Trước nhiều thông tin cầu cứu từ các nạn nhân và gia đình nạn nhân khi có con em bị sập các bẫy làm việc nhẹ lương cao tại Campuchia, Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo người dân không nên nghe theo lời lôi kéo của các đối tượng xấu xuất cảnh trái phép sang Campuchia để tìm việc làm, nhằm tránh rơi vào bẫy của băng nhóm mua bán người.
Đồng thời, Công an tỉnh Tây Ninh đề nghị người dân không tiếp tay, giúp đỡ cho số đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép. Khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu đưa người xuất cảnh trái phép phải thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, triệt xóa hành vi kể trên.
Theo thượng tá Trần Minh Kiệt, Phó phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Tây Ninh, cùng với thông tin về những sự việc có dấu hiệu mua bán người, thời gian qua lực lượng chức năng Campuchia đã phát hiện 9 vụ tự sát, treo cổ, mất tích không rõ nguyên nhân.
Thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, có 59 trường hợp công dân Việt Nam được Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia trao trả về nước. Thời gian tới, theo thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, có 14 trường hợp tiếp tục trao trả về Việt Nam.
Thượng tá Trần Minh Kiệt khuyến cáo người dân không nghe lời dụ dỗ việc nhẹ lương cao nơi đất khách và mong rằng người dân muốn tìm việc làm ở nước ngoài nên đến những nơi được cơ quan chức năng, Nhà nước cấp phép giới thiệu việc làm, nhằm đảm bảo quyền lợi của công dân.
Công an tỉnh Tây Ninh cho biết từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 21 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình sống trên địa bàn tỉnh có người thân bị lừa sang Campuchia lao động, bị bóc lột, cưỡng bức, nếu muốn trở về Việt Nam thì phải trả tiền chuộc.
Công an tỉnh Tây Ninh nhận định tình trạng người dân xuất cảnh trái phép qua Campuchia lao động trên tuyến biên giới diễn biến phức tạp. Thông qua các mạng xã hội, các đối tượng ở Campuchia đăng tải thông tin, tuyển dụng người ở Việt Nam vào làm việc, với mức lương rất cao và mọi chi phí đi lại được chi trả trước.
Khi người tìm việc đồng ý, các đối tượng ở Campuchia móc nối với người ở Việt Nam tổ chức thành đường dây sắp xếp, hướng dẫn đưa họ xuất cảnh bằng các đường tiểu ngạch trái phép sang Campuchia. Khi sang nước bạn, người lao động bị mua bán qua lại.
“Khi người lao động sang Campuchia làm việc, nếu chủ công ty thấy không đáp ứng yêu cầu thì họ sẽ bán lại cho những ông chủ khác với giá cao hơn để thu lại tiền và lãi suất mà họ đã trả trước đó. Nếu nạn nhân muốn trở về thì phải liên hệ với gia đình để chuyển tiền sang chuộc lại. Những trường hợp gia đình không có tiền chuộc thì các nạn nhân đó bị trừng phạt theo kiểu xã hội đen”, thượng tá Trần Minh Kiệt thông tin thêm.