Người đọc sách không chỉ “ôm” cuốn sách vào góc riêng để thưởng thức. Đọc một chương sách hay, ngẫm ngợi một ý sâu, họ muốn chia sẻ với độc giả khác, nhất là tác giả của cuốn sách hay các chuyên gia trong lĩnh vực mà sách đề cập.
Từ khi đại dịch xảy ra, các cuộc giao lưu với tác giả, bạn đọc hay những buổi thảo luận đã thưa dần rồi vắng hẳn. Để giữ mối liên hệ giữa người viết, người đọc và người làm sách, nhiều cuộc giao lưu, trao đổi trực tuyến được tổ chức. Trong đó, nhà xuất bản, công ty sách là những đơn vị thực hiện nhiều chương trình dành cho bạn đọc hơn cả.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ trả lời câu hỏi của bạn đọc qua chương trình do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức. Ảnh: NXB Trẻ. |
Kết nối người viết với người đọc
“Chiều” độc giả nhất có lẽ là Nhà xuất bản Trẻ khi thực hiện chuyên mục “Chia sẻ cùng tác giả”. Đơn vị này đã viết lên trang mạng xã hội hỏi ý kiến bạn đọc muốn giao lưu với tác giả nào. Rất nhiều phản hồi của bạn đọc mong muốn được gửi câu hỏi tới nhà văn họ yêu mến. Trong đó, cái tên được nhắc tới nhiều nhất là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư.
Tác giả đầu tiên sẽ trả lời bạn đọc trong chương trình là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Một đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho biết trong hai ngày công bố, có gần 200 câu hỏi gửi về cho chuyên mục “Chia sẻ cùng tác giả: Giao lưu nhà văn Nguyễn Ngọc Tư”.
“Điều này vừa cho thấy sự hâm mộ của độc giả dành cho những nhà văn trong nước có tên tuổi như Nguyễn Ngọc Tư, vừa phản ánh nhu cầu giao lưu rất lớn giữa công chúng và tác giả văn chương trong thời giãn cách”, vị đại diện Nhà xuất bản Trẻ nói.
Đơn vị “chăm” tổ chức các cuộc giao lưu giữa bạn đọc và độc giả có lẽ là công ty sách Nhã Nam. Ngay từ năm 2020, tại những thời điểm phải giãn cách để phòng, chống dịch, đơn vị này đã tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến trên mạng.
Ba hình thức được đơn vị này thực hiện là: Live-stream trên trang mạng xã hội, đối thoại trên nền tảng Zoom (đồng thời phát trực tiếp chương trình trên trang mạng xã hội), tường thuật qua mạng một chương trình đang được tổ chức trực tiếp.
Một số tác giả nổi tiếng đã tham gia giao lưu với bạn đọc qua mạng như bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, TS Đặng Hoàng Giang, tác giả Rosie Nguyễn… Các tác giả có thể giao lưu về một chủ đề, như Rosie Nguyễn với chương trình “Tự học: Trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình”.
Một số tác giả giao lưu với hình thức “hỏi gì đáp nấy”, như chương trình “Trò chuyện cùng bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu” hoặc “Hỏi gì cũng được: Tác giả Đặng Hoàng Giang”.
Cũng vì chủ đề của chương trình mở, bạn đọc có thể gửi nhiều câu hỏi mở rộng vấn đề, đôi khi hỏi về những chuyện riêng tư, đời sống tác giả. Điều này tạo nên sự gần gũi giữa người viết với người đọc mà ở các cuộc gặp mặt trực tiếp không có được.
Các chương trình giao lưu trực tuyến của Nhã Nam cũng mở rộng ra nhiều nội dung: Thảo luận về đọc sách cùng “siêu trí tuệ” Thục Nữ; nói chuyện về tình yêu cùng nhà tâm lý học Đặng Hoàng Ngân nhân ngày Black Valentine; thảo luận về văn chương sci-fi cùng nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng và Phan Hồn Nhiên; giao lưu với Đại sứ Phạm Sanh Châu với chủ đề đưa người Việt về nước trong đại dịch…
Chị Phương Thu, Phó phòng Truyền thông Công ty Nhã Nam, cho biết ban đầu, công ty sách này chỉ coi các cuộc giao lưu trực tuyến là giải pháp tình thế. Nhưng khi tổ chức, các buổi giao lưu trực tuyến thành công vượt kỳ vọng.
Chương trình tọa đàm về tiểu thuyết 2666 thu hút 400 người tham gia, hoặc chương trình bàn luận quanh cuốn sách Luận ngữ và bàn tính đạt gần 700 người xem.
“Luận ngữ và bàn tính là cuốn sách kinh tế, chúng tôi nghĩ sẽ rất rất ít người tham gia. Nhưng khi làm sự kiện trực tuyến, số người xem phá kỷ lục của chúng tôi, gấp rưỡi hội trường lớn mà chúng tôi thường tổ chức sự kiện trực tiếp”, chị Phương Thu nói.
Các chương trình trực tuyến có thể không mang lại nhiều cảm xúc như chương trình trực tiếp, song nó có thể giúp bạn đọc trên cả nước giao lưu cùng tác giả họ yêu thích. Trước đây, các chương trình trực tiếp thường diễn ra ở đô thị lớn, với một nhóm nhỏ người tham gia. Còn giờ đây, trên môi trường số, độc giả ở bất cứ đâu cũng có thể trao đổi với tác giả.
TS Đặng Hoàng Giang - người trả lời câu hỏi của bạn đọc tham gia chương trình "Hỏi gì cũng được". Ảnh: Công Khanh. |
Khuyến khích đọc sách khi giãn cách
Các đơn vị làm sách cũng thực hiện đa dạng chương trình nhằm khuyến khích mọi người ở nhà đọc sách. Các cuộc thi với nhiều hình thức được tổ chức.
Nhà xuất bản Trẻ tổ chức cuộc thi ảnh “Sách Trẻ bên gia đình bạn”. Theo đó, bạn đọc chụp ảnh cá nhân hoặc cùng các thành viên gia đình bên cạnh cuốn sách, bộ sưu tập sách Nhà xuất bản Trẻ, hoặc chụp ảnh cuốn sách của Nhà xuất bản Trẻ mà bạn đọc tâm đắc.
Cuộc thi diễn ra từ 10/9 đến 10/10. Đây là hoạt động ý nghĩa, khơi gợi sự gắn bó giữa người đọc với sách vở, khuyến khích ở nhà đọc sách.
Trước đó, vào tháng bảy, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng tổ chức cuộc thi giới thiệu sách dành cho học sinh từ 6-15 tuổi với hình thức viết và thực hiện vlog. Cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích học sinh yêu thích việc đọc sách, vừa rèn luyện các kỹ năng viết, vẽ, diễn thuyết, tự tin thể hiện quan điểm của bản thân.
Trang mạng xã hội dành cho người yêu sách readism tổ chức cuộc thi “Ở nhà giãn cách - Thử thách review”. Cuộc thi diễn ra từ ngày 1/9 tới 30/10 theo hình thức bài viết và ảnh chụp sách. Mỗi bài thi có dung lượng từ 800-1.500 chữ, kèm hình ảnh chụp cuốn sách, review về tác phẩm mà người dự thi yêu thích.
Thông qua viết review, cuộc thi khuyến khích người đọc chia sẻ nhiều hơn về những cuốn sách hay, đồng thời tạo ra sân chơi kết nối những người yêu thích đọc sách và đam mê viết lách.
Dù không thể tổ chức những buổi giao lưu ký tặng hàng trăm, thậm chí cả nghìn người tham dự, trong mùa dịch, tác giả và độc giả vẫn giữ sợi dây kết nối qua môi trường số.