Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lan tỏa thói quen đọc sách đến học sinh

Theo ông Phạm Quốc Hùng, việc đọc sách giúp học sinh củng cố kiến thức đã học, phát triển kỹ năng sống, năng lực cảm thụ và hình thành thói quen tự nghiên cứu.

Trong năm học 2020-2021, trường Tiểu học Cổ Tiết (huyện Tam Nông, Phú Thọ) đã xây dựng phong trào “Trao cuốn sách yêu thương”. Ý tưởng đến từ bạn học sinh lớp 5 Nguyễn Minh Ngọc (giải nhì cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020).

Minh Ngọc muốn thông qua từng trang sách nhỏ trong dự án này, truyền cảm hứng đọc và gửi gắm yêu thương đến mọi người.

Em cũng như những bạn học sinh đoạt giải cao trong cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, luôn dành tình yêu cho những cuốn sách và mong muốn lan tỏa điều đó tới bạn học trong trường.

Lan toa thoi quen doc sach anh 1

Nghiêm Trung Hoàng (giải nhất cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020). Ảnh: NVCC.

Khơi dậy hứng thú đọc sách

Theo ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc là hoạt động có ý nghĩa dành cho học sinh, sinh viên với mục đích khơi dậy hứng thú đọc sách của trẻ.

Ông Hùng cho rằng việc nắm bắt và tiếp nhận tri thức của mỗi con người cần được thực hiện từ nhỏ. Ngoài quá trình học tập trong sách giáo khoa, học sinh cần làm quen những nguồn tri thức khác.

“Đọc thêm nhiều sách góp phần thay đổi phương thức học tập, từ thụ động sang chủ động nắm bắt và làm chủ tri thức. Mục đích là để bảo đảm đầy đủ nguồn học liệu cho các em tham khảo ngoài giờ học trên lớp, giúp giá trị của sách được phát huy triệt để và phù hợp yêu cầu của chương trình giáo dục hiện nay”, ông Hùng nhấn mạnh.

Sau hai năm tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, ông Hùng nhận thấy việc đọc sách tham khảo nói riêng và tiếp cận sách nói chung, nếu thực hiện từ nhỏ, sẽ giúp học sinh trau dồi tri thức, góp phần hình thành nhân cách.

Theo đó, Nghiêm Trung Hoàng - người đoạt giải nhất cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 khi là học sinh lớp 5, trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh - cho rằng sách là công cụ hữu ích để mở mang kiến thức.

Trung Hoàng chia sẻ qua những cuốn sách, em có thể khám phá thêm nhiều điều lý thú: "Học sinh nếu chỉ học trong sách giáo khoa, sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều. Nếu sách giáo khoa là nền tảng, kiến thức từ việc đọc thêm sách sẽ giúp em vươn cao và xa hơn nữa trên hành trình học tập".

Trung Hoàng chia sẻ em thường đọc thêm các tác phẩm văn học như Tuổi thơ dữ dội, Dế mèn phiêu lưu ký, Harry Potter, Chiến binh cầu vồng hay Ông già và biển cả. Những trang sách đó giúp Hoàng dần trưởng thành, thêm thấu hiểu và biết yêu thương; đồng thời là cơ hội để phiêu lưu tới vùng đất mới lạ, tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo.

Nguyễn Minh Ngọc - học sinh khởi xướng và phát động ý tưởng “Trao cuốn sách yêu thương” trong trường học - cũng cho rằng sách là người thầy giúp trẻ khám phá điều kỳ diệu. Không chỉ vậy, việc đọc sách giúp ta có nhận thức đúng đắn, hành vi, thái độ chuẩn mực trong cuộc sống.

Theo Minh Ngọc, việc học tài liệu trong sách vở ở trường mới chỉ là “điều kiện cần nhưng chưa đủ” đối với mỗi học sinh. Để hiểu và thực hành từng bài học, ta cần nghiên cứu nhiều hơn nữa từ các cuốn sách khác nhau.

“Mới đây, em được cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn tìm hiểu về ‘Danh mục sách hỗ trợ cho việc dạy và học cấp tiểu học’. Qua tìm hiểu, em nhận thấy nếu có danh mục này, học sinh sẽ không còn lúng túng trong việc lựa chọn sách tham khảo. Điều đó giúp phát triển năng lực tự học của chúng em”, Minh Ngọc tâm sự.

Lan toa thoi quen doc sach anh 2

Nguyễn Minh Ngọc (giải nhì cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020). Ảnh: NVCC.

Những trang sách rèn kỹ năng sống

Là giáo viên của Nguyễn Minh Ngọc, đồng thời là người làm công tác thư viện tại trường Tiểu học Cổ Tiết (huyện Tam Nông, Phú Thọ), cô Nguyễn Thị Minh Chung nói việc đọc sách còn giúp học sinh giải trí sau những giờ học chính khóa.

Những trang sách về lối sống, câu chuyện nhân văn, hiểu biết xã hội vẫn luôn hấp dẫn với các em. Qua đó, học sinh có thể vừa học, vừa chơi, rèn những kỹ năng sống và được trải nghiệm.

“Từ những kiến thức trong sách giáo khoa, nhiều cuốn sách khác dạy học sinh cách ứng dụng thực tế theo hướng dễ hiểu, sinh động, từ đó củng cố kiến thức đã học trên lớp. Tôi nhận thấy học sinh luôn có niềm yêu thích đọc những trang sách có nội dung và hình ảnh sinh động, hấp dẫn, phù hợp lứa tuổi”, cô Minh Chung cho hay.

Đọc thêm nhiều sách góp phần thay đổi phương thức học tập, từ thụ động sang chủ động nắm bắt và làm chủ tri thức.

Ông Phạm Quốc Hùng

Giải nhì cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 cũng được trao cho bạn Phạm Phương Lâm (lớp 6A5, trường THCS Trọng Điểm, TP Hạ Long, Quảng Ninh). Phương Lâm cho biết sách giúp em thêm yêu con người và thiên nhiên hơn.

“Đọc một cuốn sách hay như trò chuyện với một người thông thái. Kiến thức trong sách giáo khoa là hữu hạn, nên nguồn kiến thức vô hạn chúng ta cần tìm hiểu thêm ở những tựa sách khác. Đó là chìa khóa hữu ích giúp cho học sinh, phụ huynh và giáo viên có định hướng trong việc chọn lựa sách”, Phương Lâm tâm sự.

Thí sinh đoạt giải nhì cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 cũng cho rằng chỉ cần những cuốn sách chúng ta đọc có nội dung theo sát chương trình dạy học trong trường thì hoàn toàn có thể tham khảo và học hỏi, để không bị bỡ ngỡ trước “biển kiến thức”.

“Những cuốn sách về tri thức, khám phá khoa học, câu chuyện về đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử đều có giá trị và bài học riêng, giúp chúng ta hình thành lối sống lành mạnh, tích cực”, Phương Lâm nói thêm.

Sách là niềm cảm hứng của 3 tác giả nhí

Nguyễn Khang Thịnh, Mina Phạm hay Cao Khải An là những cây bút nhí được nhiều độc giả biết đến trong thời gian gần đây.

Huế Trần

Bạn có thể quan tâm