Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

NATO ở tuổi 70 - hố sâu ngăn cách giữa hai bờ Đại Tây Dương

Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO ở Washington D.C. hôm 3/4 được hạ cấp xuống cấp ngoại trưởng khi các đồng minh NATO muốn hạn chế những chỉ trích của TT Trump nếu ông xuất hiện.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bay vượt Đại Tây Dương để tới Washington D.C. cho lễ kỷ niệm 70 năm của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - một trong những di sản quan trọng nhất của trật tự Mỹ thiết lập kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.

Nên với người ngoài, nhìn cảnh ông Stoltenberg ngồi cứng nhắc ở Nhà Trắng hôm 2/4 để nghe Tổng thống Trump chỉ trích người Đức chậm trễ trong tăng đóng góp ngân sách quốc phòng cho khối thật là lạ lẫm. Ông Trump thậm chí dọa Mỹ sẽ có quan hệ tốt hơn với Nga - đối thủ chính của khối. 

70 nam thanh lap NATO anh 1
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngồi cứng nhắc ở Nhà Trắng hôm 2/4 để nghe Tổng thống Trump chỉ trích người Đức. Ảnh: Washington Post.

Nước Đức ngày càng chán ngán

“Tôi chấp nhận có những khác biệt, nhưng chúng tôi đều đồng ý về vấn đề ngân sách quốc phòng”, Stoltenberg cố gắng nói tích cực trong cuộc phỏng vấn sau đó. Ông thậm chí ca ngợi ông Trump “có ảnh hưởng” và đang gây sức ép để các nước thành viên đóng góp thêm 100 tỷ USD nữa.

Nhưng không phải tất cả các thành viên đều đồng ý vậy. Đức gần như chắc chắn sẽ giảm tốc độ tăng chi phí quốc phòng - quay mặt hoàn toàn với mục tiêu 2% GDP mà NATO đưa ra cho các thành viên vào 2024. Các nước thành viên khác cũng đều trong tình trạng khó khăn tương tự.

Hình ảnh một ngày trước lễ kỷ niệm 70 năm đó của NATO chỉ là minh chứng nữa về khoảng cách ngày càng xa giữa các đồng minh hai bờ Đại Tây Dương.

“Ông ta quá ngoại giao”, Jim Townsend, cựu quan chức Lầu Năm Góc theo dõi quan hệ với NATO và giờ làm tại trung tâm an ninh CNAS, nói với New York Times. “Đôi khi ông ta rất khó khăn trong việc chỉ trích một đồng minh nào đó”.

Stoltenberg đã tìm cách để cân bằng mối quan hệ giữa ông Trump với các chính trị gia Đức - những người tỏ rõ là đã rất chán những yêu cầu khó dễ của ông chủ Nhà Trắng hiện tại.

Nước Đức hiện chỉ duy trì 1,35 GDP cho ngân sách quốc phòng và tới 2020 sẽ là 1,37%. Nhưng kế hoạch ngân sách hiện tại của Berlin dự kiến Đức chỉ chi 1,25% GDP cho quốc phòng vào 2023.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen đều nói họ sẽ thực hiện cam kết 2%. “Nước Đức sẽ giữ lời hứa”, bà von der Leyen nói trên đài phát thanh hôm 2/4.

70 nam thanh lap NATO anh 2
Máy bay trực thăng Mỹ và xe bọc thép Đức trong một cuộc tập trận. Đức liên tục bị chỉ trích vì mức chi tiêu cho quốc phòng dưới mức TT Trump yêu cầu. Ảnh: Reuters.

Chỉ vài giờ sau, để gây thêm áp lực, ông Trump tuyên bố các nước thành viên thậm chí nên chi hơn 2% GDP. Trong phòng Bầu Dục, ông Stoltenberg ngồi nghệt ra khi ông Trump chỉ trích Đức vì “không trả đúng phần của họ”.

Kể từ 2014, NATO đã triển khai quân trang và khí tài tới Đông Âu để đối đầu với Nga, đặc biệt sau vụ sáp nhập Crimea từ Ukraine. NATO cũng tăng cường việc xây dựng lực lượng quân đội châu Âu vốn suy giảm dần sức mạnh kể từ sau Chiến tranh Lạnh. 

Những thách thức chưa từng có

Nhưng liên minh này đang gặp một loạt những thách thức mới mà họ chưa từng đối mặt, và thực tế là không biết cách đối phó thế nào - bao gồm cả việc Nga can thiệp vào bầu cử hay chính trị nội bộ, vấn đề các gói đầu tư đầy dấu hỏi của Trung Quốc trong hệ thống viễn thông.

Hội nghị ở Washington cho lễ kỷ niệm 70 năm ban đầu được lên kế hoạch là một tuần sự kiện của các nguyên thủ và các chính phủ. Nhưng những phát biểu chỉ trích liên tiếp của TT Trump, cả công khai và trong họp riêng, trong suốt hai năm qua đã khiến các đồng minh quyết định hạ cấp lễ kỷ niệm này xuống chỉ còn ở cấp ngoại trưởng.

Các quan chức Mỹ và châu Âu thừa nhận họ làm vậy để hạn chế sự tham gia của TT Trump.

Thậm chí cuộc gặp ngày 2/4 với TT Trump ban đầu cũng không có trong lịch của ông Stoltenberg. Nhưng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói bà đã mời ông tới Quốc hội phát biểu – và điều đó khiến vị Tổng thư ký NATO một lần nữa phải xếp cuộc gặp ở Nhà Trắng để “cân bằng”.

Tuần trước, khối NATO đã có động thái khác thường khi gia hạn lần 2 nhiệm kỳ của ông Stoltenberg thêm hai năm tới 2022. Đó là sự thừa nhận ông khéo léo thế nào trong xử lý mối quan hệ với TT Trump, đồng thời là cân bằng mối quan hệ với các lãnh đạo “khó nhằn” khác của khối như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hay Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Các quan chức châu Âu thì nói họ tiếp tục duy trì ông Stoltenberg chủ yếu để tránh ông Trump đóng vai trò chi phối trong việc lựa chọn lãnh đạo mới của NATO.

Bảy thập kỷ sau khi thành lập với mục tiêu chính là chống Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, phần lớn mục tiêu của NATO tới giờ đều đã đạt được – bất chấp những dấu hỏi về mục tiêu tồn tại của NATO có còn cần thiết.

Cho tới giờ, theo New York Times, NATO vẫn là liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử, là trụ cột cho hệ thống hòa bình do Mỹ lãnh đạo và tài trợ, thúc đẩy các giá trị phương Tây và ngăn các nguy cơ chiến tranh thế giới mới.

Nhưng điều lo lắng nhất với nhiều thành viên NATO lúc này là liệu tổng thống Mỹ có muốn phá hủy một trong những liên minh quan trọng nhất này của trật tự thế giới kể từ 1945 tới nay – cùng với các định chế quốc tế Liên Hợp Quốc và World Bank/IMF.

Ra đời sau Thế chiến II, NATO gắn kết nước Mỹ với châu Âu, không chỉ là cam kết về phòng thủ, mà còn thúc đẩy các giá trị dân chủ, pháp quyền và nền kinh tế quốc tế mở.

Trong giai đoạn tồn tại, NATO thường chịu rất nhiều áp lực mỗi khi tình hình an ninh, chính trị thay đổi. Sau Chiến tranh Lạnh, khối tìm được mục tiêu mới với cuộc chiến ở Balkan (với lý lẽ là bảo vệ người Hồi giáo), và sau 11/9, là chống khủng bố với các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq, châu Phi và các nơi khác.

Các thành viên cũ của khối hiệp ước Warsaw đã khiến khối từ 12 thành viên tăng lên tới 29, và ngày càng bao vây biên giới nước Nga – điều khiến Kremlin tức giận vì “vùng đệm” an toàn bị xâm phạm.

Suốt 7 thập kỷ tồn tại, NATO mới chỉ một lần dùng tới điều 5 về phòng thủ tập thể của hiến chương đúng một lần: huy động lực lượng giúp Mỹ sau vụ tấn công 11/9.

70 nam thanh lap NATO anh 3

Bản đồ các nước thành viên NATO qua các thời kỳ. Ảnh: The Economist.

Suy yếu dần từ bên trong

Theo New York Times, NATO tiếp tục là trụ cột của an ninh quốc gia Mỹ trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng với sự vươn lên của Trung Quốc, sự mở rộng về ảnh hưởng từ Ấn Độ, Saudi Arabia cho tới các vấn đề nhập cư ở Trung Đông, châu Phi,…

Nhưng bản thân NATO đang suy yếu dần từ bên trong: bởi các thành viên không đóng góp đủ cho ngân sách quốc phòng; bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và toàn trị, đặc biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary và Ba Lan. Và hơn nữa là bởi Tổng thống Trump, người dường như thích Tổng thống Putin hơn hết thảy các đồng minh khác của Mỹ ở châu Âu.

NATO đã luôn dựa vào sự lãnh đạo của Mỹ trong lịch sử. Ông Trump không muốn tiếp tục vai trò lãnh đạo này mà ông thường xuyên chỉ trích các đồng minh, áp đảo các lãnh đạo của họ, buộc tội NATO và EU là lợi dụng sự hào phóng của nước Mỹ.

Theo NYT thì ông Trump đang đốt hết uy tín mà nước Mỹ đã gây dựng được với các đồng minh trong suốt nhiều thập kỷ. “NATO có thể chịu được 4 năm của TT Trump’, một cựu đại sứ NATO nói. “Nhưng tôi không nghĩ chúng tôi có thể chịu nổi 8 năm”.

70 nam thanh lap NATO anh 4
Ông Trump đã đứng dậy ra về trước trong cuộc họp nhóm của các nước G7 ở Quebec, Canada. Ảnh: CNN.

Cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen - người tiền nhiệm của ông J. Stoltenberg - nói: "NATO đã được tạo ra trong một thế giới nguy hiểm. Khi đó cái bóng của Liên Xô phủ kín ở châu Âu. 12 quốc gia ở cả hai bờ Đại Tây Dương đã thống nhất bảo vệ an ninh và các giá trị cốt lõi của họ: tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền".

NATO sẽ vẫn là "chiếc ô an ninh" thiết yếu, bảo vệ châu Âu khỏi các cuộc tấn công hạt nhân và thông thường từ bên ngoài, là trụ cột của an ninh nước Mỹ. 

Nhưng như cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis viết cho ông Trump khi từ chức, sức mạnh của Mỹ gắn liền với "sức mạnh của hệ thống đặc biệt và toàn diện của Mỹ về đồng minh và đối tác".

Để duy trì được một NATO vững mạnh, Mỹ sẽ không thể "không duy trì quan hệ đồng minh mạnh mẽ và thể hiện sự tôn trọng với họ". 

Nhưng đòi hỏi ông Trump phải tôn trọng các đồng minh NATO của mình có phải là yêu cầu quá cao sau những gì hai năm qua từng chứng kiến?  

Tàu Hải quân Nga hộ tống một loạt tàu chiến NATO trên Biển Đen

Hạm đội Biển Đen đã hộ tống một nhóm tàu NATO tiến vào Biển Đen hôm 29/3, Trung tâm Chỉ huy Quốc phòng Quốc gia của Nga cho biết.

TT Trump đòi đồng minh trả tiền căn cứ quân sự nhưng kèm 'khuyến mãi'

Tổng thống Trump vẫn phàn nàn các đồng minh phải trả thêm cho căn cứ quân sự của Mỹ. Hiện ông đã có những ý tưởng cụ thể nhất từ trước đến nay, tạo làn sóng lo ngại khắp thế giới.


Hà Lan - Anh Nguyễn

Bạn có thể quan tâm