Can đảm biến thách thức thành sức mạnh là cuốn sách kế tiếp trong bộ năm cuốn sách của hiền triết Osho gồm: Sáng tạo bừng cháy sức mạnh bên trong; Hạnh phúc tại tâm; Thân mật - cội nguồn của hạnh phúc; Đạo - con đường không lối; Can đảm biến thách thức thành sức mạnh.
Trong bộ sách này, tác giả đem lại sự an lạc trong tâm hồn mỗi con người, là điểm tựa để bạn đọc có thể vượt qua những rào cản trong xã hội hay chính từ suy nghĩ của mình để tìm ra con đường, đích đến ta cần tới.
Đối với Can đảm biến thách thức thành sức mạnh, tác phẩm đi sâu vào việc giúp độc giả hiểu ra nỗi sợ hãi sẽ luôn đeo đuổi khi ta cố gắng né tránh hay chỉ dám nhìn mà không hành động. Tuy nhiên, khi dám nhìn nhận nỗi sợ, thấu hiểu bản thân, dám thay đổi bản thân khi cần thiết nỗi sợ ấy sẽ không còn đeo đuổi bạn. Ngoài ra bạn sẽ trở nên bản lĩnh, dũng cảm hơn.
Theo tác giả, dũng cảm ở đây không có nghĩa là bạn không sợ hãi, mà thay vào đó là khi toàn bộ nỗi sợ hãi hiện diện bạn có lòng can đảm để đối mặt với điều đó.
Can đảm không có nghĩa là không biết sợ. Bạn sẽ đạt đến trạng thái không sợ hãi nếu cứ tiếp tục can đảm.
Có thể nói cuốn sách Can đảm biến thách thức thành sức mạnh giúp bạn đọc, đặc biệt là những bạn trẻ có cái nhìn toàn diện về nỗi sợ hãi như nguồn gốc của nỗi sợ, làm thế nào để hiểu chúng, tìm thấy can đảm để đối mặt và vượt qua chúng...
Cuốn sách Can đảm biến thách thức thành sức mạnh của tác giả Osho. |
Thay vì tập trung vào các hành động can đảm của anh hùng trong những hoàn cảnh như các tác phẩm cùng thể loại, Can đảm biến thách thức thành sức mạnh bắt đầu bằng một cách khá mới mẻ, ông mở đầu bằng những ý nghĩa của lòng can đảm và cách nó được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Qua đó phát triển lòng can đảm bên trong của bạn đọc và giúp ta có thể thoát ra khỏi sự nhút nhát, lo sợ để biến thách thức thành sức mạnh.
Chỉ khi ta can đảm đứng lên đấu tranh cho sự thật của chính mình, thậm chí điều đó chống lại ý kiến của số đông hay sự đấu tranh giữa tâm trí và nội tâm... bạn mới có thể sống thật với chính mình.
Như việc ta đến ngã ba đường, tâm trí của mình sẽ nói: “Đi lối này, đây là con đường quen thuộc”. Nhưng nếu lắng nghe nội tâm chắc chắn bạn sẽ đi theo cái không quen thuộc, không biết. Bởi ẩn sâu trong chính bản thân của mỗi con người chúng ta luôn thích phiêu lưu, khám phá và mạo hiểm. Chính vì vậy, tác giả khuyên bạn trẻ hãy luôn lắng nghe cái không biết và thu hết can đảm để đi vào chốn vô định.
Hãy quên tất cả những điều bạn đã được dạy bảo: “Cái này đúng, còn cái kia sai”. Cuộc sống không cố định như vậy. Điều được cho là đúng hôm nay có thể sai vào ngày mai, điều được cho là sai ở giây phút này có thể đúng ở giây phút kế tiếp.
Gấp lại gần 200 trang sách Can đảm biến thách thức thành sức mạnh, bạn sẽ rút ra được khái niệm và hành động của sự can đảm chính là đánh đổi cái đã biết để tìm đến cái hư vô, đánh đổi cái quen thuộc để tìm đến những điều xa lạ, đánh đổi sự tiện nghi ấm cúng để tìm đến cái bất tiện, đánh đổi cuộc hành hương gian nan để tìm đến một nơi vô định.
Cuộc sống không tuân theo suy luận lôgic của bạn mà diễn ra theo cách riêng của nó, không hề bị xáo trộn. Bạn phải lắng nghe cuộc sống chứ cuộc sống sẽ không lắng nghe những suy luận lôgic của bạn. Cuộc sống chẳng bận tâm về điều đó.
Không ai biết được liệu mình có làm được hay không cho đến khi chính bạn phải bước vào những nỗi đau, thì khi đó bạn mới tin rằng không có điều gì là giới hạn trong sự chế ngự của sức mạnh can đảm ở mỗi con người.
Bên cạnh việc giúp công chúng đối diện với sợ hãi, Osho cũng khuyên chúng ta rằng mỗi khi phải đối mặt với sự không chắc chắn hay thay đổi trong cuộc sống… thay vì buồn bã, cố bám víu vào những điều quen thuộc chúng ta có thể xem đây là cơ hội khám phá và làm giàu sự hiểu biết về bản thân và thế giới xung quanh.
“Sống mạo hiểm thì mới là sống. Sự sống không bao giờ đơn hoa kết trái ơ nơi an toàn”.