Trong tuần này, Tesla đã công bố báo cáo tác động môi trường năm 2022. Đây là lần đầu tiên họ tiết lộ lượng khí thải trong chuỗi cung ứng, đẩy tổng lượng khí thải carbon tăng vọt so với những năm trước.
Năm ngoái, gã khổng lồ xe điện chỉ tiết lộ mức độ ô nhiễm khí nhà kính từ các hoạt động trực tiếp và từ quá trình sạc xe của khách hàng. Khi đó, tổng lượng phát thải của Tesla tương đương với khoảng 2,5 triệu tấn carbon dioxide. Nhưng đó vẫn chưa phải bức tranh toàn cảnh, vì ô nhiễm chuỗi cung ứng, được coi là khí thải gián tiếp, mới là phần lớn trong tổng lượng khí thải của các công ty sản xuất.
30 triệu tấn khí thải gián tiếp
Năm nay, Tesla cuối cùng đã công bố dữ liệu về lượng khí thải trong chuỗi cung ứng trong năm 2022. Và chỉ riêng lượng này đã vào khoảng 30,7 triệu tấn carbon dioxide, gấp hơn 12 lần tổng phát thải được công bố năm ngoái.
Tesla trở thành một ví dụ cho thấy cần phải tính toán tất cả lượng khí thải trực tiếp và gián tiếp của một công ty. Đây cũng là vấn đề đang gây tranh cãi ở Mỹ giữa các tập đoàn và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC).
Phát thải gián tiếp trong chuỗi cung ứng chiếm phần lớn tổng lượng phát thải của Tesla. Ảnh: Reuters. |
Lượng khí thải carbon của một công ty thường được chia thành 3 nhóm hoặc 3 “phạm vi” chính. Phạm vi thứ nhất bao gồm lượng khí thải trực tiếp từ các nhà máy, văn phòng và phương tiện mà họ sử dụng. Phạm vi thứ hai bao gồm khí thải từ việc sử dụng điện, sưởi ấm và làm mát. Phạm vi thứ ba bao gồm tất cả các phát thải gián tiếp khác từ chuỗi cung ứng và vòng đời của sản phẩm mà công ty sản xuất ra. Trong phạm vi thứ ba, có 15 loại phát thải khác nhau.
Theo thông lệ, các công ty chỉ chia sẻ lượng khí thải thuộc phạm vi thứ nhất và thứ hai, làm cho lượng khí thải carbon trông có vẻ nhỏ hơn nhiều so với thực tế. Trong trường hợp Tesla, lượng phát thải ở 2 phạm vi này chỉ tăng khoảng 600.000 tấn CO2 vào năm 2022 so với năm trước đó, một con số gần như không thể so sánh với lượng phát thải ở phạm vi thứ ba.
Năm ngoái, SEC đã đề xuất các quy tắc bắt buộc tất cả công ty đại chúng phải chia sẻ lượng phát thải phạm vi thứ nhất và thứ hai. Tuy nhiên, SEC đã trì hoãn việc hoàn thiện quy tắc yêu cầu công khai lượng phát thải phạm vi thứ ba, theo kế hoạch là đưa ra vào tháng 10/2022. Gary Gensler, Chủ tịch SEC, cho biết có thể sẽ không bắt buộc tiết lộ phạm vi thứ ba nữa.
Tesla có thực sự sạch?
Từ trường hợp Tesla có thể thấy nếu không công bố lượng phát thải phạm vi thứ ba, con số phát thải có thể thấp hơn thực tế hàng chục lần. Công ty này cũng đã tụt hậu so với các nhà sản xuất ôtô khác trong việc chia sẻ chi tiết về lượng khí thải nhà kính.
Năm nay là lần đầu tiên Tesla công bố khí thải gián tiếp, do đó không rõ lượng khí thải này đã thay đổi như thế nào qua các năm. Ảnh: Reuters. |
Ví dụ, Ford đã đạt điểm “A” cho các tiết lộ về phát thải kể từ năm 2019, trong khi Tesla đạt điểm “F”, theo đánh giá của CDP, một tổ chức phi lợi nhuận đánh giá báo cáo môi trường của các công ty.
Dù vậy, lượng khí thải carbon của Ford lớn hơn nhiều so với Tesla, lên đến hơn 337 triệu tấn CO2 vào năm 2022, gần như tất cả đều là khí thải phạm vi thứ ba. Nguyên nhân là Ford đã bán số lượng xe gấp 3 lần so với Tesla vào năm 2022, và hầu hết xe của Ford đều dùng xăng. Dù vậy, qua báo cáo năm nay có thể thấy việc Tesla sản xuất xe điện không có nghĩa là ít tác động đến môi trường.
Hơn nữa, ô nhiễm của Tesla dường như đang gia tăng, cho dù trên truyền thông công ty cho biết mục đích là đạt được “năng lượng bền vững cho toàn bộ Trái Đất”.
Tổng lượng khí thải ở phạm vi thứ nhất và thứ hai của Tesla đã tăng gần 4% trong năm 2022, so với năm 2021. Không rõ lượng khí thải trong chuỗi cung ứng của Tesla đã thay đổi như thế nào, vì đây là lần đầu tiên hãng công bố.
Elon Musk: Tesla, SpaceX và sứ mệnh tìm kiếm một tương lai ngoài sức tưởng tượng
Tủ sách Công nghệ giới thiệu cuốn tiểu sử, kể câu chuyện cuộc đời của Elon Musk từ thời thơ ấu cho đến khi ông thực hiện Zip2, PayPal, rồi đến SpaceX, Tesla và SolarCity.