Ông Ross nói như vậy tại ngày khai mạc Hội nghị về châu Á của Viện Milken, trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại California, Mỹ, theo CNBC.
"Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng lớn nhất và là mối đe dọa về kinh tế và quân sự chính trong khu vực", ông Ross phát biểu tại hội nghị được tổ chức trực tuyến từ Singapore ngày 8/12.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Ảnh: Getty. |
Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết trong tổng số 539 lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp Mỹ đưa ra, 210 lệnh nhằm vào Trung Quốc.
Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc chiếm “phần đáng kể” trong danh sách công ty, tổ chức bị hạn chế quyền tiếp cận với các nhà cung cấp Mỹ vì lo ngại về an ninh quốc gia, ông Ross nói thêm.
Trong số những công ty này, có “ông lớn” công nghệ Huawei của Trung Quốc.
Bộ trưởng Ross cũng nói Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) Trung Quốc và 14 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương khác vừa ký kết sẽ không giải quyết “các vấn đề nhạy cảm nhất” trong thương mại. Những vấn đề đó bao gồm trợ cấp cho các công ty nhà nước, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tiếp cận thị trường bình đẳng, ông phát biểu.
Dù vậy, ông Ross nhận định việc hạ thấp các rào cản thương mại trong khu vực là rất quan trọng.
“Chúng ta phải tiếp tục khuyến khích thương mại tự do và công bằng hơn ở mọi nơi, đồng thời bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của chúng ta", bộ trưởng Thương mại Mỹ nói.
"Mỹ thực sự là nền kinh tế lớn ít theo chủ nghĩa bảo hộ nhất", ông nói thêm.
Quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi đáng kể dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trong gần 2 năm, hai nước đã áp đặt thuế quan trả đũa lên các mặt hàng của nhau, gây nên cuộc thương chiến ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Cuộc chiến thuế quan đã tạm dừng trong năm nay khi hai bên ký kết hiệp định thương mại "giai đoạn một". Ông Ross ngày 8/12 nhận xét rằng hiệp định này "giải quyết một số vấn đề song phương của chúng tôi".