Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng VH-TT&DL: Vận động viên quốc gia lương 7 triệu đồng/tháng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, vận động viên đội tuyển quốc gia chỉ hưởng lương 7.020.000 đồng/tháng, dẫn tới khó thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: quochoi.vn.

Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách với vận động viên thể thao là một trong những vấn đề thuộc lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ được Quốc hội chất vấn vào chiều 5/6.

Gửi đến đại biểu Quốc hội báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá các chính sách nhằm khích lệ vận động viên tập luyện, thi đấu được ban hành thời gian qua phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc huy động, tuyển chọn tài năng và đãi ngộ đối với tài năng thể thao ở nước ta.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, so với nhiều nước trên thế giới, các chính sách đãi ngộ đối với vận động viên thể thao ở nước ta còn hạn chế.

"Cụ thể, chế độ tiền lương đối với vận động viên các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia theo Nghị định số 152/2018 của Chính phủ còn thấp (vận động viên đội tuyển quốc gia được hưởng 270.000 đồng/người/ngày x 26 ngày công = 7.020.000 đồng/tháng). Tiền lương đối với vận động viên thể thao thấp dẫn tới khó khăn trong thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao", ông Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên thể thao còn thấp, khó đáp ứng đối với một số môn thể thao có cường độ tập luyện ở mức độ cao.

Mặc dù một số địa phương đã áp dụng chế độ đặc thù đối với vận động viên tài năng như hỗ trợ tiền lương đối với vận động viên đạt thành tích cao tại các kỳ Đại hội thể thao quốc tế hoặc trong chu kỳ tập luyện để chuẩn bị tham dự Đại hội Thể thao quốc tế, song theo Bộ trưởng, đa số các địa phương chưa thể ban hành cơ chế đặc thù do nguồn lực đầu tư cho thể thao còn hạn chế.

Đưa ra giải pháp, tư lệnh ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tiếp tục tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thể dục, thể thao, trong đó bao gồm các cơ chế đặc thù đối với đối tượng là các vận động viên thể thao.

Bộ quán triệt, hướng dẫn tổ chức có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ đối với các vận động viên cho các cơ quản quản lý ở địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các tổ chức quản lý thể dục, thể thao triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 36/2019 của Chính phủ, đảm bảo chế độ đãi ngộ phù hợp với đặc thù của vận động viên thể thao thành tích cao.

"Rà soát, nghiên cứu và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các danh hiệu vinh dự nghề nghiệp cho vận động viên gương mẫu, có nhiều cống hiến xuất sắc và đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp thể dục, thể thao", ông Nguyễn Văn Hùng thông tin.

Liên quan đến công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên thể thao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, thời gian qua từng bước đáp ứng yêu cầu đặt ra, góp phần nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, thể hiện qua số lượng, cơ cấu huy chương đã đạt được tại các kỳ đại hội thể thao.

Ông nêu dẫn chứng, Việt Nam giành được các huy chương vàng tại Olympic và Paralympic, luôn nằm trong tốp 3 nước dẫn đầu các kỳ SEA Games, 2 lần liên tiếp dẫn đầu bảng tổng sắp tại SEA Games 31, 32.

Ngoài ra, các môn thể thao Olympic như Điền kinh, Thể dục, Bơi lội, Bóng đá, Bắn súng, Cử tạ, Đua thuyền, Đấu kiếm được đầu tư và đã giành được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ ở cả đấu trường khu vực lẫn châu lục.

Tuy vậy, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, đầu tư cho công tác đào tạo tài năng thể thao, tuy có tăng hàng năm nhưng còn thấp so với nhu cầu; chưa đảm bảo nguồn lực đầu tư đúng mức theo tinh thần Nghị quyết 08 của Trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt lực lượng vận động viên kế cận trong các đội tuyển Quốc gia.

Hệ thống các giải thi đấu thể thao trẻ trên phạm vi cả nước còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; Tổ chức và hoạt động của một số Liên đoàn, Hiệp hội thể thao Quốc gia chưa thích nghi được với xu thế quốc tế, thiếu tính chủ động vì chưa có khả năng tự chủ về tài chính, do đó sự đóng góp vào công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao chưa tương xứng với kỳ vọng... cũng là những tồn tại, hạn chế trong công tác này.

Về nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng cho hay, sẽ trình Thủ tướng xem xét, ban hành Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, xác định tập trung đầu tư cho các môn, nội dung trọng điểm tham dự các kỳ ASIAD (ASIAD 20 năm 2026 tại Nhật, ASIAD 21 năm 2030 tại Qatar, ASIAD 22 năm 2034 tại Saudi Arabia) và Olympic (Olympic năm 2024 tại Pháp, Olympic năm 2028 tại Mỹ, Olympic năm 2032 tại Australia) và các kỳ SEA Games.

Ông Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng cần củng cố và phát triển các trường, lớp năng khiếu thể thao ở các tỉnh, thành phố với quy mô phù hợp.

Đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch coi trọng giáo dục đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho vận động viên. Tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng các vận động viên xuất sắc và phát huy vai trò nêu gương của họ đối với lớp vận động viên kế cận và với thanh, thiếu niên nói chung.

Theo chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các thành viên Chính phủ có 50 phút đầu giờ làm việc sáng 5/6 tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công Thương.

Từ 9h, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Kiểm toán được các đại biểu chất vấn với trách nhiệm trả lời chính thuộc Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.

Từ 15h, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Lãnh đạo các nước chúc mừng Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội

Nhân dịp đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức Chủ tịch nước và đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các nước và các tổ chức đã gửi thư chúc mừng.

ĐBQH: 'Củi đưa vào lò toàn loại gỗ quý hiếm, rất xót xa'

Đại biểu Quốc hội cho rằng những sai phạm trước đây của cán bộ cũng có phần do cơ chế, chính sách nên sai phạm này cũng khiến nhiều người xót xa.

Chủ tịch nước: Nhiều lãnh đạo các nước sang thấy Việt Nam rất an toàn

Chiều 24/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

https://vtcnews.vn/bo-truong-vh-tt-dl-van-dong-vien-quoc-gia-huong-luong-7-trieu-dong-thang-ar875103.html

Anh Văn/VTC News

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm