Trong vòng 5 năm trở lại đây, chưa thời điểm nào Việt Nam có nhiều cuộc thi hoa hậu như hiện tại. Các cuộc thi nở rộ vào giai đoạn giữa và cuối năm, khiến công chúng có cảm giác "bội thực". Sắp tới, hàng chục cô gái sẽ được trao vương miện, khoác lên người danh hiệu hoa hậu, á hậu.
Vì sao bùng nổ?
Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được ban hành cuối năm 2020 không giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm. Quy định trên tạo điều kiện cho các đơn vị tổ chức loạt cuộc thi, chỉ cần kêu gọi được nhà tài trợ.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng bùng nổ sân chơi sắc đẹp là khán giả Việt Nam dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực hoa hậu. Điều này giống các quốc gia khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, có thể kể đến Philippines, Thái Lan, Indonesia...
Dựa trên quan sát từ các cuộc thi quốc tế như Miss Universe, Miss World, Miss Grand International, Miss Earth hay Miss International, thí sinh Đông Nam Á luôn nhận được sự theo dõi sát sao, ủng hộ nồng nhiệt từ khán giả nước nhà. Các bài đăng, hình ảnh về ứng viên Philippines, Việt Nam, Thái Lan thường có lượt "like" và tương tác rất cao.
Các đại diện Việt Nam nhiều lần thắng giải bình chọn khi thi quốc tế. |
Trong các cuộc bình chọn để giành tấm vé vào thẳng top, nhiều đại diện Việt Nam từng may mắn chiến thắng. Đó là trường hợp của Đỗ Thị Hà (top 12 Miss World 2021), Kim Duyên (top 16 Miss Universe 2021), Khánh Vân (top 21 Miss Universe 2020), Phương Nga (top10 Miss Grand International 2018), Lan Khuê (top 11 Miss World 2015)...
Thậm chí, tại cuộc thi ở Mỹ cách đây hai năm, Khánh Vân được công bố là thí sinh sở hữu lượng vote cao nhất lịch sử Miss Universe.
Những thành tích này một lần nữa cho thấy khán giả Việt thuộc top đầu chuộng xem hoa hậu, dù chưa được gắn mác "đam mê" hay "cuồng tín" như người Philippines.
Có thể nói tại Việt Nam, thi hoa hậu là cánh cửa để dễ dàng bước chân vào showbiz. Hoa hậu, á hậu sau khi đăng quang đắt show không kém các ngôi sao, xuất hiện ở mọi sự kiện giải trí. Đặc biệt trong lĩnh vực thời trang, các người đẹp còn được ưu tiên diễn vedette hoặc mở màn. Không ít show của nhà thiết kế Việt, khán giả từng chứng kiến sự đổ bộ của dàn hoa hậu trên sàn catwalk, như một đặc quyền.
Những chuyện bi hài
Theo thống kê, từ bây giờ đến cuối năm, ít nhất trên 10 cuộc thi - bao gồm cả quy mô lớn, nhỏ - được tổ chức và trao giải. Đó là Miss World Vietnam 2022 (Hoa hậu Thế giới Việt Nam), Hoa hậu Việt Nam 2022, Miss Grand Vietnam 2022 (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam), Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2022, Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022, Miss Peace Vietnam 2022 (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam), Hoa hậu Du lịch Biển Việt Nam 2022, Miss Fitness Vietnam 2022 (Hoa hậu Thể thao Việt Nam)...
Chỉ cần lướt qua tên gọi các cuộc thi, dễ nhận thấy sự chồng chéo, khó phân biệt. Khán giả nhầm lẫn cũng là chuyện đương nhiên. Chưa kể, một trong những tình huống bi hài là hai cuộc thi Miss Grand Vietnam 2022 và Miss Peace Vietnam 2022 phát sinh kiện tụng vấn đề bản quyền. Khi dịch ra tiếng Việt, hai cuộc thi có tên giống nhau. Hiện mâu thuẫn chưa được giải quyết.
Nhiều khán giả khác lại đặt câu hỏi "Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 và Hoa hậu Việt Nam 2022 có gì khác nhau khi cùng tìm kiếm đại diện thi Miss World?".
Đây là hai cuộc thi đều do đơn vị Sen Vàng tổ chức. Bình thường, Hoa hậu Việt Nam diễn ra vào năm chẵn, còn Hoa hậu Thế giới Việt Nam thi vào năm lẻ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2021 bị dời sang năm nay, dẫn đến trùng lặp, rối rắm.
Xét về tiêu chí lựa chọn thí sinh, Hoa hậu Thế giới Việt Nam và Hoa hậu Việt Nam gần như tương đồng. Như vậy, khó tránh khỏi việc những cô gái chưa thành công tại cuộc thi này sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại cuộc còn lại. Chiêu mộ thí sinh mới để không gây nhàm chán mà vẫn đảm bảo chất lượng là bài toán khó với ban tổ chức.
Cuộc thi Miss World Vietnam 2022 đang diễn ra. Ảnh: BTC. |
Theo nhận định của những người hoạt động trong giới giải trí, sắp tới cuộc thi Miss Grand Vietnam 2022 và Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam sẽ có sự tham gia của không ít gương mặt cũ. Chưa kể, Miss Grand Vietnam diễn ra gấp rút trong một tháng (5-25/9) để kịp có đại diện đi thi. Sau chung kết, cô gái đăng quang chỉ có khoảng chục ngày để chuẩn bị hành trang lên đường đến Indonesia. Chính vì vậy, nhiều khả năng ban tổ chức sẽ chọn ứng viên kinh nghiệm, hội tụ đầy đủ kỹ năng cần thiết.
"Chỉ tính riêng những cuộc thi nổi bật, được khán giả quan tâm hiện nay, lịch trình gần như nối đuôi nhau. Do đó, khan hiếm thí sinh là điều khó tránh. Chắc chắn sẽ có trường hợp thí sinh 'chạy' từ cuộc thi này sang cuộc thi khác, bởi ai cũng khao khát chiến thắng, đạt danh hiệu", một người đẹp giấu tên chia sẻ.
Một ví dụ điển hình là tại Hoa hậu các dân tộc Việt Nam mới đây, thí sinh Huyền Trân từng có mặt trong top 45 của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 và Vân Đình thuộc top 64 Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022.
Ngô Bảo Ngọc, top 10 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, được cho là sẽ tiếp tục "chinh chiến" Miss Grand Vietnam để giành cơ hội đi thi quốc tế.
Cái gì nhiều quá cũng không tốt
"Việt Nam quá tải hoa hậu", "bội thực hoa hậu"... là những chủ đề khiến dư luận tranh cãi thời gian qua. Một bộ phận khán giả cho rằng các quốc gia như Philippines, Thái Lan cũng có rất nhiều cuộc thi hàng năm và chuyện thí sinh thi lại là bình thường. Khán giả lấy ví dụ người đẹp Catriona Gray từng thất bại tại Miss World trước khi đoạt vương miện Miss Universe 2018.
Theo những ý kiến này, tình trạng ồ ạt sẽ không kéo dài bởi các cuộc thi kém chất lượng tất yếu bị đào thải. Khán giả cũng không dễ tính để công nhận danh hiệu "hoa hậu", "á hậu" một cách đại trà.
Chia sẻ với Zing, người mẫu Vũ Thu Phương, giám khảo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, cho rằng hàng chục cuộc thi trong một năm là quá tải, khó đảm bảo chất lượng thí sinh.
Tuy vậy, Vũ Thu Phương nhận định điểm tích cực khi tổ chức các cuộc thi hoa hậu là giúp thúc đẩy du lịch trong nước, quảng bá văn hóa, kéo theo sự phát triển của những ngành nghề khác.
"Nếu nhìn theo hướng tích cực, ngành công nghiệp sắc đẹp tại Việt Nam bắt đầu hình thành. Những lĩnh vực khác cũng phát triển theo. Nhiều sân chơi giúp tạo cơ hội cho thí sinh rèn giũa để hoàn thiện trước khi thi quốc tế. Theo tôi, đó là những điểm tốt", Vũ Thu Phương nói.
Giám khảo Miss Universe Vietnam chia sẻ thêm: "Nhưng đúng là cái gì nhiều quá cũng không tốt. Số lượng vừa phải thì chất lượng ứng viên sẽ được đảm bảo hơn, các em có thời gian để 'chín' cả về vẻ ngoài lẫn kỹ năng. Với hàng chục cuộc thi hiện nay, tôi nghĩ không đủ thí sinh. Nhưng chúng ta cũng không cần quá lo lắng. Ở góc nhìn của tôi, các cuộc thi có sự phân tầng rõ ràng và khán giả có sự chọn lọc. Nhiều cuộc thi không có nghĩa tất cả đều được quan tâm, theo dõi".
Đồng quan điểm với Vũ Thu Phương, Ngọc Anh - top 10 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, hiện làm việc trong lĩnh vực thời trang - cho biết bản thân cô không thể nhớ tên tất cả cuộc thi được tổ chức năm nay.
Theo Ngọc Anh, vấn đề khan hiếm thí sinh có cả mặt tốt và xấu.
"Theo tôi, tiêu chí của các cuộc thi sẽ được nới lỏng, không còn khắt khe như trước, đồng nghĩa cơ hội nhiều hơn. Những thí sinh chưa làm tốt ở cuộc thi này có thể sửa sai, thay đổi, hoàn thiện ở cuộc thi tiếp theo. Việc cạnh tranh, đấu tố giữa các ứng viên có lẽ cũng giảm bớt. Nhưng mặt trái là khi dễ dàng đăng ký tham gia nhiều sân chơi, thí sinh sẽ có tâm lý hời hợt, không quyết liệt. Và việc một gương mặt xuất hiện quá nhiều đương nhiên sẽ gây nhàm chán cho khán giả. Người xem không hào hứng mong chờ như trước", cô nói.
Từ góc nhìn của Ngọc Anh, các cuộc thi sắc đẹp góp phần quảng bá hình ảnh con người và đất nước Việt Nam. Sau đăng quang, các hoa hậu thường hướng đến hoạt động cộng đồng, thiện nguyện. Do đó, càng nhiều hoa hậu, những thông điệp tích cực càng được lan tỏa rộng. Tuy nhiên, khi quá nhiều cuộc thi ra đời, công chúng sẽ hoài nghi đâu là giá trị thật và đâu là giá trị ảo.
"Trước đây từng có những cuộc thi chui diễn ra nhằm mục đích mua bán, trao đổi quyền lợi giữa BTC và hoa hậu, khiến khán giả mất niềm tin vào danh hiệu. Nhưng theo thời gian, cuộc thi nào uy tín sẽ có sức sống lâu bền, còn cuộc thi ít giá trị cũng tự động biến mất"