Theo bài viết trên Angelopedia, vào thập niên 1970 và 1980, những người đẹp tóc vàng đến từ châu Âu thống trị đấu trường nhan sắc. Từ cuối thập niên 1990 cho đến đầu những năm 2000, giới mộ điệu chứng kiến sự trỗi dậy của dàn ứng viên Mỹ Latin. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, các người đẹp châu Á, cụ thể là Đông Nam Á, trở thành một thế lực mới.
Thí sinh châu Á được khán giả ủng hộ nồng nhiệt
Những người đẹp đến từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam... luôn được khán giả nước nhà cổ vũ nhiệt tình khi "chinh chiến" quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua các bài viết, bình luận trên fanpage từng cuộc thi hay những diễn đàn (chẳng hạn Missosology). Hầu hết hình ảnh của thí sinh Đông Nam Á luôn có lượt like và tương tác rất cao.
Đồng thời, họ cũng thường dẫn đầu hoặc xếp thứ hạng cao trong các cuộc bình chọn (vote) thuộc khuôn khổ Miss World, Miss Universe hay Miss Grand International.
Trong một thập kỷ qua, giới mộ điệu nhiều lần nức lòng với sự lên ngôi của các người đẹp châu Á.
Các người đẹp khu vực Đông Nam Á chiến thắng ở đấu trường quốc tế. |
Đó là Megan Young (Philippines - Miss World 2013), Pia Alonso Wurtzbach (Philippines - Miss Universe 2015), Catriona Elisa Magnayon Gray (Philippines - Miss Universe 2018), Jamie Herrell (Philippines - Miss Earth 2014), Angelia Ong (Philippines - Miss Earth 2015), Karen Ibasco (Philippines - Miss Earth 2017), Phương Khánh (Việt Nam - Miss Earth 2018), Kylie Verzosa (Philippines - Miss International 2016), Kevin Lilliana (Indonesia - Miss International 2017), Sireethorn Leearamwat (Thái Lan - Miss International 2019), Ariska Putri Pertiwi (Indonesia - Miss Grand International 2016), Anntonia Porsild (Thái Lan - Miss Supranational 2019).
Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Việt Nam) hiện là đương kim Miss Grand International.
Nhìn vào danh sách này, không khó để nhận ra "cường quốc sắc đẹp" của khu vực Đông Nam Á chính là Philippines. Họ nổi tiếng với các lò đào tạo hoa hậu, vốn được cho là chìa khóa dẫn đến thành công. Catriona Gray hay Pia Wurtzbach đều được huấn luyện ở trung tâm trước khi chiến thắng vương miện.
Niềm đam mê của người Philippines
Trong bài viết trên trang Philstarlife, tác giả miêu tả người Philippines có niềm đam mê mãnh liệt với cuộc thi hoa hậu. Thậm chí có thể gọi họ là những người cuồng tín.
"Bất cứ khi nào có một cuộc thi diễn ra, cả đất nước dường như hít thở và sống trong bầu không khí của Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái Đất... Không nghi ngờ gì nữa, đó là một bầu không khí rất náo nhiệt", Philstarlife nhận định.
Nhà thiết kế Eric Pineda cho rằng sự yêu thích đã ăn sâu vào tâm trí người Philippines. Theo quan sát của nhà thiết kế Noel Crisostomo, từ các cuộc thi quy mô trường học, cuộc thi được tổ chức ở các bang hẻo lánh cho đến các sân chơi cấp quốc gia và được phát sóng trực tiếp trên tivi, người dân Philippines dường như không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi theo dõi.
"Niềm đam mê này, tôi nghĩ đã được chứng thực từ những năm 1960 và 1970 khi các người đẹp Gemma Cruz, Gloria Diaz, Aurora Pijuan và Margie Moran giành được vương miện", Noel Crisostomo nói.
Philippines được mệnh danh là cường quốc hoa hậu của châu Á. |
Giới chuyên môn Philippines nhận định trước đây những phụ nữ thi hoa hậu thường có nền tảng tốt. Họ coi việc đi thi như một nghi thức trước khi kết hôn, vun vén gia đình. Còn ngày nay các cuộc thi hoa hậu là bước đệm để thay đổi cuộc sống, mở ra cánh cửa sự nghiệp, cơ hội tốt. Những cô gái xuất thân từ vùng quê hẻo lánh nhất cũng đến Manila và thử vận may, chỉ cần có chiều cao, ngoại hình đẹp và học vấn khá.
"Thông qua truyền hình và Internet, hầu hết cô gái đều dễ dàng tiếp cận các cuộc thi. Nhiều người mơ về danh hiệu với suy nghĩ mang niềm tự hào đến cho gia đình, cộng đồng. Và hơn hết nó mở ra cánh cửa cho sự nghiệp tương lai, đặc biệt là trong giới showbiz, truyền thông và chính trị", Noel nhận xét.
Như một lẽ tất yếu, thị trường hoa hậu sôi động đã góp phần "khai sinh" nghề đào tạo. Các ứng viên ôm khao khát chiến thắng đều phải tìm đến những trung tâm huấn luyện để được hướng dẫn về phong cách, catwalk, vẻ đẹp, kỹ năng ứng xử, thuyết trình... Theo cách nói phổ biến, các cô gái được đào tạo để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Theo bài viết trên Bangkok Post, trước khi Manila nở rộ trung tâm đào tạo, các ứng viên thi Miss Universe và Miss World của Philippines thường được gửi đến lò luyện hoa hậu tại Venezuela hoặc Colombia. Đối với quốc gia mà 21% dân số sống với mức dưới 2 USD mỗi ngày, đây là khoản chi phí không nhỏ.
Philippines hiện có rất nhiều trung tâm, trong đó hai cái tên hàng đầu được nhắc đến là Aces & Queens và Kagandahang Flores, theo Philstar.
Kagandahang Flores có tuổi đời lâu năm, được thành lập từ 1996 với khẩu hiệu "vì vương miện, vì đất nước". Mỗi năm, khoảng 200 học viên đăng ký tham gia. Chương trình đào tạo diễn ra 6 ngày/tuần và các buổi học thường kéo dài đến nửa đêm.
Tại đây, các cô gái được dạy trang điểm, catwalk, tạo dáng, rèn luyện thể chất, tập gym. Bên cạnh đó là những bài học về trả lời phỏng vấn. Huấn luyện viên sẽ đưa ra những tình huống thi giả và yêu cầu ứng viên trả lời ngắn gọn, cô đọng về một số chủ đề như hòa bình thế giới, bình đẳng.
Chuyên gia Flores trả lời phỏng vấn với AFP: "Các trung tâm ra đời nhằm nâng cao trình độ đào tạo hoa hậu, biến Philippines thành một cường quốc sắc đẹp".
Nhiều nhà tài trợ đầu tư vào ngành công nghiệp sắc đẹp Philippines để trang trải chi phí đào tạo cho các ứng viên tiềm năng. Họ tuyển chọn ứng viên từ những cuộc thi cấp tỉnh và tin rằng cô gái ấy sẽ trở thành nhà vô địch.
Arnold Mercado, quản lý và huấn luyện viên phát triển nhân cách của trung tâm Aces & Queens, cho biết: "Chúng tôi không kiếm được gì, nhưng chúng tôi làm điều này vì niềm đam mê".
Mercado bỏ công việc kỹ sư cho một công ty dầu khí sau 28 năm để tập trung toàn thời gian cho việc huấn luyện thí sinh. Pia Wurtzbach và Catriona Gray nằm trong số những người đẹp từng được Mercado cố vấn.
"Chúng tôi thật may mắn khi được làm việc cùng đội ngũ tuyệt vời. Họ là những người sẵn sàng nâng bạn lên", Gray chia sẻ trong một lần phỏng vấn.
Hình ảnh tại một trung tâm đào tạo hoa hậu Philippines. Ảnh: AFP. |
Mặt trái
Ngành công nghiệp sắc đẹp ngày càng phát triển giúp Philippines thăng hạng trên “đấu trường” quốc tế, song đồng thời cũng nảy sinh những mặt trái. Theo Philstarlife, một trong số đó là góc khuất hậu trường với những cạnh tranh, trò chơi xấu, hạ bệ đối thủ. Các trung tâm đào tạo cũng mâu thuẫn trong quá trình chiêu mộ, lôi kéo học viên. Chưa kể không ai dám chắc tất cả cô gái sau khi được đưa lên đỉnh vinh quang vẫn giữ được hình ảnh đẹp và dùng sức ảnh hưởng của mình để hoạt động vì mục đích tích cực.
Nhà thiết kế Noel Crisostomo chia sẻ: “Niềm đam mê của người Philippines đối với các cuộc thi hoa hậu chắc hẳn đã giúp các nữ hoàng sắc đẹp của chúng tôi tự tin hơn khi thi đấu ở nước ngoài. Nhưng vì mạng xã hội, khía cạnh xấu của người Philippines cũng bị phơi bày. Cái tôi tập thể bị thổi phồng khi chúng tôi được mệnh danh là cường quốc hoa hậu. Đáng buồn là chúng tôi không chỉ đụng độ với khán giả từ những nước khác. Trên mạng xã hội, người Philippines tranh cãi tay đôi với nhau cùng nhiều lời lẽ rất khó nghe”.