Tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là một trong những nội dung được Bộ Công an đưa ra trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các thủ đoạn lừa đảo qua mạng
Theo Bộ Công an, dù thủ đoạn không mới, cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, với số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước.
Một số thủ đoạn có thể kể đến như thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán, giao dịch vàng trên thị trường ngoại hối (forex), quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền ảo, vàng ảo, ngoại tệ ảo, dự án bất động sản hoặc hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo.
Ngoài ra, tội phạm lừa đảo có thể đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến, nhận việc làm tại nhà, bỏ tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng, sau đó được nhận tiền công cộng với lãi đơn hàng và tiền thưởng.
Tuy nhiên, sau khi thanh toán đơn hàng và đặt hàng, người lao động bị chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng.
Phổ biến hơn là hành vi giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện qua giao thức Internet (VoIP) để hăm dọa bị hại có liên quan đến các vụ án đang điều tra.
Người bị hại sẽ bị yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản do đối tượng chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP để xác thực chuyển tiền để kiểm tra, xác minh sau đó chiếm đoạt…
Bộ Công an cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản được thực hiện trên không gian mạng. Ảnh: Hoàng Linh. |
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng nắm tình hình; chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, việc đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn gặp một số khó khăn, hạn chế như công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền, cảnh báo người dân chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Đồng thời, nhiều hình thức đánh bạc hoạt động truyền thống có xu hướng sang hoạt động trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để thực hiện thuận tiện, bí mật hơn; khó xác định, ngăn chặn, thu hồi dòng tiền, tài sản có nguồn gốc từ đánh bạc chuyển dịch ra nước ngoài...
Công tác hợp tác quốc tế, phối hợp đấu tranh xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng được cho là còn gặp nhiều khó khăn. Các nước bạn hợp tác hạn chế, hỗ trợ thiếu hiệu quả với các yêu cầu đấu tranh, xử lý tội phạm của công an Việt Nam.
Về giải pháp, Bộ Công an cho biết sẽ tập trung tham mưu với Quốc hội, Chính phủ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự trên không gian mạng.
Bộ đồng thời tiếp tục kiến nghị siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google; tăng hợp tác quốc tế trong đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao có yếu tố nước ngoài, nhất là ở khu vực ASEAN.
Tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân
Trong báo cáo, Bộ Công an cũng cho biết thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đáng báo động và diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng.
Các đối tượng triệt để lợi dụng tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, ý đồ kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin...
Thủ đoạn phổ biến là tạo lập tài khoản cá nhân mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng; chỉnh sửa thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận.
Các đối tượng còn lợi dụng sự kiện nóng, vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận.
Bên cạnh đó, một số người vì động cơ vụ lợi kinh tế đã tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, tán phát trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội để thu hút người dùng tương tác nhằm thu về lợi ích từ việc bán hàng, ủng hộ, tài trợ bằng tiền, lợi ích vật chất... gây hoang mang dư luận.
"Có tình trạng video có nội dung nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng xã hội nhằm lôi kéo người xem để kiếm tiền", Bộ Công an nhận định và cho biết một số người tìm mọi cách để nổi tiếng trên mạng, kể cả việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, sản xuất nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục...
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức có hành vi phát tán các tin giả, phản động, xấu độc, vi phạm pháp luật.
Bộ cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam; qua đó, kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội.