Mun Su Gyong chụp ảnh cùng mẹ trước khi cô rời Triều Tiên đến Campuchia làm việc. Ảnh: CNN |
4 năm trước, bố mẹ của Mun Su Gyong ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên, nhận thư kèm ảnh chân dung từ con gái. Nó trở thành một trong những tài sản sản quý giá nhất của hai ông bà vì kể từ đó, họ không nhận thêm bất kỳ thông tin nào về cô.
Trong thư, Su Gyong, 20 tuổi, nói rằng, cô sẽ về nhà sớm. 3 năm trước, gia đình ông Mun tự hào khi biết con gái được chọn làm nhân viên tại một nhà hàng thuộc chính phủ tại Phnom Penh, thủ đô Campuchia.
Những nhà hàng kiểu này là nguồn thu ngoại tệ quan trọng đối với Triều Tiên trong bối cảnh đất nước bị cấm vận vì các chương trình vũ khí hạt nhân. Chính phủ lựa chọn nhân viên nữ dựa trên ngoại hình, khả năng ca hát, vũ đạo và đặc biệt là lòng trung thành của họ.
Vài tuần sau khi gửi bức thư thông báo cô chuẩn bị về nước và xin bố mẹ chuẩn bị học đại học, Mun Su Gyong biến mất.
Những đồng nghiệp người Triều Tiên cho biết, các khách hàng thân quen với Su Gyong đã bắt cóc cô. Người quản lý cũ khẳng định những người đàn ông là gián điệp từ Hàn Quốc. Họ đóng giả thành các doanh nhân Triều Tiên, thường xuyên lui tới nhà hàng trong hai năm. Nhân chứng do Bình Nhưỡng cung cấp khai, những người này ép Su Gyong lên xe rồi đưa đi.
Tuy nhiên, một quan chức từ Seoul bác bỏ, cho rằng các tuyên bố trên ''hoàn toàn vô căn cứ''.
Dù nguyên nhân chưa được làm rõ, sự biến mất của Mun Su Gyong khiến gia đình cô suy sụp.
Phóng viên CNN đã đến thăm gia đình nạn nhân tại Bình Nhưỡng. Ông bà Mun vẫn giữ nguyên đồ đạc trong phòng con gái.
''Mỗi ngày, khi đi làm về, tôi đều ghé thăm phòng con xem có gì thay đổi không, liệu con bé đã trở về chưa'', mẹ cô, bà Kim Sun Jong, nói.
Vợ chồng ông Mun Sung Jin cho phóng viên CNN xem những bức ảnh cũ của con gái. Ảnh: CNN |
Kim Sun Jong là một nghệ sĩ trong khi chồng bà, ông Mun Sung Jin, là một cảnh sát. Họ rất tự hào khi con gái được cử sang Campuchia dù điều đó đồng nghĩa với việc cô không thể trở về nhà trong vòng 3 đến 4 năm. Ở nước ngoài, người Triều Tiên vẫn sống theo các cách sống ở trong nước. Họ cùng sống, học tập và làm việc.
Vợ chồng ông Mun cho biết, Su Gyong là một người yêu nước với ''trái tim trong sạch''. Cô thậm chí còn dành nhiều thời gian để quét dọn đường phố mang tên nhà lãnh đạo Kim Il Sung tại Phnom Penh.
Cô thường xuyên gửi những bức ảnh lưu lại những hoạt động của cô ở nước ngoài, chụp chung với khác hàng và đồng nghiệp về nhà.
Bố mẹ Su Gyong khẳng định con gái luôn trung thành, tận tụy với đất nước, gia đình và các vị lãnh đạo. Điều duy nhất khiến cô không thể về nhà là vụ bắt cóc hay sự lừa dối.
Từ thập niên 90, hàng chục nghìn người Triều Tiên thực hiện hành trình nguy hiểm đến Hàn Quốc. Họ lấy lý do rằng họ đang chạy trốn khỏi sự đàn áp và nghèo đói. Tuy nhiên, chính phủ Triều Tiên cho hay, những người này là tội phạm đang tìm cách thoát khỏi quá khứ hoặc là nạn nhân của bọn buôn người nhưng buộc phải nói dối để tồn tại ở Hàn Quốc.
Ông Mun tin con gái không tự nguyện rời bỏ nhà hàng cô làm việc hay từ chối trở về Tổ quốc. Sự biến mất của cô khiến gia đình rơi vào đau khổ. Nỗi đau ấy tăng dần trong 4 năm qua.
Bà Kim Sun Jong muốn thông qua truyền thông để gửi lời đến con gái: ''Mẹ sẽ chờ con đến cuối đời. Mẹ nhất mực tin rằng, người khác đã lừa con đến đó. Mẹ luôn tin tưởng con''.