Trong hành trình trưởng thành, hầu như đứa trẻ nào cũng từng ít nhất một lần ở trong tình huống bị bắt nạt hoặc trở thành người bắt nạt, bởi vì việc bắt nạt dường như rất phổ biến ở bất cứ môi trường học đường nào.
Bắt nạt học đường - vấn đề đáng quan tâm
Hành vi bắt nạt không chỉ để lại những thương tổn trên cơ thể, mà còn có thể tạo nên những chấn thương tinh thần lâu dài, ảnh hưởng sâu sắc đến cả sự phát triển thể chất lẫn tinh thần, làm lệch lạc nhân cách của trẻ.
Kẻ bắt nạt không chỉ có mặt ở trường học, mà có thể ở trong gia đình, thậm chí ở chính bên trong bản thân đứa trẻ. Bởi vậy, việc phụ huynh cũng như các bạn nhỏ có kiến thức cũng như kỹ năng về vấn đề này là điều hết sức quan trọng.
Cô Xuân Phạm chia sẻ về vấn đề bắt nạt học đường. |
Tớ không sợ bị bắt nạt gồm 15 câu chuyện với những nhân vật có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một điểm chung: họ đều là nạn nhân của vấn nạn bạo hành học đường. Tác phẩm chứa đựng nhiều thông tin và bất cứ ai bị bắt nạt hoặc biết đến bắt nạt cần trang bị cho mình.
Với những tình huống phổ biến nhất, tác giả Emmanuelle Picquet đưa ra nhiều giải pháp để giúp các em có thể tự bảo vệ mình đồng thời dễ dàng tìm đến sự trợ giúp từ gia đình và nhà trường.
Làm thế nào để nhận ra con bạn đang ở trong "vùng nguy hiểm"?
Chia sẻ về vấn đề này, trong buổi tọa đàm mang tên "Giúp con khỏi bị bắt nạt" vào ngày 7/10, Thạc sĩ Mai Hương - Giảng viên khoa Công tác xã hội (Đại học Sư phạm Hà Nội) nhấn mạnh: "Ở mọi lứa tuổi, việc quan sát các dấu hiệu lạ để nhận ra các em có bị bắt nạt hay không là điều rất quan trọng. Một vài dấu hiệu các bậc phụ huynh có thể nhận ra như quần áo, sách vở bị hủy hoại, có vết bầm không giải thích được, ít bạn bè chơi cùng, sợ đi học, sợ đi bộ đi học, việc học sút giảm, biểu hiện rối loạn cảm xúc, thường xuyên gặp ác mộng..."
Thạc sĩ Mai Hương (ngồi giữa) nêu quan điểm về hành vi bắt nạt. |
Khi bị bắt nạt, thông thường các em rất muốn chia sẻ với những người đáng tin cậy như giáo viên hay thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, nếu các em không được tin tưởng thì liệu các em còn muốn chia sẻ?
Cô Mai Hương cho rằng khả năng trẻ ứng phó với hành vi bắt nạt thường xuất phát từ nguồn gốc gia đình. Nếu gia đình không tạo cho trẻ sự tự nhận thức, tự tin về bản thân thì các em dễ thiếu tự tin và dễ trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường.
Từ đây độc giả có thể nhận thấy rằng nếu phụ huynh có sự chuẩn bị tốt hơn cho con về sự tự tin, về nội lực cá nhân thì hiện tượng bắt nạt sẽ giảm đi đáng kể.
"Tớ không sợ bị bắt nạt" - lời tuyên bố mạnh mẽ
Cuốn sách truyền tải nội dung nhẹ nhàng mà lột tả một sự thật cay đắng rằng: người thân trong gia đình, bạn bè, giáo viên và cả chính trẻ đều có thể là “kẻ bắt nạt”. Các tình huống bắt nạt không có mô-típ quen thuộc, phản ứng bị bắt nạt phần nhiều bị trẻ che giấu, đối tượng bắt nạt thì bủa vây xung quanh.
Tác giả người Pháp Emmanuelle Piquet. |
Đứa trẻ trong hành trình trưởng thành về phát triển cảm xúc phải tự xoay xở và quyết định “cuộc chiến bắt nạt” này. Việc trẻ nhận diện, áp dụng chiến lược phù hợp và vượt qua hành vi bắt nạt là một chiến thắng trong đấu tranh tâm lí và trưởng thành cảm xúc của mình.
Một cuốn sách vừa vặn với tâm hồn của trẻ nhưng cũng đủ sâu cay đối với người đọc là cha mẹ, thầy cô giáo và chuyên gia tâm lý nói chung.
"Nếu có chút đáng tiếc về cuốn sách này thì đó là phạm vi sách chưa đề cập đến giải pháp giúp đỡ những đứa trẻ đi bắt nạt. Cái xấu luôn hiện hữu, điều làm nên khác biệt trong nhận thức và hình thành nhân cách ở trẻ nằm ở cách những người xung quanh trẻ đối xử tử tế như thế nào với cái xấu" - cô Xuân Phạm, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tiếp xúc với trẻ em, hiện là Hiệu trưởng trường mầm non Rising Star nhận định.
Cuốn sách Tớ không sợ bị bắt nạt. |
Cuốn sách không chỉ đề cập đến phương pháp chống bắt nạt, mà còn chia sẻ nghệ thuật chiến thắng nỗi sợ hãi, chiến thắng bản thân để trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn trong cuộc sống.
Emmanuelle Picquet là một bác sĩ tâm lý, một chuyên gia chống lại nạn bắt nạt học đường. Bà sáng lập ra Trung tâm Chagrin Scolaire (Nỗi buồn học đường) và A 180 degrés (180 độ) chuyên trợ giúp, can thiệp nhằm làm dịu đi nỗi đau học đường.
Các tác phẩm của bà về vấn nạn học đường được xuất bản: Sous l'escalier (Dưới gầm cầu thang), Te laisse pas faire (Đừng để mặc), Faites votes 180 degrés (Hãy quay 180 độ).