Ngày 31/8, nhà văn kiêm dịch giả Jennifer Croft, được biết đến với bản dịch Flights (tiếng Việt có tên Bieguni - những người không ngừng chuyển động) của Olga Tokarczuk, đã đưa ra quyết định và chia sẻ nó với 10.000 người theo dõi trên Twitter của cô: “Tôi sẽ không dịch thêm bất kỳ cuốn sách nào nếu không có tên trên trang bìa”.
Jennifer Croft cho rằng việc không đề tên người chuyển ngữ trên bìa sách không chỉ thiếu tôn trọng dịch giả, mà còn gây bất lợi cho người đọc. Độc giả nên được biết ai là người dịch, để từ đó có lựa chọn những gì họ sẽ đọc. Nhiều nhà văn đã ủng hộ quyết định của Croft và các dịch giả.
Nhà văn đoạt giải Nobel Olga Tokarczuk (trái) và dịch giả Jennifer Croft. Ảnh: New York Times. |
Chiến dịch kêu gọi tôn trọng người dịch sách
Đúng ngày Dịch thuật Quốc tế (30/9), Croft đã biến quyết định cá nhân của mình thành chiến dịch công khai. Trong bức thư ngỏ đăng trên trang web của Hiệp hội Tác giả Vương quốc Anh (viết chung với tiểu thuyết gia Mark Haddon), Croft đã kêu gọi các tác giả yêu cầu nhà xuất bản để tên người dịch lên trang bìa và đặt ra hashtag #TranslatorsOnTheCover.
“Từ bây giờ, chúng tôi sẽ yêu cầu, trong các hợp đồng và thông tin liên lạc của chúng tôi, rằng các nhà xuất bản đảm bảo tên của người dịch xuất hiện trên trang bìa”, trích nội dung thư ngỏ.
The Authors Guild (hiệp hội của các tác giả ở Mỹ) đã nhanh chóng ủng hộ ý tưởng này. Mary Rasenberger, Giám đốc điều hành của The Authors Guild, cho biết đã từ lâu, các dịch giả được ghi nhận vì những đóng góp của họ bằng cách ghi tên họ lên bìa cuốn sách. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đầu tiên. Mary Rasenberger cho rằng người dịch cũng nên nhận được các khoản tiền bản quyền phụ trợ và những quyền lợi khác.
Ghi công người dịch trên bìa sách đã là một chủ đề thảo luận trong cộng đồng dịch thuật văn học trong nhiều thập kỷ. Nhưng vấn đề hầu như không mấy thay đổi. Giờ đây, bằng cách khai thác sức mạnh của truyền thông xã hội, chiến dịch của Croft đang tạo được chú ý trong cộng đồng.
Đến nay, chiến dịch đã nhận được khoảng 1.800 chữ ký, bao gồm các nhà văn như Alexander Chee, Chris Kraus, RO Kwon, Jhumpa Lahiri, Yiyun Li, Olga Tokarczuk và Bryan Washington.
Croft nói trên Publishers Weekly: "Việc ghi tên chúng tôi lên bìa những cuốn sách mà chúng tôi viết từng chữ chỉ mất hai giây và 0 USD... Tại sao không thực hiện thay đổi đó?", Croft đặt câu hỏi.
Trong số 368 bản dịch tiểu thuyết và thơ tiếng Anh được xuất bản vào năm 2021 nằm trong Cơ sở dữ liệu dịch do Publishers Weekly lưu trữ, 162 tác phẩm, chiếm 44%, ghi công dịch giả trên bìa.
Theo Croft, các nhà xuất bản ứng xử khác nhau với việc đưa tên dịch giả lên trang bìa. Bloomsbury, Feminist Press, Transit Press và Charco Press của Vương quốc Anh là những nhà xuất bản đã đưa tên Jennifer Croft lên bìa sách “như một lẽ tất nhiên”. Nhưng thường các dịch giả phải thương lượng hàng tháng trời về các điều khoản hợp đồng và tiền bản quyền.
Croft cho biết một số nhà xuất bản thậm chí không thực sự sẵn sàng thương lượng với người dịch. “Điều này quay trở lại vấn đề cơ bản là các nhà xuất bản không sẵn lòng công nhận chúng tôi là người đồng sáng tạo tác phẩm - với tư cách là nghệ sĩ theo đúng nghĩa của chúng tôi”, Croft bình luận.
Dịch giả này nêu độc giả cũng muốn thấy tên dịch giả được ghi trên trang bìa: “Người đọc xứng đáng được biết trước ai đã viết cuốn sách mà họ sắp mua”.
“Giống như khi bạn quyết định xem bộ phim nào, bạn có thể muốn biết ai là diễn viên cũng như người đã đạo diễn bộ phim đó”, bà nói.
Đóng góp của dịch giả
Các dịch giả thường là những người giới thiệu cho các nhà xuất bản Mỹ những cuốn sách tiếng nước ngoài mà họ muốn dịch. Đây là yếu tố vượt ra ngoài công việc dịch thuật.
Khi dịch giả chọn dịch một cuốn sách, điều đó thường có nghĩa họ yêu thích hoặc nghĩ rằng nó có tầm quan trọng đặc biệt. Họ tin rằng những độc giả có cùng chí hướng sẽ cảm thấy như vậy về tác phẩm.
Vậy tại sao một nhà xuất bản văn học có thể chọn bỏ tên dịch giả trên trang bìa? Croft nói: “Tôi rất muốn nghe một biên tập viên hoặc nhà xuất bản giải thích động cơ của họ”.
Flights - cuốn sách mang về giải Man Booker Quốc tế không chỉ cho tác giả, mà còn vinh danh dịch giả. Ảnh: Amazon. |
Nhiều người tiêu dùng đang chú ý đến thiếu sót này. Nhà xuất bản FSG chia sẻ trên Instagram của mình trang bìa của tuyển tập truyện ngắn sắp ra mắt The Trouble with Happiness của Tove Ditlevsen, do Michael Favala Goldman dịch.
Một số người bình luận lưu ý rằng tên của Goldman đã bị thiếu trên trang bìa. “Liệt kê người dịch”, một người viết. “Chỉ còn thiếu một thứ là người dịch trên trang bìa”, người khác góp ý.
Một số nhà xuất bản ứng xử với vấn đề này theo từng trường hợp. New Directions, một trong những nhà xuất bản độc lập chuyên làm sách văn học, đã xuất bản 22 đầu sách dịch vào năm 2021. Trong số đó, sáu cuốn đã ghi công dịch giả trên trang bìa.
Một đại diện của New Directions nói rằng nhà xuất bản không tuân theo “công thức khô khan” cho trang bìa. “Thiết kế của bìa sách được tạo ra để truyền tải bản chất của một tác phẩm và bắt nguồn từ sự tôn trọng to lớn đối với những người đã đóng góp vào đó. Nếu tên của người dịch không ở mặt trước, nó luôn được in nổi bật ở mặt sau. Chúng tôi luôn nỗ lực làm nổi bật, tôn vinh và ghi nhận công lao của những dịch giả”.
Kendall Storey, biên tập viên cấp cao của Catapult và Soft Skull Press, nói: “Sẽ thu được gì bằng cách đưa tên người dịch ra khỏi trang bìa?”. Cô đặt câu hỏi: “Điều đó có phải là để đánh lừa người đọc rằng họ đang mua một bản gốc tiếng Anh không?”.
Đối với Croft, việc ghi nhận dịch giả trên trang bìa cũng là một loại quyền tác giả. “Không có lý do gì để tiếp tục che giấu danh tính của chúng tôi, như thể các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh là một thứ gì đó đáng xấu hổ”, Croft nói.