
Có thể nói chiếc Convair B-36 hoàn thành nhiệm vụ một cách thành công. Quân đội muốn biết B-36 có khả năng tấn công Liên Xô trong mùa đông ở Bắc Cực hay không và câu trả lời là “nó không thể”. Nhưng do nhiệt độ quá thấp, 3 trong số 6 động cơ của máy bay ngừng hoạt động. Phi hành đoàn buộc phải nhảy ra ngoài. Nhưng trước khi nhảy, họ phải kích nổ quả bom. Sau đó 5 trong số 17 thành viên phi hành đoàn tử nạn.