Theo AFP, Phó chủ tịch quốc hội Đức Wolfgang Kubicki hôm 19/3 đã yêu cầu bộ Ngoại giao nước này tuyên bố quy chế "người không được chào đón" đối với Đại sứ Mỹ Richard Grenell. Trước đó, Đại sứ Grenell đã chỉ trích kế hoạch ngân sách của Đức vì không đạt mục tiêu mà NATO đề ra.
"Đại sứ Mỹ một lần nữa can thiệp vào các vấn đề chính trị của một quốc gia có chủ quyền là không thể chấp nhận được. Nếu Đại sứ Mỹ hành xử như một ông toàn quyền, ông ta phải học được bài học rằng sự khoan dung của chúng ta là có giới hạn", ông Kubicki phát biểu.
Phó chủ tịch quốc hội Đức Wolfgang Kubicki. Ảnh: AFP. |
Carsten Schneider, lãnh đạo tại quốc hội của đảng Dân chủ Xã hội Đức, cũng tán đồng quan điểm của ông Kubicki, cho rằng đại sứ Mỹ đã sai lầm trên phương diện ngoại giao và có cách hành xử như "một cậu học sinh ngỗ nghịch".
Hôm 18/3, Đại sứ Richard Grenell phát biểu rằng việc Đức cắt giảm các cam kết về quân sự là một tín hiệu đáng lo ngại đối với các đồng minh trong khối NATO.
Phát biểu này nhắm tới kế hoạch chi tiêu ngân sách quốc phòng của Đức, theo đó Berlin tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 1,34% trong năm 2020, nhưng sẽ cắt giảm sau đó trong trung hạn. Theo thỏa thuận, tới năm 2024, các nước NATO cam kết chi tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng.
Thống kê chi tiêu quốc phòng của một số nước NATO năm 2017. Nguồn: Guardian. |
Theo một số báo cáo độc lập, 28 nước thành viên NATO giành hơn 1.000 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2017, trong đó Mỹ đóng góp gần 700 tỷ USD, tương đương 3,6% GDP.
Với tư cách là nền kinh tế lớn nhất trong số các thành viên NATO ở châu Âu, Đức chi 45 tỷ USD cho quốc phòng năm 2017, tức chỉ tương đương 1,2% GDP. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Washington và Berlin thường xuyên cơm không lành, canh chẳng ngọt sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền.