Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Yêu thương và lý trí trong nuôi dạy con trẻ

"Nuôi con bằng Yêu thương, dạy con bằng Lý trí" của tác giả Foster Cline và Jim Fay mang đến cho các bậc phụ huynh những phương pháp giáo dục con trẻ khoa học, tiến bộ.

Yêu thương, chiều chuộng con quá nhiều làm trẻ sinh hư nhưng nghiêm khắc khiến trẻ hình thành tính cách nhút nhát, tự ti và không phát huy được hết khả năng của mình. Vậy làm thế nào cân bằng giữa tình thương và những nguyên tắc lý trí trong việc nuôi dạy con?

Hai tác giả Foster Cline và Jim Fay đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Nuôi con bằng Yêu thương, dạy con bằng Lý trí. Tác phẩm này mở ra một cuộc cách mạng trong việc nuôi dạy con trên toàn nước Mỹ và khắp thế giới, “mách nước” cho cha mẹ đang gặp rắc rối trong việc nuôi dạy con.

Cuốn sách tập trung vào việc khuyến khích cha mẹ nuôi dạy những đứa trẻ tự lập, biết tự đưa ra quyết định cho bản thân, có thái độ tích cực với cuộc sống, giàu tình yêu thương, sống có trách nhiệm...

cach nuoi day con tre khoa hoc nhat anh 1
Cuốn sách được chia làm 2 phần, phần đầu thiên về lý thuyết và phần thứ 2 đi sâu vào thực hành.

Nuôi con bằng Yêu thương, dạy con bằng Lý trí được chia làm 2 phần. Phần một, Làm cha mẹ bằng yêu thương và lý trí hai tác giả bàn về khái niệm nuôi dạy con.

Nội dung phần này tập trung vào những vấn đề như tự đánh giá bản thân, phân tích và đánh giá vấn đề, trung hòa giữa cơn tức giận và tranh luận, dùng các từ ngữ khuyến khích con nói chuyện theo hướng tích cực, đưa các lựa chọn đa dạng và thể hiện sự đồng cảm của chúng ta trước khi trẻ phải đối mặt với hậu quả từ những sai lầm của chúng. Theo các tác giả, đây là điều quan trọng trong việc nuôi dạy con hiệu quả.

Trên thực tế, các phương pháp nuôi dạy trẻ đều xuất phát từ tình yêu thương. Nhưng tình thương ấy không hề dễ dãi hay có chỗ cho sự thiếu tôn trọng. Tình thương ấy phải đủ lớn chấp nhận việc trẻ sẽ mắc sai lầm và đủ mạnh để có thể cho con đối diện với hậu quả tự nhiên từ những sai lầm đó.

Với những giới hạn, công thức, cách kiểm soát đưa ra trong Nuôi con bằng Yêu thương, dạy con bằng Lý trí, các bậc phụ huynh chắc chắn sẽ biết cách đặt yêu thương đúng nơi, trao lý trí đúng chỗ.

cach nuoi day con tre khoa hoc nhat anh 2
Trong nuôi dạy con trẻ, việc đưa kỷ luật không nước mắt vào thực tiễn chẳng hề dễ dàng.

Khi làm cha mẹ, bất kỳ ai đều phải trải qua những lúc trẻ giận dữ, cáu kỉnh, ăn vạ khi không có được một món đồ như ý muốn hay đôi khi chẳng vì lý do gì. Vào hoàn cảnh đó, không ít người muốn la lớn và tệ hơn có thể mắng, đánh con để chúng ngừng ăn vạ dù biết đây là hành động sai trái. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể vượt qua những cơn giận của trẻ mà không có những hành động tiêu cực đó?

Đến với phần 2 của cuốn sách, bạn sẽ gặp 48 tình huống mà cha mẹ thường thấy trong quá trình nuôi dạy con được Foster Cline và Jim Fay phân tích nguyên nhân, gốc rễ của từng tình huống và trẻ sẽ suy nghĩ như thế nào và gợi ý các cách hành xử phù hợp cho bố mẹ. 

“Bố chấm cơn giận đó 7,5 điểm”, người bố nói với con gái bé nhỏ của mình, Hannah. “Số điểm không thuộc loại tầm cỡ thế giới, nhưng khá tốt đối với một cô bé. Giờ con muốn tức giận ở đâu để nó không làm phiền tai của bố mẹ?”.

“A-a-a-a-a-!” Hannah hét, đập xuống nền nhà và đạp chân vào không khí.

“Giờ lên tới 8,2 điểm. Con muốn hét ở dưới tầng hầm hay trong phòng?”.

Hannah hét vào hông tủ lạnh và đập đầu cô bé vào đó để nhấn mạnh cơn giận của mình.

“Ồ, đó chính xác là cơn giận tương đương với tầng hầm, Hannah. Đợi chút - Bố sẽ ra ngoài trước. Nhân tiện, con muốn mở hay tắt đèn?”.

Trong các tình huống, tác giả khuyên cha mẹ hãy đưa ra một vài lựa chọn để trẻ nghe theo và chúng ta không phải chịu đựng cơn giận đó bằng cách lánh đi cho trẻ giải tỏa hay ta cho phép con quay lại khi cơn thịnh nộ đã dịu xuống.

Đặc biệt, bố mẹ không được phép mất bình tĩnh và hét ngược lại trẻ. Giải quyết cơn giận dữ của con đòi hỏi bố mẹ phải nói nhỏ nhẹ, dù ta biết lý do hay không việc đầu tiên cần làm là để trẻ giải tỏa cảm xúc, giải tỏa cơn giận chứ không phải là giảng giải bởi khi trẻ hờn dỗi chúng sẽ không nghe bất kỳ lời giải thích nào, dù là hợp lý.

Ngoài ra, ta cần quan tâm đến việc trẻ sẽ làm mình bị thương khi nổi giận vì vậy cần bảo đảm an toàn trong phòng bằng cách di chuyển những vật nguy hiểm hay có giá trị. Nếu trẻ tự làm đau bản thân, bố mẹ cần dạy trẻ cách lo lắng cho vết thương của chúng khi cơn giận qua đi.

Và nếu bố mẹ có thể ngồi cùng con lúc trẻ tức giận, đưa ra một vài cách để giải tỏa sự bức xúc mà không để lại hậu quả nghiêm trọng như xé giấy, ném bóng vào tường, chọc giấy… Sau khi con qua cơn tức giận hãy cùng nhau mổ xẻ vấn đề nếu trẻ muốn và cùng dọn dẹp lại bãi chiến trường.

Gập lại cuốn sách Nuôi con bằng Yêu thương, dạy con bằng Lý trí bạn sẽ thấy sự kết hợp giữa tình thương và lý trí không chỉ giúp phụ huynh tìm được đường đi đúng trong sự nghiệp làm cha mẹ của mình mà còn tạo ra được triết lý win - win dành cho cả cha mẹ và con cái. Cha mẹ thắng vì yêu con một cách sáng suốt, trẻ thắng vì có thể sống tự lập, có trách nhiệm.

Bước ngoặt thay đổi cuộc đời bạn

Cuốn sách "Đời thay đổi khi ta thay đồ" mang đến cho bạn đọc những cách thức làm mới bản thân mình thông qua một vài sự thay đổi nhỏ trên trang phục thường ngày.

Nguyên Phương

Bạn có thể quan tâm