Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ bị tố che giấu kết quả điều tra của Mueller

Các điều tra viên trong đội ngũ của công tố viên Mueller cho rằng Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã tiết lộ có chọn lọc kết quả điều tra theo hướng có lợi cho Tổng thống Trump.

Theo New York Times, một số thành viên trong đội điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã chia sẻ với các cộng sự rằng Bộ trưởng Tư pháp William Barr, người đưa ra kết luận chưa đầy hai ngày sau khi đọc bản báo cáo 400 trang, không mô tả đầy đủ những phát hiện của cuộc điều tra.

Họ cho rằng kết quả của cuộc điều tra trên thực tế sẽ khiến ông Trump đau đầu hơn nhiều so với những gì ông Barr tiết lộ trong bản tóm tắt dài 4 trang gửi quốc hội.

Một nhân tố quan trọng khiến các điều tra viên của ông Mueller không hài lòng đó là vai trò của người định hình sự hiểu biết ban đầu của công chúng về một trong những cuộc điều tra nổi tiếng nhất lịch sử nước Mỹ. Nhóm điều tra viên lo ngại khi ông Barr là người đầu tiên tường thuật lại kết quả cuộc điều tra Mueller, điều này sẽ ảnh hưởng góc nhìn của người Mỹ khi có kết quả công khai.

Bao cao Mueller bi che giau anh 1
Cũng giống như trong quá trình điều tra, công tố viên đặc biệt Robert Mueller tỏ ra hết sức kín kẽ sau khi bản báo cáo được công bố. Tuy nhiên một số cấp dưới của ông cho rằng Bộ trưởng Tư pháp William Barr - người bạn lâu năm của ông Mueller - đã tiết lộ quá ít thông tin, và sự thực thì bản báo cáo có thể khiến Tổng thống Trump đau đầu hơn rất nhiều. Ảnh: New York Times.

Tiết lộ quá ít, ông Trump được lợi

Bộ trưởng Barr cho biết ông sẽ nhanh chóng công khai bản báo cáo dài gần 400 trang nhưng cần có thời gian để chọn lọc và loại bỏ các thông tin tuyệt mật. Các điều tra viên của ông Mueller cũng đã viết sẵn nhiều bản tóm tắt cho báo cáo, và một số tin rằng ông Barr nên đưa thêm những tài liệu của họ vào bức thư dài 4 trang được công bố ngày 24/3, vốn chỉ trích dẫn một cách ngắn gọn về các kết quả của cuộc điều tra.

Mọi ánh mắt, đặc biệt là từ phe Dân chủ, đã đổ dồn về bộ trưởng tư pháp từ lâu vì ông Barr được chính Tổng thống Trump bổ nhiệm vào hồi tháng 2, chỉ một tháng trước khi bản báo cáo của Công tố viên Mueller hoàn tất.

Lập trường của ông Barr cũng bị đặt nhiều dấu hỏi khi quan điểm của ông về quyền hành pháp cho rằng tổng thống không phạm tội khi sử dụng quyền lực để sa thải một cấp dưới không trung thành hoặc ân xá cho một người thân cận.

Đây là một phần của bài viết hồi tháng 6/2018 trong đó ông Barr chỉ trích cuộc điều tra của ông Mueller về cáo buộc cản trở công lý của Tổng thống Trump. Điều này khiến cho phe Dân chủ coi ông Barr là người có thành kiến và không phù hợp để tóm tắt và biên tập báo cáo Mueller.

Mặc dù vậy thì văn phòng của công tố viên đặc biệt chưa từng yêu cầu Bộ trưởng Barr phải công khai bản kết quả cuộc điều tra. Bộ Tư pháp cũng nhanh chóng quả quyết rằng bản báo cáo Mueller chứa những thông tin nhạy cảm, như các tài liệu mật và thông tin liên quan đến những cuộc điều tra khác đang diễn ra.

Các quan chức và những người được hỏi từ chối tiết lộ lý do chi tiết tại sao các điều tra viên của ông Mueller cho rằng kết quả điều tra sẽ gây tổn hại đến ông Trump nhiều hơn là những gì Bộ trưởng Barr giải thích. Cũng không rõ văn phòng công tố viên đã thảo luận như thế nào với các quan chức Bộ Tư pháp về cách thức cũng như bao nhiêu phần của bản báo cáo sẽ được tiết lộ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp William Barr và các cố vấn cũng có sự không hài lòng nhất định với ông Mueller và đội ngũ điều tra. Ông Barr và các viên chức của bộ cảm thấy công tố viên đặc biệt đã không hoàn thành nhiệm vụ khi từ chối đưa ra kết luận về việc tổng thống có cản trở công lý hay không. Sau khi ông Mueller không đưa ra khuyến cáo cho vấn đề này, Bộ trưởng Barr bước vào và tuyên bố ông Trump trong sạch.

Bao cao Mueller bi che giau anh 2
Bộ trưởng Tư pháp William Barr được cho là đã không hài lòng khi phía công tố viên đặc biệt không đưa ra kết luận về việc ông Trump có cản trở công lý hay không. Ảnh: New York Times.

Mặc dù vậy theo điều lệ của Bộ Tư pháp Mỹ, công tố viên đặc biệt Robert Mueller sẽ phải gửi một báo cáo mật tới Bộ trưởng Tư pháp, đưa ra quyết định có khởi tố hay không, và ông Barr cũng đã cam kết sẽ gửi một bản báo cáo được loại bỏ các thông tin mật tới quốc hội. Theo quy định thì ông Barr có thể bôi đen bất cứ thứ gì mà ông cho là không phù hợp.

Các cuộc tranh luận đã nổ ra về quá trình báo cáo Mueller được công khai như thế nào và bao nhiêu, khi phe Dân chủ ở quốc hội cáo buộc ông Barr cố tình can thiệp để làm ảnh hưởng tới kết quả điều tra theo hướng có lợi cho tổng thống.

Thế khó của bộ trưởng tư pháp

Ông Barr bị chỉ trích vì tiết lộ quá ít, nhưng theo các quan chức quen thuộc với lối suy nghĩ của bộ trưởng tư pháp, ông Barr và các cố vấn hạn chế tiết lộ thông tin vì quan ngại họ sẽ đi quá xa vào lĩnh vực chính trị. Nếu tiết lộ các thông tin bất lợi cho tổng thống, ông Barr và Bộ Tư pháp chắc chắn sẽ hứng chịu làn sóng chỉ trích như ông Comey và FBI từng phải nhận sau cuộc điều tra với bà Clinton.

Các chuyên gia luật từng phản đối ông Comey khi đó vì vi phạm cách làm việc của Bộ Tư pháp: giữ bí mật mọi thông tin tiêu cực về bất cứ ai trong quá trình điều tra. Điều này tồn tại để tránh việc đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực mà không có cơ hội trả lời một cách công bằng trước toà.

Chính Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein đã trích dẫn điều này để giải thích cho quyết định sa thải ông Comey của Nhà Trắng.

Điều này vô tình gây khó dễ cho ông Barr, vì kể từ khi nhậm chức hồi tháng 2, bộ trưởng tư pháp luôn cam kết sẽ công khai nhiều nhất có thể báo cáo của công tố viên đặc biệt Mueller. Ông Barr tái khẳng định điều này hôm 29/3 vừa rồi và cho biết ông muốn cả quốc hội và công chúng có trên tay bản báo cáo, Bộ Tư pháp sẽ công bố nó vào giữa tháng 4 với các phần nhạy cảm được bôi đen. Ông Barr cũng đề xuất tham gia điều trần trước quốc hội ngay sau đó.

Ông Barr và ông Mueller đã quen biết nhau trong 30 năm, ông Barr từng phát biểu trong lễ nhậm chức vào tháng 2 rằng ông tin tưởng công tố viên Mueller sẽ thực hiện một cuộc điều tra công bằng, không mang tính đảng phái. Bộ trưởng tư pháp cũng nói với tổng thống rằng ông Mueller là "một người chính trực và ông ấy nên được đối xử như vậy". Ông Mueller từng đứng đầu bộ phận tội phạm của Bộ Tư pháp khi ông Barr làm bộ trưởng dưới thời Tổng thống George Bush, và hai gia đình cũng rất thân thiết.

Bao cao Mueller bi che giau anh 3
Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler sau khi thông qua trát yêu cầu bản báo cáo công khai cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller. Ảnh: AP.

Nhưng những cam kết minh bạch của ông Barr vẫn không thể làm hài lòng phe Dân chủ, những người đang kiểm soát hạ viện. Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler đã được phép sử dụng trát đòi để yêu cầu một bản báo cáo đầy đủ từ Bộ trưởng Barr. Ông Nadler, hạ nghị sĩ đến từ New York, không tiết lộ khi nào sẽ sử dụng yêu cầu này, nhưng cho biết ông không tin bản tóm tắt của bộ trưởng tư pháp phản ánh đúng kết quả cuộc điều tra Mueller.

"Hiến pháp yêu cầu quốc hội bắt tổng thống phải chịu trách nhiệm trước các cáo buộc chính thức về hành vi sai trái. Công việc này đòi hỏi chúng tôi phải tự mình đánh giá các chứng cứ -  không dựa trên bản tóm tắt của bộ trưởng tư pháp, hoặc một bản báo cáo đã bị biên tập lại - mà phải dựa trên bản báo cáo đầy đủ và những chứng cứ quan trọng", ông Nadler cho biết.

Cố vấn của TT Trump cảnh cáo TQ vì tiêm kích xâm nhập Đài Loan

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cảnh báo Trung Quốc đang làm tình hình tại khu vực xấu đi sau khi cho máy bay xâm nhập đường giới tuyến tại eo biển Đài Loan.

NATO ở tuổi 70 - hố sâu ngăn cách giữa hai bờ Đại Tây Dương

Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO ở Washington D.C. hôm 3/4 được hạ cấp xuống cấp ngoại trưởng khi các đồng minh NATO muốn hạn chế những chỉ trích của TT Trump nếu ông xuất hiện.

Quốc Thăng

(Theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm