Chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thảo luận trực tuyến chiều 10/1 với một số nội dung chính xung quanh tổng mức đầu tư, phương thức đầu tư và phương án nhượng quyền thu phí.
Đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ tính cấp thiết đầu tư dự án này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở cả 2 miền Nam - Bắc.
Khó hấp dẫn nhà đầu tư vì hiệu quả thấp, rủi ro cao
“Đầu tư cao tốc Bắc - Nam để kinh tế phục hồi và kinh tế, hạn chế ùn tắc, giảm chi phí vận tải và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển ở 2 đầu đất nước là rất cấp thiết”, đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Định (Hà Giang), nêu quan điểm.
Ông góp ý Quốc hội cần áp dụng cơ chế đặc thù cho dự án, ví dụ chỉ định thầu từ khâu thiết kế, giải phóng mặt bằng, kể cả thi công và phải có cơ chế để làm nhanh. Ngoài ra, cần thuê tư vấn giám sát của nước ngoài để đảm bảo chất lượng, tiến độ và quy hoạch lâu dài cho dự án.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Hồng Phong. |
Ví cao tốc Bắc - Nam như con đường thống nhất hai miền trong thời kỳ mới, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) kỳ vọng dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Lâu nay xếp hạng cạnh tranh của Việt Nam không cao, trong đó có nguyên nhân do yếu kém về hạ tầng dẫn tới chi phí logistics của nền kinh tế rất cao - gần gấp đôi so với các nước đang phát triển”, ông Lộc phân tích và chỉ ra giao thông đường bộ là mũi đột phá quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu.
Ủng hộ đầu tư công với các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam để đẩy nhanh tiến độ, song theo ông Lộc, đó là việc “cực chẳng đã”. “Tôi và nhiều đại biểu thấy hụt hẫng và tiếc nuối”, ông nói.
Nhìn nhận hình thức đầu tư đối tác công tư đã được thực hiện và có nhiều kinh nghiệm, Quốc hội cũng có luật PPP nhưng khi luật vừa ban hành thì Quốc hội đã phải hai lần điều chỉnh phương thức đầu tư dự án từ PPP sang đầu tư công. Lý giải việc này, ông Lộc cho rằng lỗi không phải do luật mà do cơ chế, chính sách thiết kế chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân nên chưa thành công thu hút tư nhân vào các dự án này.
Vị đại biểu đề xuất Chính phủ thành lập quỹ đầu tư hạ tầng để có thể cho tư nhân vay đầu tư giao thông thay vì Nhà nước tự mình đầu tư.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cũng ủng hộ đầu tư công với cao tốc Bắc - Nam vì theo ông, muốn đầu tư nhanh mà thu hút xã hội hóa là không khả thi. Song khi đầu tư công, đại biểu này vẫn bày tỏ hoài nghi về tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2025. Vì vậy, ông nhấn mạnh cần có cơ chế đặc thù trong triển khai dự án.
Chung góc nhìn dự án khó hấp dẫn nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) giải thích do hiệu quả không cao và rủi ro lớn. “Nếu tiếp tục kêu gọi sẽ kéo dài dự án và không thể hoàn thành mục tiêu đặt ra”, ông Hòa nói.
Nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, ông Hòa ủng hộ đề xuất của Chính phủ về việc nhượng quyền thu phí dù việc này là chưa có tiền lệ.
Thời gian thu phí sẽ được tính toán kỹ
Ủng hộ đầu tư dự án này để hoàn thành trục giao thông huyết mạch, song đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu một số điểm cần phải cân nhắc.
Từ tổng mức đầu tư khoảng 146.000 tỷ đồng, ông tính suất đầu tư là 201 tỷ đồng/km bao gồm cả giải phóng mặt bằng; nếu không tính giải phóng mặt bằng là 175 tỷ/km. Trong khi đó, các tuyến cao tốc đã hoàn thành đều có suất đầu tư thấp hơn.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường băn khoăn suất đầu tư của cao tốc Bắc - Nam cao hơn một số dự án đã hoàn thành. Ảnh: Hồng Phong. |
“Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng dự kiến nếu tính toán lại thì tổng mức đầu tư chỉ khoảng 130.000 tỷ. Như vậy, suất đầu tư và tổng mức đầu tư rất cần phải tính lại”, ông Cường nói.
Giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu về tổng mức đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định đã tính toán suất đầu tư kỹ lưỡng, có căn cứ và cơ sở, nhưng để tiến tới đấu thầu hay chỉ định thầu còn phải thuê tư vấn lập dự án để xác định cụ thể công trình, thiết kế kỹ thuật dự toán.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo thận trọng và tiết kiệm nhất”, Bộ trưởng GTVT cam kết.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Hồng Phong. |
Nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, ông Thể cho biết Bộ GTVT chủ động mời các lực lượng khác như công an, kiểm toán tham gia ngay từ khâu lập dự án, tổ chức đấu thầu. Bộ cũng rút được nhiều kinh nghiệm từ việc triển khai dự án ở giai đoạn 1 nên việc lập hồ sơ thiết kế sẽ được làm kỹ lưỡng, thận trọng.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng khẳng định đề xuất bán quyền thu phí trong 2 năm, 5 năm, 10 năm hay 15 năm, đều sẽ được Chính phủ tính toán, xem xét và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Song song với đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp cùng các bộ ngành để xem xét lại cơ chế, chính sách để thực hiện dự án PPP cho các dự án khác trong quy hoạch.