Không chỉ có niềm đam mê với sách vở, học ngoại ngữ hay ăn nói lưu loát, nhiều bạn nhỏ trong thời gian qua còn chứng tỏ khả năng của mình thông qua việc ra mắt sách. Đặc biệt, những cuốn sách ấy nhận được sự ghi nhận của độc giả và giới văn chương.
Nguyễn Khang Thịnh (14 tuổi, Hà Nội) là tác giả nhỏ tuổi nhất đoạt giải Sách hay năm 2020 với cuốn truyện đầu tay Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy. Đây là giải thưởng độc lập được độc giả và các học giả bình chọn, do Viện giáo dục IRED, dự án Khuyến đọc sách hay và Sáng kiến OpenEdu tổ chức.
Trước đó, năm 2017, cậu bé nhận giải Potential Translator - dịch giả tiềm năng tại cuộc thi "Đi tìm Đại sứ văn học Ireland" và còn là cộng tác viên của nhiều báo dành cho thiếu niên, học trò.
Nguyễn Khang Thịnh cho biết trong gia đình có gần 1.000 cuốn sách với 4 giá sách ở mỗi phòng, trong đó chủ yếu là sách của cậu bé. Ảnh: NVCC. |
Mới đây, Nguyễn Khang Thịnh còn cho ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh Cẩm nang sinh tồn siêu cấp: Miền hoang dã đáng sợ và trường học (cũng chẳng tốt hơn là bao). Cây bút nhí tiếp tục giữ phong độ ổn định với lối viết gần gũi, cách xây dựng nhân vật hồn nhiên.
Để có được niềm cảm hứng viết sách, Nguyễn Khang Thịnh chia sẻ với Zing rằng cậu luôn giữ thói quen đọc sách mỗi ngày: “Đọc sách giúp em có thêm những kiến thức không có trong sách giáo khoa, đặc biệt là những hiểu biết về khoa học tự nhiên và xã hội”.
Việc đọc đối với Khang Thịnh bắt nguồn từ sự tò mò cá nhân và mong muốn hiểu biết thế giới xung quanh. Tác giả nhí cho rằng đó là những điều học sinh chưa thể tìm hiểu rõ trong việc học ở trường. Bên cạnh đó, những cuốn sách Khang Thịnh đọc giúp cậu tiếp thu kiến thức ở trường hiệu quả hơn và tìm được niềm hứng thú trong học tập.
“Em đọc những tựa sách mà bản thân cảm thấy thú vị, về những chủ đề em quan tâm. Chẳng hạn, đọc sách tranh phần lớn phục vụ cho mục đích giải trí, song vẫn giúp chúng ta tiếp thu được phần nào đó kiến thức”, Khang Thịnh nói.
Chia sẻ về sở thích đọc sách của mình, cây bút nhỏ tuổi này cho biết mình rất mê đọc những cuốn truyện hài như Nhật ký chú bé nhút nhát, Big Nate... Ngoài ra, những cuốn tiểu thuyết văn học như Ông già và biển cả, Khu vườn bí mật hay những cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh giúp cậu “nâng cao khả năng cảm thụ văn học, điều mà đến bây giờ sách Ngữ Văn vẫn chưa làm được nhiều”.
Ở thời điểm hiện tại, cậu bé còn có đam mê đọc sách triết học với mục đích chuẩn bị và củng cố cho nghề nghiệp tương lai.
Mina Phạm cho biết mình luôn là người chủ động trong việc chọn sách theo sở thích. Ảnh: NVCC. |
Cũng đam mê sách và nổi lên với tên gọi “thần đồng ngoại ngữ”, cô bé Mina Phạm (7 tuổi, Hà Nội) được biết đến với khả năng giao tiếp tốt cả ba ngôn ngữ Việt, Anh, Trung, và hỏi đáp cơ bản bằng tiếng Thái. Bí quyết học ngoại ngữ được cô bé chia sẻ trong cuốn Bí mật học ngoại ngữ của tớ - Bí quyết hạnh phúc khi tự học.
Tác giả nhí cho biết từ nhỏ đã có thói quen đọc sách truyện nên ngoài những cuốn sách học trên lớp thì em thường xuyên đọc các tựa sách khác về các chủ đề như khoa học, kỹ năng sống, sách của danh nhân…
“Nhờ đọc nhiều sách, em có thêm kiến thức bổ ích, khám phá những điều hay. Sách còn giúp em hiểu các bài học ở trên lớp tốt hơn. Việc đọc sách không bao giờ tạo áp lực cho em vì em luôn là người chủ động trong việc chọn sách theo sở thích của mình”, Mina Phạm tâm sự.
Tác giả 7 tuổi cho rằng khi đọc sách truyện, dù là nhiều chữ hay ít chữ, đều có hình ảnh minh hoạ. Điều đó khiến cuốn sách trở nên sinh động, phù hợp lứa tuổi thiếu nhi, trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn.
Tác phẩm Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm của tác giả nhí Cao Khải An. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Một cây bút nhỏ tuổi khác là Cao Khải An (12 tuổi, Cà Mau) được công nhận tài năng khi đoạt giải thưởng Dế mèn lần thứ nhất hạng mục Khát vọng Dế mèn năm 2020 (giải thưởng thường niên dành cho các tác phẩm sáng tác của thiếu nhi do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức) với cuốn sách Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm (gồm 9 truyện ngắn).
Độc giả có thể nhìn thấy ở đó khả năng sáng tạo từ những thứ giản dị, hồn nhiên nhất với những câu từ lí lắc nhưng lại rất đỗi mộc mạc.
Trả lời Zing, Cao Khải An cho biết bản thân thường đọc sách văn học của các tác giả nước ngoài vì đó là “gu” của em.
“Đọc sách giúp ích nhiều cho việc học của em. Em nghĩ khi một đứa trẻ đọc 10-20 cuốn sách thì ít nhiều sẽ có lợi thế cho việc học trong trường. Với em, sách còn giúp cải thiện vốn từ vựng, cách đặt câu, kết cấu các đoạn văn thành câu chuyện logic”, tác giả đoạt giải thưởng Dế mèn chia sẻ.