Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách về vụ bạo lực học đường chấn động nước Pháp

“Marion, mãi mãi tuổi 13” là cuốn sách viết bởi người mẹ đã mất đi đứa con gái vì bạo lực học đường chấn động nước Pháp mới xuất bản tại Việt Nam.

Marion, mãi mãi tuổi 13 (tác giả Nora Fraise, Jacqueline Remy) được viết từ câu chuyện có thật - một vụ bạo lực học đường  tại nước Pháp - mới được phát hành tại Việt Nam.

Bao luc hoc duong,  Quay roi hoc duong anh 1
Sách Marion, mãi mãi tuổi 13 mới phát hành bản tiếng Việt.

Cuốn sách hơn 200 trang tái hiện lại một câu chuyện đầy hoang mang, phẫn uất của một học sinh 13 tuổi trong một vụ quấy rối học đường tại Pháp.

Marion Fraise sống trong gia đình hạnh phúc tại một thành phố lớn nước Pháp. Cô bé 13 tuổi có em gái 9 tuổi và em trai 18 tháng tuổi. Ba chị em được cha mẹ hết mực yêu thương.

Cô bé Marion thông minh, chăm chỉ mơ ước trở thành một kiến trúc sư. Nhưng cô bé không bao giờ thực hiện được giấc mơ đó. Sự việc dần tồi tệ khi mỗi ngày đến trường Mairon gặp những chuyện bất bình.

Cô bé bị những người bạn học của mình lăng mạ, xâm phạm cơ thể. Nhà trường biết sự việc nhưng đã đã thờ ơ. Điều đó đẩy Marion vào trầm uất, tuyệt vọng và bất lực, cuối cùng đi đến quyết định tự tử. Cô bé treo cổ trong phòng vào một sáng tháng Hai, khiến bố mẹ sửng sốt.

Điều gì khiến Marion tự tử là một bí mật với cha mẹ cô. Trước đó, họ không hề nghe thấy cô bé phàn nàn, than vãn hay tỏ ra buồn chán mệt mỏi. Thậm chí, ngày Marion treo cổ rơi vào trước ngày Valentine, khiến các luồng suy luận đi theo hướng có thể cô bé bị tổn thương vì chuyện tình cảm, một nỗi đau tình yêu tuổi mới lớn chặng hạn…

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới cái chết của con gái, cha mẹ cô lần theo những tin nhắn trong điện thoại của con, những thông báo xúc phạm trên mạng xã hội… và dần nhận ra con gái mình là nạn nhân của nạn quấy rối học đường.

Sách khắc họa chi tiết nỗi đau của người mẹ khi chứng kiến cảnh con gái mình tự tử vì bạo hành tại trường học. Những tháng ngày tác giả - mẹ của cô bé, cố gắng tìm câu trả lời cho cái chết của Marion, cũng là khoảng thời gian mà gia đình bà phải chịu sự xa lánh của các gia đình khác và giáo viên trong trường. Những tin đồn vô căn cứ quanh cái chết của cô bé 13 tuổi cứ đổ vào gia đình ấy.

Bao luc hoc duong,  Quay roi hoc duong anh 2
Tác giả Nora Fraisse cũng là mẹ của cô bé Marion, viết cuốn sách với mong muốn đưa ra lời cảnh tỉnh với vấn nạn bạo lực học đường.

Nhưng người mẹ không bỏ cuộc, bà quyết tìm sự thật và chứng minh vấn nạn khủng khiếp ấy trong học đường. Người mẹ ấy không chỉ vì đứa con thân yêu của mình, mà còn vì hàng vạn em nhỏ đang đối mặt với nguy cơ bị quấy rối trong trường học.

Marion, mãi mãi tuổi 13 không chỉ thể hiện sự bàng hoàng, nỗi đau mất con, mà còn là cuộc chiến của người mẹ đi tìm lại công lý cho con mình. Cuốn sách gây tiếng vang tại Pháp vào năm 2015, mở ra cuộc đấu tranh của các phụ huynh có chung nỗi đau mất con vì nạn bạo lực học đường.

Trích bức thư của người mẹ Noara Fraisse gửi cho người con gái xấu số của mình:

“Gửi Marion,

Marion, con gái yêu của mẹ, con đã tự vẫn ở tuổi 13, vào ngày 13 tháng Hai năm 2013, bằng cách dùng chiếc khăn quàng để tự treo cổ mình ngay trong phòng ngủ.

Bên dưới giường, người ta cũng đã tìm thấy chiếc điện thoại di động của con bị treo lơ lửng vào một đầu sợi dây để tượng trưng cho việc cắt đứt mọi lời chửi rủa và đe dọa của những kẻ đã từng tra tấn con ở trường học.

Mẹ viết cuốn sách này để tưởng nhớ con, để giãi bày nỗi buồn xa vắng bâng khuâng của mẹ về một khoảng đời trong tương lai mà mẹ con chúng mình sẽ không còn chung sống và chia sẻ cùng nhau nữa.

Mẹ viết cuốn sách này để mỗi người đều rút ra những bài học từ cái chết của con. Để giúp các bậc cha mẹ tránh cho con cái họ khỏi trở thành hoặc nạn nhân giống như con, hoặc những tên đao phủ giống như những đứa đã khiến con mông lung lạc hướng. Để cho các cấp có thẩm quyền trong bộ máy giáo dục nỗ lực cẩn trọng hơn nữa, nỗ lực lắng nghe và có thiện chí hơn nữa đối với trẻ em khi chúng phải chịu đau đớn.

Mẹ viết cuốn sách này để người ta coi nạn quấy rối học đường là một việc quan trọng, cần phải lưu tâm.

Mẹ viết cuốn sách này để không còn đứa trẻ nào muốn treo cổ cái điện thoại, lẫn kết thúc cuộc đời của nó nữa".

'Tớ không sợ bị bắt nạt': Cẩm nang giúp trẻ tự tin và mạnh mẽ

Cuốn sách là chiếc chìa khóa để giúp trẻ trở nên can đảm, cứng cỏi và đủ khả năng đối diện với mọi sợ hãi của bản thân.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm