Trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng khái quát bức tranh ngành du lịch sau 2 năm đại dịch. Theo ông, du lịch Việt Nam đang có sự cạnh tranh ngày càng lớn với các quốc gia trong khu vực.
7 tháng, khách quốc tế mới đạt 15% kế hoạch
Bộ Văn hóa dẫn chứng Thái Lan đã triển khai chương trình mở cửa với thị thực du lịch đặc biệt Thái Lan (STV) dành cho khách lưu trú dài ngày. Thời gian lưu trú có thể lên đến 90 ngày và khách được gia hạn thị thực 2 lần.
Trong khi đó, với Việt Nam, thời gian miễn thị thực theo Luật xuất nhập cảnh hiện nay là 15 ngày. Việc này được đánh giá là chưa phù hợp với nhu cầu lưu trú dài ngày 3-4 tuần của du khách quốc tế từ các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia…
Tính đến 31/7, Việt Nam mới đón 733.400 lượt khách quốc tế đến, đạt 15% so với kế hoạch đón 5 triệu khách quốc tế năm nay.
Ngoài quy định về thời gian miễn thị thực, Bộ Văn hóa cho rằng việc chưa có văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại nước ngoài là điểm bất lợi của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực. Hiện, các đơn vị mới chỉ đang thí điểm vận hành Văn phòng xúc tiến du lịch tại Anh và Hàn Quốc do doanh nghiệp tài trợ.
Trước tình hình trên, Bộ VHTT&DL kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội tiếp tục chấp thuận chủ trương tạo thuận lợi đơn giản hóa, linh hoạt thủ tục xuất nhập cảnh, mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực đơn phương.
Trong đó, ưu tiên các quốc gia là thị trường nguồn, khách chi tiêu cao như các nước EU, Canada, Mỹ, Australia, New Zealand, Ấn Độ... Đồng thời cấp visa điện tử và cho phép thí điểm thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài.
Ga quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất đông đúc hành khách vào đầu tháng 7. Ảnh: Duy Hiệu. |
Nhận định thêm về những khó khăn và vướng mắc, Bộ VHTT&DL cho biết nguồn lực cho xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, dàn trải. Sự phối hợp giữa các địa phương, doanh nghiệp trong xúc tiến hình ảnh du lịch quốc gia còn chưa chặt chẽ.
Hoạt động liên kết, hợp tác, phối hợp liên ngành, liên vùng cũng chưa phát huy hiệu quả đồng bộ, thiếu “nhạc trưởng”.
"Chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam tăng cao nhất thế giới nhưng một số chỉ số quan trọng về hạ tầng dịch vụ du lịch, y tế và vệ sinh, hạ tầng mặt đất và cảng, tính bền vững về môi trường còn thấp", Bộ VHTT&DL nhận định.
Trước mắt, Bộ đề xuất Chính phủ chỉ đạo xây dựng mô hình liên kết mẫu, hiệu quả giữa các địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước để tăng nguồn lực cho công tác xúc tiến quảng bá.
"Đóng băng" trong đại dịch, ngành du lịch mất 2,4 nghìn tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, trong 2 năm 2020, 2021, đại dịch Covid-19 tác động nặng nề tới toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội toàn cầu.
Số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho thấy ngành du lịch thế giới thiệt hại khoảng 2,4 nghìn tỷ USD trong năm 2021; có 46 quốc gia, chiếm 21% điểm đến du lịch toàn cầu, phải đóng cửa hoàn toàn biên giới, dừng đón khách du lịch quốc tế và 55 quốc gia đóng cửa biên giới một phần.
Lượng khách du lịch quốc tế giảm hơn 1 tỷ lượt, tương đương 73% so với năm 2020, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á.
Tỷ lệ thất nghiệp trong các ngành nghề liên quan đến du lịch cao gấp 4 lần so với các ngành nghề khác. Tổ chức Du lịch Thế giới cũng nhận định, du lịch toàn cầu phải mất 2,5 đến 4 năm để lấy lại đà tăng trưởng như năm 2019.
Tại Việt Nam, hoạt động du lịch quốc tế phải tạm dừng hoàn toàn từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2021. "Hoạt động du lịch nội địa trải qua 4 lần gián đoạn tương ứng với 4 lần bùng phát dịch", theo Bộ Văn hóa.
Thống kê cho thấy năm 2020, khách nội địa của Việt Nam giảm 34%, tổng thu từ khách du lịch giảm 60% so với năm 2019. Năm 2021, khách du lịch nội địa đạt 40 triệu lượt, giảm 29% so với năm 2020; tổng thu từ khách du lịch đạt 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ.
Cung cấp thêm số liệu về thị trường du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ Văn hóa cho biết chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117 quốc gia được xếp hạng, thuộc top 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới.
Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cũng cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới đặc biệt kể từ sau khi mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3.