“Đầu tư nước ngoài sẽ không ở lại mãi Việt Nam, họ sẽ chuyển đi nếu phát hiện các nơi khác tạo được lợi thế mạnh hơn Việt Nam, khoa học công nghệ cao hơn, chính sách thuế, đất thuận lợi hơn và đặc biệt là lao động có chất lượng cao hơn nhưng chi phí thấp hơn”, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nói về câu chuyện FDI.
10 năm trở lại, tăng trưởng tổng sản phẩm khu vực (GRDP) của Bình Dương liên tiếp nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu. Đặc biệt ngay cả khi dịch Covid-19 bùng phát khiến tốc độ tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía nam bị chững lại và giảm mạnh, Bình Dương vẫn giữ tốc độ ổn định so với toàn vùng và cả nước.
Xung lực FDI
Đến nay, Bình Dương có 31 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 12.700 ha, trong đó có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động. Nơi đây cũng đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước với mật độ doanh nghiệp FDI chiếm gần 13%.
Bình Dương hiện đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư. Đồng thời, tỉnh cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước - 82% với 3 thành phố, 2 thị xã với các mức chi tiêu về vốn đều vượt xa chỉ tiêu đặt ra.
Với những thành tựu kể trên, TS Lê Đăng Doanh cho rằng thời điểm này đã có thể chúc mừng Bình Dương khi trở thành trung tâm phát triển năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là điểm sáng trong tứ giác kinh tế phát triển.
Song, vị chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức mà Bình Dương phải đối mặt để thu hút nguồn đầu tư bền vững và những giải pháp đón đầu sự chuyển dịch trong giai đoạn tới.
Tổng vốn đăng ký FDI vào Bình Dương giai đoạn 2017-2022 | |||||||
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. | |||||||
Tổng vốn đăng ký FDI | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | |
Tỷ USD | 2.7 | 2.3 | 3.4 | 1.8 | 2.1 | 2.7 |
Trao đổi với Zing, TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận yếu tố đầu tư nước ngoài là xung lực quan trọng đã thay đổi toàn bộ mặt Bình Dương, nhanh chóng đưa tỉnh này trở thành địa phương công nghiệp hóa. Đặc biệt, khu vực FDI đang tạo ra việc làm cho hơn 500.000 lao động, chiếm 40% tổng số lao động trên địa bàn tỉnh và trực tiếp phục vụ trong khu dịch vụ, xây dựng cho Bình Dương.
Ưu điểm lớn của Bình Dương chính là luôn đối thoại với nhà đầu tư, cải cách thủ tục.
TS Lê Đăng Doanh
Quan trọng nhất, chuyên gia cho rằng Bình Dương đã có những ưu điểm lớn trong cải cách hành chính, luôn đối thoại với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là nhà đầu tư nước ngoài cùng nỗ lực chuyển dịch có hiệu quả sang kinh tế số.
“Bình Dương đã luôn lắng nghe nhà đầu tư, đẩy mạnh cải cách của địa phương. Bài học của Bình Dương có thể trở thành một điểm sáng để các tỉnh khác học hỏi, nghiên cứu, vận dụng”, TS Lê Đăng Doanh đánh giá.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng Bình Dương rất thành công vì đã không ngừng nghỉ định vị thương hiệu của tỉnh thông qua đề án phát triển thành phố thông minh và các dự án đẩy mạnh thu hút đầu tư thời kỳ mới.
TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bình Dương còn nỗ lực để xây dựng tỉnh trở thành một điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong tương lai khi tận dụng vị trí địa lý thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng hệ thống giao thông nối kết vùng; chú trọng hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp và tiếp tục khơi thông cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển ứng dụng nền tảng khoa học, công nghệ.
Bình Dương cũng luôn giữ vị trí dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và là địa phương có môi trường đầu tư thông thoáng nhất cả nước.
Song từ những kết quả đạt được, chuyên gia cho rằng về lâu dài, Bình Dương vẫn cần mở rộng kinh tế tư nhân để có thể phát triển bền vững và tạo đột phá.
Đột phá từ doanh nghiệp trong nước
Theo TS Lê Đăng Doanh, không thể phủ nhận những ưu thế từ FDI, song trên thực tế, sản phẩm tạo ra tại Bình Dương và lợi nhuận vẫn thuộc về doanh nghiệp nước bạn, thay vì nước ta. Đầu tư nước ngoài chỉ tạo ra công ăn việc làm cho lao động địa phương nói riêng và trong nước nói chung.
“Họ tận dụng lực lượng lao động trẻ và tiền lương thấp của Việt Nam để làm ra sản phẩm. Do đó, về lâu về dài, Bình Dương muốn phát triển bền vững vẫn sẽ phải phát triển kinh tế tư nhân - tôi gọi đó là những doanh nghiệp dân tộc”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Bình Dương chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, xúc tiến đầu tư những năm qua - quốc lộ 13, đoạn được mở rộng thêm 2 làn xe. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo ông, doanh nghiệp tư nhân sẽ là những doanh nghiệp gắn kết bền vững, đi đường dài với Bình Dương và giúp Bình Dương tiến xa hơn giai đoạn tới. Bên cạnh đó, TS Doanh tin rằng doanh nghiệp tư nhân không chỉ tạo ra những thương hiệu, sản phẩm “made in Viet Nam”, đóng góp ngân sách cho Bình Dương mà còn góp phần vào quá trình công nghiệp hóa Bình Dương, đưa địa phương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Tiếp thu tinh túy, công nghệ mới từ doanh nghiệp nước ngoài để đổi mới.
TS Lê Đăng Doanh
Vị chuyên gia nhận định trong giai đoạn đầu, Bình Dương tập trung thu hút FDI, tạo liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước để có thể phát triển nhanh. Tuy nhiên về lâu dài, địa phương vẫn phải phát triển doanh nghiệp "dân tộc", với sản phẩm, thương hiệu của Việt Nam chứ không chỉ dựa vào lao động giá rẻ để khai thác đầu tư nước ngoài.
Động lực cạnh tranh
Bàn về sự chuyển dịch nguồn FDI của Bình Dương trong 10 năm tới, ông Lê Đăng Doanh cho rằng doanh nghiệp FDI có thể chuyển dịch một phần để tận dụng lợi thế cao hơn ở Bình Dương - tương tự sự thay đổi của nhiều doanh nghiệp đầu tư tại Trung Quốc.
“Đầu tư nước ngoài sẽ không ở lại mãi Việt Nam, họ sẽ chuyển đi nếu phát hiện ra các nơi khác tạo được lợi thế mạnh hơn ở Việt Nam, khoa học công nghệ cao hơn, chính sách thuế, đất thuận lợi hơn và đặc biệt là lao động có chất lượng cao hơn nhưng chi phí thấp hơn”, TS Lê Đăng Doanh lý giải.
TS Doanh nhấn mạnh đây là cuộc cạnh tranh liên tục và Bình Dương phải liên tục cải thiện để nâng cao vị thế của mình để tạo ra những cạnh tranh mới.
Tăng trưởng GRDP của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2022 | |||||||
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương 2022. | |||||||
Nhãn Tăng trưởng GRDP | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | |
Tăng trưởng GRDP | % | 9.27 | 8.51 | 10 | 7.13 | 2.62 | 8.29 |
Điều đó đồng nghĩa với việc Bình Dương cần tiếp tục, duy trì tính liên tục trong đối thoại, cải thiện môi trường đầu tư, khoa học công nghệ và nâng cao trình độ người lao động, đặc biệt là độ lành nghề.
“Địa phương cần tạo ra sự thu hút doanh nghiệp nước ngoài, giữ chân doanh nghiệp và quan trọng là cố gắng tiếp thu những tinh túy, công nghệ mới từ họ, từ đó vận dụng và luôn đổi mới”, TS Lê Đăng Doanh gợi mở và cho rằng đây là điều Bình Dương cần làm vì chủ trương này không chỉ giúp tỉnh thu hút nguồn FDI dồi dào mà còn tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp trong nước.
Bình Dương cần phát triển kinh tế tư nhân, tạo ra sản phẩm của Việt Nam thay vì chỉ tập trung vào FDI.
TS Lê Đăng Doanh
25 năm hình thành và phát triển, quy mô kinh tế của tỉnh Bình Dương tính đến cuối năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần so với năm 1997, đứng thứ 3 cả nước sau TP.HCM và Hà Nội; trong đó nông nghiệp tăng 14,2 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần, công nghiệp tăng 140,6 lần. Thành quả trên đã đưa Bình Dương đã trở thành một trong những địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao, với GRDP bình quân đầu người 7.000 USD/năm.
Hiện có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư ở Bình Dương, trong số đó có 7 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á - tổng vốn đầu tư chiếm hơn 75% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh.
Nhật Bản là quốc gia đứng đầu với 313 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 5,61 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn tỉnh, theo sau là Đài Loan với 838 dự án, tổng vốn hơn 5,41 tỷ USD và thứ 3 là Singapore với 241 dự án cùng tổng số vốn hơn 4,14 tỷ USD.
Doanh nghiệp may mặc tại Bình Dương. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tương lai, Bình Dương được nhìn nhận vẫn sẽ là địa bàn trọng điểm về đầu tư trực tiếp nước ngoài của vùng Đông Nam Bộ. Và để tiếp tục thu hút vốn FDI, Bình Dương sẽ cần một cơ chế đặc thù về trao quyền chủ động, chính sách thu hút đầu tư, quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và sự phối hợp trong quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư.
Trước sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.