Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 6/1. Những nội dung nhận được nhiều góp ý là việc dùng ngân sách đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần và phương án nhượng quyền thu hồi vốn khi dự án hoàn thành.
Thu hồi vốn trong 5-7 năm nếu đấu thầu 4 trạm thu phí
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng đầu tư cao tốc là rất cần thiết vì Việt Nam đang thiếu.
Song với tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng cho 729 km đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, ông Cường tính toán chi phí khoảng 200 tỷ/km và cho rằng suất đầu tư như vậy là cao, nên trong tính toán định mức kỹ thuật phải xem lại.
Nêu quan điểm trước câu hỏi suất đầu tư của cao tốc Bắc - Nam cao hay thấp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh mức đầu tư đưa ra là khái toán, dự báo chứ chưa lập dự án, dự toán và chưa tính phương án đền bù nên chưa thể nói mức này cao hay thấp.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Minh Châu. |
Dù vậy, theo ông Phớc, mức đầu tư bình quân cho đường cao tốc hiện nay là khoảng 200 tỷ/km, còn tùy vào nền đường của mỗi nơi.
Ông Phớc nhấn mạnh Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về mức độ chính xác của dự án, của tổng mức đầu tư cũng như thiết kế dự toán.
Góp ý cho phương án nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn sau khi dự án hoàn thành, ông Phớc cho biết ban đầu, Bộ GTVT đưa ra phương án đầu tư 4 dự án thành phần bằng phương thức BOT, với tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ. Sau khi dự án hoàn thành sẽ đặt 4 trạm thu phí, dự kiến mỗi trạm thu 730 triệu/ngày và thu trong khoảng 15 năm.
Nhưng sau khi tính toán lại, Bộ trưởng Tài chính cho rằng đầu tư công 4 dự án thành phần này, sau đó đặt 4 trạm trên toàn tuyến dài 729 km, tức là mỗi trạm cách nhau 243 km rồi tổ chức đấu thầu, giao tư nhân quản lý, sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Theo tính toán của ông Phớc, nếu theo phương án này thời gian thu phí sẽ chỉ còn 5-7 năm thay vì 15 năm như dự tính ban đầu.
“Sau khi có đường rồi, có quy hoạch rồi sẽ đặt vị trí 4 đặt trạm để tính toán xem mỗi ngày có bao nhiêu lượng xe đi qua và thu được bao nhiêu tiền. Từ đó xây dựng phương án đấu thầu. Đơn vị nào có phương án hiệu quả nhất, thu phí trong thời gian ngắn nhất sẽ được lựa chọn”, ông Phớc giải thích.
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ông cho rằng như vậy số tiền Nhà nước đã bỏ ra đầu tư sẽ sớm được thu hồi, nên phương án này không ảnh hưởng gì mà chỉ có lợi.
Nhắc lại một số dự án BOT trước đây, ông Phớc nhìn nhận việc thua lỗ hay nhà đầu tư “rời bỏ” là do cách khảo sát đặt trạm thu phí không hợp lý, dẫn đến khi vận hành người dân phản đối, trạm không thu phí được nên ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
PPP đang chết dần vì cái gì lớn cũng xin đầu tư bằng ngân sách
Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh) lo ngại việc dùng ngân sách đầu tư cao tốc Bắc - Nam sẽ tạo sức ép giải ngân rất lớn cho Chính phủ, đặc biệt cho Bộ GTVT.
Mặt khác, ông cho rằng việc chuyển đổi mô hình đầu tư từ đối tác công tư sang đầu tư công cho thấy có vấn đề lớn về hiệu lực, hiệu quả của Luật PPP. “Luật ra đời với mục đích cao cả nhưng lại đang chết dần đi khi cái gì đầu tư lớn cũng đều xin đầu tư bằng ngân sách”, ông An nói và cho rằng nếu không có cách thức huy động nguồn lực tham gia, mãi đi theo con đường đầu tư công cho nhanh thì “không ổn”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang. Ảnh: Hồng Phong. |
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang băn khoăn khi nguồn vốn cho các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam có hơn 72.000 tỷ được lấy từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Ông cho rằng nếu chuẩn bị tốt nhất thì cũng phải hết năm 2023, sang 2024 mới khởi công được dự án. Rồi từ khi khởi công đến khi thực hiện dự án tối thiểu cũng mất 2 năm nữa, như vậy sẽ vượt qua cả giai đoạn đầu tư công của giai đoạn 2021-2025.
Để giải đáp được khúc mắc này, ông đề nghị phân cấp theo hướng với những dự án thành phần thuộc dự án công trình quan trọng quốc gia trên 10.000 tỷ, từ thẩm quyền của Thủ tướng có thể phân cấp xuống để Bộ GTVT quyết định đầu tư, giảm trình tự, thủ tục.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Hồng Phong. |
Cho ý kiến về dự án này tại tổ thảo luận số 2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị dự án cao tốc Bắc - Nam cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là ở khâu giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, ông yêu cầu tập trung chống thất thoát, lãng phí; lựa chọn đơn vị thi công có năng lực và chấm dứt tình trạng nhiều đơn vị nhờ quan hệ nên trúng thầu, sau đó bán thầu lại và qua nhiều bước trung gian.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là bài học được Chủ tịch nước dẫn chứng để quán triệt cần làm nghiêm ở dự án cao tốc Bắc - Nam, tránh làm ảnh hưởng tới chất lượng công trình.
Đặc biệt, Chủ tịch nước lưu ý không thể buông lỏng và làm tốt hơn nữa trong công tác kiểm toán, giám sát, thanh tra, kiểm tra của các đơn vị chức năng. “Dự án khi triển khai phải đảm bảo làm đúng yêu cầu, đúng thiết kế, tránh thất thoát, lãng phí và phải đưa kiểm toán vào ngay từ đầu để tránh chuyện nâng giá, thay đổi định mức”, ông yêu cầu.