Nhà báo Steven Sotloff (áo khoác xanh) trao đổi với phe nổi dậy Libya vào tháng 6/2011. Ảnh: AFP |
Hai năm trước, Steven Sotloff, nhà báo Mỹ, đến thăm Omar Al-Maqdud, một nhà báo người Syria, và kể về kế hoạch tới Syria của anh. “Tôi cố gắng thuyết phục Sotloff thay đổi ý định nhưng không thành. 3 ngày sau, anh ấy gửi thư cho tôi từ một nơi gần thành phố Aleppo, Syria để hỏi một số đầu mối liên hệ. Không lâu sau anh bị bắt cóc”, Al-Maqdud nói.
Yusuf Abubaker, người đồng hành cùng Sotloff, cho biết, khi đó, họ gặp 3 chiếc xe. "Những gã đàn ông nhảy xuống và chặn đường. Tôi định rút súng nhưng trước mặt chúng tôi là khoảng 10 đến 15 tên có trang bị vũ khí", anh kể.
Abubaker được thả tự do sau 15 ngày. Một năm sau, tháng 9/2014, IS phát hành video chặt đầu Sotloff. Vụ việc diễn ra sau vụ hành quyết James Foley, một nhà báo Mỹ.
Theo tổ chức Phóng viên không biên giới, 181 nhà báo và blogger bị giết tại Syria kể từ năm 2011. Ít nhất 29, bao gồm 9 người nước ngoài, vẫn mất tích hoặc bị IS và các nhóm cực đoan vũ trang khác bắt làm con tin.
Abu Hurira từng đưa các phóng viên tới vùng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria theo chỉ dẫn của nhóm bắt cóc. Ảnh: Getty |
Tại thị trấn Antakya, thuộc vùng biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, Al-Maqdud gặp một người đàn ông Syria. Người này là cựu thành viên IS. Anh ta sử dụng tên giả là Abu Huraira.
Theo Al-Maqdud, Abu Huraira từng tham gia đường dây bắt cóc con tin. Anh nhận nhiệm vụ theo dõi các nhân viên truyền thông tại những khu vực xảy ra xung đột.
Ban đầu, Abu Huraira giả vờ là một người tị nạn và tới làm quen với các nhà báo. Sau vài buổi gặp, anh ngỏ ý đưa nhóm phóng viên tới một nơi gần biên giới và giới thiệu họ với những người tị nạn khác cũng như hỗ trợ họ trong công việc tại Syria.
“Tôi chỉ cần đưa họ tới. Những người khác sẽ ‘chăm sóc’ họ. Chúng có thể bắt cóc luôn cả tôi và sau đó thả tôi ra”, anh nói.
Khi cuộc xung đột xảy ra, Abu Huraira là một thành viên của Quân đội Syria Tự do (FSA), một lực lượng chống chính phủ. Sau đó, anh tham gia một số tổ chức địa phương liên quan đến al-Qaeda trước khi làm việc cho IS. Abu Huraira đồng ý gặp Al-Maqdud bởi anh quyết định rời khỏi tổ chức khủng bố này.
Anh cho biết, IS yêu cầu bắt cóc một trong những người bạn của anh. "Tôi không thể mất bạn cũng như đối mặt với việc chịu trách nhiệm. Vì thế, tôi nói với anh ấy rằng hãy rời khỏi khu vực này, đất nước này bởi IS đã nhắm anh ấy làm mục tiêu", Abu Huraira chia sẻ.
Người đàn ông này cho Al-Maqdud xem những hình ảnh của các con tin, tin nhắn và những đoạn ghi âm cuộc nói chuyện giữa anh và lãnh đạo IS tại tỉnh Raqqa, Syria. Theo Abu Huraira, nhiều người khác, như anh, sẵn sàng cung cấp thông tin cho những kẻ bắt cóc, vì tiền hoặc do ý thức hệ.
IS thành lập hẳn một bộ phận chuyên thực hiện các vụ bắt cóc gọi là "Bộ máy tình báo". Bộ phận này nhắm đến các nhà báo nước ngoài kể từ giây phút họ đặt chân tới những thành phố gần biên giới Syria. Một báo cáo của tình báo Mỹ ước tính rằng, năm 2014, IS kiếm về khoảng 25 triệu USD tiền chuộc con tin.
Đôi khi IS bắt cóc người không phải vì tiền mà để trừng phạt họ.
Milad Al Shihaby chỉ nơi IS treo các tù nhân tại "nhà giam" của chúng ở thành phố Aleppo. Ảnh: BBC |
Tháng 1 năm ngoái, những kẻ đeo mặt nạ đột nhập vào văn phòng của Milad Al Shihaby, một nhà báo người Syria, tại thành phố Aleppo nhằm trả thù những bài báo mà anh viết về sự tàn bạo của IS.
"Chúng lấy toàn bộ thiết bị điện tử, bao gồm máy ảnh và máy tính xách tay, và nhét tôi vào thùng xe. Chúng đưa tôi tới một trụ sở, đó là một bệnh viện nhi", Al Shihaby kể.
Những kẻ bắt cóc nhốt Al Shihaby trong một căn phòng tại bệnh viện ở thành phố Aleppo trong khoảng 13 ngày. Theo anh, khoảng 200 người Syria khác cũng đang bị cầm tù tại đó.
“Chúng còng tay và bịt mắt tôi suốt 10 ngày, kể cả khi ăn cũng như khi cầu nguyện”, anh nói.
Sau đó, những kẻ bắt cóc tháo còng, bỏ bịt mắt và chuyển Al Shihaby đến một căn phòng lớn hơn với các tù nhân khác. Anh cho biết, một số tên cai ngục nói giọng Iraq.
"Chúng treo một người đàn ông lên trong khoảng từ 2 đến 3 tiếng. Đôi khi những kẻ bắt cóc hành hạ nhiều tù nhân đến mức không đủ dây thừng để trói. Vì vậy, chúng phải sử dụng còng tay để treo họ lên", anh kể.
Al Shihaby cho biết, một số bạn tù của anh bị tra tấn bởi họ không chịu cải sang đạo Hồi.
Tuy nhiên, khi FSA áp sát gần trung tâm giam người của IS, phiến quân bỏ chạy. Al Shihaby và những tù nhân khác trốn thoát.
Hồi tháng 6/2013, nhà báo Pháp Edouard Elias và Didier Francois bị bắt cóc trong một chiếc xe tại Syria. Lái xe của họ, Al’aa cho biết: “Đó là khoảnh khắc khi chúng tôi nhìn nhau. Ánh mắt của Francois ám ảnh tôi đến tận ngày nay. Đôi mắt ấy như đang nói: ‘Anh sẽ bỏ lại chúng tôi?’”.
Al’aa cho hay, những kẻ bắt cóc yêu cầu anh ta lái xe đi và không được nhìn lại. Sau đó, anh đến gặp FSA yêu cầu giúp đỡ nhưng bị từ chối. Thậm chí, FSA còn nghi ngờ người đàn ông này làm việc cho IS và bắt anh.
10 tháng sau, hai nhà báo Pháp được trả tự do.
Theo BBC, Al'aa cũng lái xe cho những phóng viên Nhật khi họ bị bắt cóc. Tuy nhiên, không ai có thể liên hệ với anh để hỏi thông tin về những chuyện đã xảy ra. Al'aa dường như đã biến mất.
Moutez Shaklab. Ảnh: BBC |
Al-Maqdud tìm những người làm trung gian để thực hiện các cuộc đàm phán. Cuối cùng, nhà báo người Syria gặp Moutez Shaklab.
"Tôi gọi cho những kẻ bắt cóc và hỏi chúng có giữ người không. Nếu chúng trả lời là có, tôi sẽ yêu cầu chúng cung cấp bằng chứng. Qua những câu hỏi, tôi sẽ xác định được rằng con tin còn sống hay đã chết", Shaklab chia sẻ.
Shaklab từng tham gia thương lượng thả nhà văn Bỉ Pierre Piccinin da Prata và nhà báo Italy Domenico Quirico.
“Đại diện của gia đình họ trả 4 triệu USD”, Al-Maqdud nói. Ông cho hay, họ đặt số tiền này vào một chiếc xe và đưa chúng tới một toà nhà, nơi những kẻ bắt cóc sẽ xếp và đóng gói chúng vào va li. Trong trường hợp này, những kẻ bắt cóc là cựu thành viên của phiến quân FSA, những người đã gia nhập phe Hồi giáo.
Shaklab từng hai lần cố gắng đàm phán với IS nhưng không thành công. Ông gặp một thành viên người Saudi của IS khi đang tìm một con tin. Cuộc gặp kéo dài khoảng 30 phút.
Thái độ của người đàn ông đó rất hung hăng. Y đe doạ và buộc tội Shaklab vô lễ. Thái độ của y khiến ông sợ hãi và bỏ đi. Trong những trường hợp như này, IS bắt cóc người không phải vì tiền. Chúng bắt cóc để phục vụ cho công tác tuyên truyền và để chứng minh sức mạnh của tổ chức.