Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các thế lực trong cuộc chiến phức tạp tại Syria

Quân đội chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, Mỹ và mới nhất là Nga đang tham dự vào bất ổn chưa có hồi kết ở Syria.

1
Syria tan hoang sau 4 năm nội chiến. Ảnh: AFP

Nga lần đầu không kích Syria ngày 30/9 và là quốc gia mới nhất tham vào cuộc nội chiến ở Syria. Chiến tranh kéo dài hơn 4 năm ở quốc gia Trung Đông đã tàn phá nước này, khiến 250.000 người thiệt mạng và một triệu người bị thương. Hơn 11 triệu người khác đã phải bỏ nhà cửa, trong đó hơn 4 triệu cá nhân phải ra nước ngoài. Một bộ phận lớn người Syria rời bỏ nhà cửa đến châu Âu để tìm cuộc sống mới, gây ra cuộc khủng hoảng di cư trầm trọng trong thời gian vừa qua.

Thế giới đang tập trung theo dõi động thái quân sự của các nước lớn như Anh, Mỹ vào cuộc chiến phức tạp tại Syria, nơi Tổ chức Nhà nước Hồi chiếm một phần lãnh thổ. Quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad, Nga, liên quân do Mỹ dẫn đầu, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang hiện diện cả trên không và trên bộ trong cuộc chiến chưa có hồi kết tại đây.

Lực lượng trên không

- Quân đội Syria: Là đồng minh lâu năm của Nga, Syria có nhiều chiến đấu cơ, chủ yếu do Nga sản xuất, gồm MiG-29 và máy bay ném bom Su-24, theo Fox News.

Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad bắt đầu trấn áp quân nổi dậy bằng trực thăng vũ trang từ năm 2012. Hiện tại, quân đội thường sử dụng bom thùng thô, một trong những loại vũ khí nguy hiểm nhất trong cuộc chiến tại Syria. Damascus từng bị cáo buộc thả bom thùng chứa clo và nhiều khí độc khác và làm chết nhiều dân thường.

- Nga: Ngày 30/9, vài giờ sau khi Thượng viện Nga cho phép quân đội tham gia không kích chống IS ở Syria, các máy bay nước này đã không kích 3 địa điểm ở Syria gồm thành phố Rastan, Talbisse ở tỉnh Homs và tỉnh Hama.

Moscow cho biết, họ đã phối hợp hành động với chính phủ Syria và nhận thông tin tình báo từ Iran và Iraq. Hơn 50 chiến đấu cơ và trực thăng đã tham gia vào chiến dịch không kích, trong đó có Su-24M, Su-25 và Su-34. 

1

- Liên quân do Mỹ dẫn đầu: Liên quân do Washington dẫn đầu bắt đầu tấn công căn cứ của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria từ tháng 9/2014. Lực lượng này đã tiến hành 2.579 vụ không kích tại quốc gia Trung Đông, đa số do Mỹ thực hiện dù liên quân bao gồm Saudi Arabia, Jordan, Australia, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp.

Các chiến dịch chủ yếu nhằm vào khu vực tổ chức khủng bố đang kiểm soát ở miền bắc và tây bắc Syria. Liên quân cũng nhằm vào nhóm Khorasan, tổ chức thân al-Qaeda, trong không kích năm 2014.

- Israel: Israel hầu như đứng ngoài cuộc bất ổn Syria nhưng gần đây, quốc gia này đã không kích loạt hàng kho chứa vũ khí nghi chuyển cho phiến quân Hezbollah của người Hồi giáo Shia ở Lebanon, kẻ thù của Israel.

Tuần trước, quân đội Israel đã tấn công 2 chốt quân sự của Syria sau khi tên lửa của Damascus nhằm vào Golan Heights, khu vực do Israel kiểm soát.

Hình ảnh sau cuộc không kích đầu tiên của Nga trên đất Syria. Ảnh: AP

Lực lượng trên bộ

- Quân đội Syria và lực lượng ủng hộ chính phủ: Lực lượng này hoạt động trên địa bàn rộng lớn. Một số nguồn tin cho rằng 80.000 người trong nhóm này đã thiệt mạng.

Phiến quân thuộc tổ chức Hezbollah được đào tạo tốt đã gia nhập nhóm, bổ sung vào lực lượng ủng hộ chính phủ. Chiến binh Hezbollah bảo vệ các ngôi đền của người Hồi giáo Shia gần thủ đô Damascus và hỗ trợ chiến đấu tại khu vực miền trung và biên giới Syria.

Iran đã tiếp thêm sức mạnh cho chính quyền của Tổng thống Assad bằng cách gửi vũ khí, cố vấn và hỗ trợ các chiến binh người Hồi giáo Shia đến từ Iraq và Hezbollah. Iran cũng hỗ trợ tài chính cho Syria.

- Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS): Theo Fox News, tổ chức khủng bố với quân số khoảng 20.000 đến 30.000 người đang kiểm soát một phần ba lãnh thổ Syria. Năm ngoái, nhóm Hồi giáo cực đoan đã kiểm soát Raqqa, 1 trong 14 tỉnh ở Syria, gần biên giới với Iraq. Thủ phủ của tỉnh cùng tên là thành trì của IS. Tổ chức khủng bố cũng hiện diện tại tỉnh lân cận Deir al-Zour. Cả hai tỉnh này đều rất giàu dầu mỏ và là căn cứ điểm của IS tại Syria.

IS, bao gồm hàng trăm chiến binh phương Tây và Arab, đã xuất hiện tại tỉnh Aleppo và chiến đấu với quân nổi dậy tại khu vực này. Phiến quân cũng mở rộng địa bàn tới tỉnh miền trung Homs, chúng kiểm soát thành phố cổ Palmyra hồi tháng 5 và mới đây là thị trấn Qaryatan. Đây được coi là bàn đạp để nhóm khủng bố có thể tiến tới thủ đô Damascus, thủ phủ của Homs và các thị trấn lớn khác.

- Jabhat al-Nusra và đồng minh: Jabhat al-Nusra là tổ chức thân al-Qaeda và là nhóm cực đoan mạnh thứ 2 ở Syria. Hai nhóm này hiện diện tại khu vực phía bắc và tây Syria. Jabhat al-Nusra đã liên minh với các tổ chức ở địa phương để củng cố sức mạnh

- Quân nổi dậy Syria: Hàng chục nhóm có vũ trang hoạt động dưới bóng của tổ chức mang tên Quân đội Syria Tự do, vừa chống chính phủ vừa chống IS. Trong thời gian gần đây, chính phủ Mỹ đã thực hiện chương trình đạo tạo một nhóm quân nổi dậy để chống lại IS. Nhóm này bao gồm gần 80 người. Tuy nhiên, hàng chục người đã bị al-Nusra giết hoặc bắt cóc.

- Người Kurd: Lực lượng người Kurd tập trung ở khu vực đông bắc Syria và là đồng minh trên bộ của liên quân trong các cuộc không kích. Năm 2014, một chiến dịch đánh bom quy mô lớn đã giúp người Kurd giành lại quyền kiểm soát thành phố biên giới Kobani từ tay IS sau nhiều tháng tranh giành. Đây là chiến thắng hiếm hoi của lực lượng này trước Nhà nước Hồi giáo (IS).

Mỹ nói các đợt không kích của Nga ở Syria là bừa bãi

Nhà Trắng hôm 1/10 cho rằng các đợt dội bom của Nga tại Syria trong hai ngày qua là "bừa bãi" và cảnh báo rằng Moscow sẽ dấn sâu hơn vào cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông.

Đỗ Quyên

Bạn có thể quan tâm