Tại họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chiều 28/7, bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt, Phó vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, trả lời câu hỏi của báo chí về việc 4 nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, nghệ sĩ cải lương Thoại Mỹ và diễn viên Lê Thiện trượt danh hiệu NSND.
Theo bà Nguyệt, việc xét duyệt các danh hiệu bao gồm Nghệ sĩ nhân dân (NSND) và Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) được hội đồng trong lĩnh vực sân khấu thảo luận công khai dựa trên cơ sở hồ sơ cá nhân được hội đồng cấp tỉnh, thành phố trình lên.
Với danh hiệu NSND, ngoài việc xét theo giải thưởng hoặc xét theo trường hợp đặc biệt là không có giải thưởng thì hội đồng sẽ đánh giá, xét duyệt dựa theo 4 tiêu chí đã quy định.
Cụ thể, ngoài đánh giá tài năng nghệ thuật, các thành viên hội đồng còn thảo luận về quá trình đóng góp và hoạt động nghệ thuật của các cá nhân, trong đó phải là những nghệ sĩ có đóng góp đặc biệt nổi trội có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa trong từng loại hình ngành nghề nghệ thuật.
Lãnh đạo Vụ Thi đua khen thưởng cho biết sau khi thảo luận, thành viên hội đồng đã bỏ phiếu kín và công bố kiểm phiếu ngay tại hội đồng.
"Trước khi kết thúc cuộc họp, hội đồng đã biết kết quả kiểm phiếu và sau khi kết thúc, tất cả thành viên hội đồng đều cảm thấy kết quả bỏ phiếu phù hợp với những đánh giá chung", bà Nguyệt nói và cho biết hội đồng cũng đã trao đổi lại với các nghệ sĩ về lý do chưa đủ tỷ lệ phiếu.
Quốc Cơ, Quốc Nghiệp phá kỷ lục thế giới vào năm 2021. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, cơ chế xét duyệt năm nay thay đổi so với hai đợt xét năm 2015 và 2018. Trong hai đợt xét trước đó, tỷ lệ đồng thuận phải trên 90% số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp nhưng năm nay, tỷ lệ này giảm còn 80%.
Theo Phó vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, rất khó để nói lý do vì sao 4 nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, Thoại Mỹ và Lê Thiện không đạt danh hiệu NSND. Nhưng kết quả đánh giá cho thấy các trường hợp trên đều không đạt tỷ lệ phiếu đồng thuận trên 80% tổng số thành viên hội đồng có mặt.
Trước câu hỏi nếu có đơn thư kiến nghị về việc xét duyệt danh hiệu này thì hội đồng có được mở lại không, bà Nguyệt cho biết theo quy định, đơn vị chức năng sẽ tiếp nhận và xử lý các kiến nghị đơn thư trong vòng 2 ngày. Hình thức xử lý là trả lời bằng văn bản và trao đổi cho đến khi "thuyết phục" được cá nhân, tổ chức đã gửi đơn.
Ngoài ra, Vụ Thi đua khen thưởng sẽ phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn và Cục Điện ảnh theo từng chuyên ngành để cùng xử lý. Việc mở lại hội đồng phải được xem xét dựa trên cấp có thẩm quyền.
"Đây không phải cuộc thi mà là hội đồng xem xét danh dự Nhà nước, vì vậy không có việc phúc khảo. Cũng có những trường hợp có nguyện vọng được xem xét lại nhưng rất cá biệt và cũng không phải cứ có đơn thư là mở lại hội đồng", bà Nguyệt nói.
Đồng thời, với các đợt xét duyệt danh hiệu này, Thanh tra Bộ và Bộ VHTT&DL sẽ có kênh kiểm tra độc lập để xem từng hội đồng có vướng mắc hay sai sót hay không.
Trước đó, Bộ VHTT&DL công bố danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT. Danh sách này do 5 hội đồng chuyên ngành Nhà nước trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.
5 danh sách gồm các lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, múa, điện ảnh và phát thanh - truyền hình. Trong đó, sân khấu là ngành có nhiều hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu: 88 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, 215 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT.
Tuy nhiên, trong danh sách kể trên không có tên hai nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ và Quốc Nghiệp. Ngoài ra, số nghệ sĩ khác như nghệ sĩ cải lương Thoại Mỹ, diễn viên Lê Thiện cũng trượt danh hiệu NSND.