Người cầm bút sau khi hoàn thiện bản thảo của mình sẽ “phó thác” cho đơn vị xuất bản thực hiện các khâu dàn trang, thiết kế và in ấn. Việc nhà xuất bản chịu trách nhiệm làm bìa sách là điều rất phổ biến, bởi mỗi đơn vị xuất bản luôn có đội ngũ họa sĩ, thiết kế riêng.
Tuy nhiên, một số tác giả trẻ thời gian gần đây không còn quá lệ thuộc vào đơn vị xuất bản. Họ có xu hướng tự thực hiện bìa hoặc liên hệ, phối hợp với họa sĩ bên ngoài để “may áo” cho tác phẩm của mình.
Cây bút trẻ Nam Kha cho rằng ở cương vị người cầm bút, bản thân tác giả là người hiểu tác phẩm nhất để có thể tự thiết kế bìa cho “đứa con tinh thần” của mình.
Trong khi đó, Hồ Huy Sơn nói anh muốn bìa sách phải chuyên chở được tâm huyết tập truyện của mình. Mặt khác, nhà văn Liêu Hà Trinh tìm thấy sự hứng thú khi bìa sách của cô có sự tham gia của một tên tuổi “khó tính” trong làng thiết kế.
Sách Sáng ý tưởng, tạo thành công - Giữ chất riêng, làm khác biệt được thực hiện kỹ thuật in bìa "4 trong 1". Ảnh: NVCC. |
Bìa sách cần “ăn nhập” tựa sách
Theo Nam Kha, không phải bìa sách nào được chọn cũng thể hiện hết tinh thần của tác phẩm. Cuốn sách sắp lên kệ của anh trong tháng 12 đánh dấu hành trình 10 năm cầm bút. Vì vậy, anh mong muốn tạo ra sự khác biệt, đúng với ý nghĩa tựa sách Sáng ý tưởng, tạo thành công - Giữ chất riêng, làm khác biệt.
Phần đầu tiên với tên gọi Sáng ý tưởng, tạo thành công giúp các bạn trẻ chuẩn bị hành trang khơi nguồn cảm hứng, rèn luyện kỹ năng sáng tạo và trở thành người dẫn đầu xu hướng mới. 17 nhân vật góp mặt trong phần hai Giữ chất riêng, làm khác biệt đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau mà ở đó, tác giả chia sẻ câu chuyện về những ngày đầu ấp ủ ý tưởng và biến ước mơ thành hiện thực.
Không chỉ đầu tư về phần nội dung, tác giả và ê-kíp thực hiện còn chăm chút phần mỹ thuật với những ý tưởng độc đáo, giúp tăng tính trải nghiệm và đem đến cảm xúc thú vị cho độc giả.
“Ở cuốn sách này, tôi muốn hướng độc giả đến từ khóa chính là ‘sáng tạo’ ngay từ bìa sách, bằng cách thực hiện kỹ thuật in bìa ‘4 trong 1’ khá độc đáo trong giới xuất bản (một cuốn sách có 4 bìa với 4 phong cách khác nhau) để độc giả có thể thay đổi tùy theo ý thích”, Nam Kha chia sẻ.
Bìa cuốn sách được tác giả này tự tay thiết kế theo dạng “book magazine” đang phổ biến trên thế giới. Cách dựng tiêu đề trên bìa giúp tạo điểm nhấn, hướng độc giả dễ dàng nắm nội dung, thông điệp cuốn sách.
Bìa sách Mây vẫn bay bay trên bầu trời thành phố truyền tải thông điệp nhẹ nhàng của cuốn sách. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM. |
Cây bút 8X Hồ Huy Sơn được biết đến với với lối viết tự sự nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người đọc. Trong tập truyện mới ra mắt Mây vẫn bay bay trên bầu trời thành phố, ai cũng có thể bắt gặp hình ảnh bản thân trong mỗi câu chuyện.
Cuốn sách tập hợp nhiều mẩu chuyện là những mảnh hồi ức với bối cảnh và cốt truyện khác nhau nhưng cùng cất lên tiếng lòng của những người trẻ.
“Nhân vật trong tập truyện của tôi đến từ nhiều vùng quê khác nhau, cùng sinh sống, lập nghiệp ở nơi đô thị. Mỗi người có những mất mát, tổn thương riêng nhưng luôn hướng về phía trước bằng sự lạc quan và nghị lực. Họa sĩ Trần Quốc Anh mà tôi tự liên hệ đã thể hiện tinh thần này thông qua bìa sách mà anh thiết kế”, Hồ Huy Sơn chia sẻ.
Ý nghĩa truyền tải qua bìa sách
Vừa là nhà văn, vừa được công chúng biết đến với vai trò một nữ MC, Liêu Hà Trinh rất chăm chút cho tính thẩm mỹ của những cuốn sách. Bìa sách Cúc họa mi phù hợp để giới trẻ sống ảo, bìa cuốn Em có phần thanh thoát, tinh tế hơn. Trong khi đó, bìa cuốn sách Giỏ trái cây mới ra mắt lại truyền tải đúng thông điệp nội dung tác phẩm.
Khi bắt đầu nói về ý tưởng cuốn sách, Liêu Hà Trinh đã suy nghĩ về một tương lai đủ đầy, sung túc. Với lời nhắn nhủ ấy, bìa sách được nhà thiết kế Tim Phạm chọn một quả táo ở trung tâm như lời mong cầu an yên từ tác giả tới bạn đọc. Theo Liêu Hà Trinh, với người phương Đông, táo đỏ vốn là lời chúc bình an khi trao gửi đến nhau.
“Các thành viên trong ban thiết kế của nhà xuất bản đều làm rất tốt vai trò của mình. Đến cuốn Em và Giỏ trái cây, tôi nghĩ màu sắc của một người không nên dừng mãi ở đó. Nó cần sự tương tác, hỗ trợ của những người giỏi ở xung quanh, để tác phẩm được trau chuốt hơn. Và tôi tìm đến Tim Phạm - một tên tuổi không còn xa lạ trong làng thiết kế”, Liêu Hà Trinh kể.
Bìa sách Giỏ trái cây được thiết kế dụng ý với hình ảnh quả táo đỏ ở trung tâm. Ảnh: FBNV. |
Khi hoàn thiện tác phẩm của mình, tác giả Hồ Huy Sơn cho biết anh đã quan sát họa sĩ trẻ Trần Quốc Anh ở nhiều sản phẩm bìa và tranh minh họa cho sách. Cây bút 8X nhận thấy phong cách, nét vẽ ấy phù hợp với Mây vẫn bay bay trên bầu trời thành phố nên anh quyết định hợp tác cùng Trần Quốc Anh để “may áo” cho đứa con tinh thần của mình.
“Tôi có chia sẻ với họa sĩ về ý nghĩa tác phẩm và như hai ý tưởng gặp được nhau, tôi rất hài lòng với bìa sách mà họa sĩ Trần Quốc Anh thực hiện. Nó không chỉ đẹp, dụng công mà còn giúp tôi truyền tải tinh thần của tập truyện đến bạn đọc”, Hồ Huy Sơn nói.
Ở góc độ khác, mong muốn tác phẩm đạt được sự hoàn hảo theo đúng dụng ý sáng tác, Nam Kha chọn cách tự thiết kế bìa. Vì theo anh, bìa sách là điều gây ấn tượng với độc giả đầu tiên. Nếu không đẹp hoặc không ăn nhập tựa sách, tác phẩm sẽ nhanh chóng bị quên lãng. Điều này vô tình làm mất đi cơ hội tiếp cận độc giả.
“Bìa sách giống một con tắc kè hoa, tùy vào ý đồ của người cầm bút mà nó sẽ đóng góp nhiều vai trò khác nhau. Có khi nó là ‘mồi câu’ thu hút độc giả, lúc lại thể hiện một lát cắt nội dung nhằm gợi sự tò mò, cũng có trường hợp bìa sách là một cuộc triển lãm tổng kết những cái hay, đẹp trong nội dung”, cây bút trẻ nêu quan điểm.
Với Sáng ý tưởng, tạo thành công - Giữ chất riêng, làm khác biệt ra mắt lần này, hình ảnh trên bìa được chính tác giả chọn lọc kỹ càng để truyền tải thông điệp một cách tốt nhất. Chẳng hạn, hình ảnh chú nai xuất hiện trên tấm bìa thứ nhất truyền tải thông điệp rằng trước khi trở thành thủ lĩnh trên cánh đồng sáng tạo, ai cũng từng là một chú nai ngơ ngác.
Theo Nam Kha, bìa sách cần đạt được tính thẩm mỹ cao để chinh phục thị giác của độc giả, đồng thời truyền tải một phần hoặc toàn phần giá trị tư tưởng và thông điệp cuốn sách.