Nhà văn Anatoly Georgyevich Alexin sinh năm 1924 tại Moskva. Từ nhỏ, Alexin đã có niềm đam mê với nghề viết, ông có rất nhiều tác phẩm được đăng tải trên báo. Sau khi lớn lên, ông từng có thời gian làm biên tập viên cho tờ báo địa phương ở Ural.
Năm 1950 ông cho ra mắt tập truyện đầu tay mang tên Ba mươi mốt ngày được nhiều độc giả đón nhận. Sau đó, Alexin tiếp tục mang đến những đứa con tinh thân như Sasha và Shura, Kolia viết cho Olia, Olia viết cho Kolia, Evdokina dở hơi…
Từ những cống hiến của mình cho nền văn học, ông được mệnh danh là “nhà văn tuổi trẻ” của văn đàn Nga. Tác phẩm của ông luôn mang tính giáo dục sâu sắc, giàu triết lý và ý nghĩa xoay quanh thế hệ trẻ như những mâu thuẫn, xung đột, phản kháng của lứa tuổi dậy thì bồng bột đối với người xung quanh, với bạn bè và đặc biệt là với người lớn.
Mới đây, tập truyện vừa gồm bao 3 câu chuyện: Anh trai tôi chơi kèn Clarinet; Đứa con muộn; Người thứ ở hàng thứ năm của nhà văn Nga không nằm ngoài tiêu chí đó.
Ngoài ra, tập truyện còn đưa bạn đọc đến nước Nga trong những thập niên 1950-1980, tái hiện những bức tranh cuộc sống thường nhật trong gia đình, trường học - chốn thân quen của những cô bé, cậu bé trải qua những thử thách đầu tiên của cuộc đời để trưởng thành.
Đằng sau mỗi câu chuyện của ông luôn ẩn chứa nhiều đạo lý sâu sắc, bài học đó không chỉ dành cho trẻ em hay những cô cậu mới lớn mà cả những người trưởng thành cũng cần biết, hiểu để sống tốt hơn và quan trọng hơn là để yêu thương, thấu hiểu con đúng cách.
Như câu truyện Người thứ ba ở hàng thứ năm, nhà văn đưa ra bài học muộn của một bà giáo già về hưu. Khi còn đứng lớp, cô là một giáo viên giỏi và nổi tiếng tận tâm, nghiêm khắc, công bằng. Khi đã về hưu với 35 năm kinh nghiệm giảng dạy người cô ấy mới chiêm nghiệm ra rằng ta phải tôn trọng sự khác biệt về cá tính của từng học sinh, từng con người thay vì ép tất cả theo cùng một khuôn phép. Kinh nghiệm ấy cô học được từ một học sinh đặc biệt.
Còn nước còn tát, bà bắt tay ngay vào thực hiện sự nghiệp dạy học cuối cùng với cô cháu gái đầy cá tính của mình.
Tác phẩm Đứa con muộn của tác giả Anatoly Alexin. |
Trái với Người thứ ba ở hàng thứ năm, trong truyện Đứa con muộn, tác giả viết về cậu con “mọn” Lenka - đứa trẻ được cả bố mẹ và chị gái “đợi” suốt 16 năm. Chính vì vậy, khi cậu ra đời tất cả mọi người đều thể hiện một tình yêu, sự quan tâm thái quá khiến khiến cậu cảm thấy khá mệt mỏi, muốn bỏ chạy đến tận cùng thế giới, nếu như không còn tìm được chỗ nào xa hơn nữa.
"Cả nhà đã đợi tôi những 16 năm ròng… Làm một đứa con muộn màng, kể đáng sợ thật. Gì chứ chuyện ấy thì tôi biết rõ lắm! Những đứa con sớm sủa, chúng ra đời thật chóng vánh và tự nhiên. Cứ như thể điểm tốt, điểm xấu cứ xuất hiện trong sổ liên lạc vậy, khi ngày ngày anh vẫn cắp sách đến trường. Còn những đứa con muộn màng thì đứa nào cũng bắt người lớn phải mong chờ hết năm này sang tháng khác. Rồi đến khi rốt cuộc, chúng ra đời, thì cả nhà liền hùa nhau lại mà yêu thương, mà nâng niu, mà chăm bẵm, ghê gớm đến mức khiến chúng chỉ còn muốn bỏ chạy đến tận cùng thế giới, nếu như không còn tìm được chỗ nào xa hơn nữa...".
Ngoài sự bao bọc quá mức, LenKa còn có một người chị quá xuất sắc khiến cậu cảm thấy khá áp lực. Nhưng không vì thế mà cậu bé Lenka trở nên hư hỏng hay có những hành động tiêu cực phản kháng lại người thân.
Hiểu được tình cảm của mọi người dành cho mình, đứa con “mọn” ấy luôn cố gắng trở thành một người trưởng thành với những suy nghĩ, hành động rất đàn ông, rất người lớn để chăm lo cho bố mẹ và giúp chị gái tìm được tình yêu của đời mình.
Với mỗi một câu chuyện trong Đứa con muộn, thông qua nhiều tình huốc khác nhau và cách ứng xử của các với các nhân vật đều nói lên tình yêu thương có phần thái quá và vô tình khiến cho người được yêu thương cảm thấy tù túng, gò bó hơn là hạnh phúc. Đặc biệt trong đời sống hiện đại ngày càng phức tạp và bận rộn như hiện nay, những tình thương sai cách như như vậy dường như xuất hiện nhiều ở các gia đình.
Bậc làm cha mẹ luôn thương con vô bờ bến nhưng không có thời gian để lắng nghe con hoặc là quá chăm bẵm, bảo bọc đến mức khiến trẻ không thể thoải mái phát triển bản thân. . . khiến con trẻ cảm thấy cô đơn và luôn mong chờ người lớn có thể hiểu mình.
Viết về đề tài thiếu nhi với giọng văn hài hước song Đứa con muộn lại không thiếu các nút thắt đầy thú vị, kịch tính.