Sự lo âu khởi phát từ những tin nhắn do Israel gửi đến các đài phát thanh và một số điện thoại di động ở Beirut vào sáng 23/9 nhằm cảnh báo về chiến sự sắp xảy ra.
“Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ tiến hành các hoạt động nhắm vào một số căn cứ quân sự”, một giọng nói tự động phát đi thông điệp. “IDF không muốn thường dân bị thương nên ai đang ở trong tòa nhà do Hezbollah sử dụng thì nên di chuyển ngay”.
Tin nhắn cảnh báo nhanh chóng đánh động khắp thủ đô Beirut và các vùng ngoại ô phía nam do Hezbollah chiếm đóng.
Người dân lũ lượt kéo nhau đi
Đến chiều 23/9, theo giờ địa phương, nhiều hàng xe nối đuôi nhau ra khỏi các trạm xăng và hoà vào dòng người tìm kiếm nơi tị nạn ở những vùng núi phía bắc Lebanon.
Các cửa hàng tạp hoá gần như cháy hàng nhu yếu phẩm khi nước uống, gạo và dầu được chất đầy lên các phương tiện của dòng người tị nạn. Không khí bất ổn bao trùm.
Người dân Beirut đổ xô đi chuẩn bị nhu yếu phẩm đề phòng chiến sự nổ ra. Ảnh: New York Times. |
Trong khi đó, tin tức liên tục cập nhật chi tiết về hơn 1.000 cuộc không kích của Israel nhắm vào miền Nam Lebanon. Sau nhiều thập kỷ xung đột, nhiều người dân cảm thấy mệt mỏi và đoán biết được viễn cảnh sắp xảy ra.
“Đây là chiến tranh rồi”, Daher Amdi (34 tuổi), nói với New York Times khi đang ngồi rít một hơi thuốc chậm rãi trong quán cafe vắng tanh.
Trong bối cảnh Israel đẩy mạnh các cuộc không kích vào Hezbollah, viễn cảnh xung đột leo thang bao trùm Beirut đột nhiên trở thành hiện thực.
Đợt không kích hôm 23/9 là chiến dịch đẫm máu nhất tính trong 24 giờ từng diễn ra tại Lebanon từ năm 2006 với hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị thương, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Lebanon.
Cả Israel lẫn Hezbollah đều tuyên bố sẽ đẩy mạnh các hoạt động quân sự. Điều này khiến nhiều cư dân như ông Amdi lo ngại Beirut sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến toàn diện.
"Cái chết đang cận kề"
Cuối ngày 23/9, Bộ Giáo dục Lebanon đã ban hành lệnh đóng cửa một số trường học với lý do “tình hình an ninh và quân sự” có thể gây nguy hiểm cho học sinh.
Tại Trung tâm Thương mại Thành phố ngay bên ngoài Dahiya (phía nam Beirut), bà Mirna (38 tuổi) và cậu con trai 14 tuổi đẩy hai xe hàng lớn chất đầy những túi gạo, đường và đậu lăng để chuẩn bị cho viễn cảnh chiến sự nổ ra.
Bà Mirna nói rằng phần lớn hàng xóm của bà đã rời đi để đến các khu vực khác trong thành phố hoặc di chuyển lên phía bắc để nương náu.
Trước đó, vào ngày 20/9, Dahiya đã rung chuyển bởi một vụ nổ khiến một số chỉ huy cấp cao Hezbollah thiệt mạng.
“Tôi đã nói với chồng rằng cần đi ngay, chắc chắn phải rời đi sớm thôi”, bà Mirna nói.
Các trạm xăng chật kín phương tiện ở Beirut, phản ánh hình ảnh những đoàn xe nối đuôi nhau tìm nơi tị nạn. Ảnh: New York Times. |
Gần đó, bà Lama Abdul Sater và con gái Manesa Tarshishi (10 tuổi) có mặt tại một cửa hàng đồng hồ trong trung tâm thương mại, thủ sẵn một túi lớn sau quầy hàng, có chứa ví và hộ chiếu của hai mẹ con.
Trước khi bà Sater cùng con gái đi làm, chồng bà đã khuyên hai mẹ con nên đem theo hộ chiếu và ví phòng trường hợp cả hai phải sơ tán khẩn cấp khỏi thành phố.
Chồng bà Sater còn dặn rằng nếu xảy ra một đợt ném bom dữ dội đến nỗi hai mẹ con không thể rời đi thì hãy cứ ở lại trung tâm thương mại vì ông cho rằng ở đó sẽ an toàn hơn.
“Cái chết đang cận kề và tôi cho rằng nó đang đến rất gần rồi”, bà Sater nói thì thào để Manesa không nghe thấy.
Tuy đoan chắc rằng chiến tranh sẽ nổ ra, bà Sater phân vân liệu rời đi hay ở lại sẽ an toàn hơn. Bà cũng không biết nếu rời khỏi thành phố thì sẽ đi đâu.
“Tôi không chắc sẽ có thể đưa ra quyết định đúng đắn, tôi không chắc về điều gì cả”, bà Sater nói.
Nhân viên cứu hộ đang trợ giúp một thường dân bị cuốn vào cuộc không kích hôm 23/9 ở Lebanon. Ảnh: New York Times. |
Nhiều cư dân khác ở Dahiya cũng đối mặt với những lựa chọn khó khăn như bà Sater.
Ngay cả trước khi xảy ra các cuộc giao tranh gần đây, Lebanon đã chìm sâu trong tình trạng hỗn loạn sau cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế kéo dài nhiều năm bắt đầu vào năm 2019.
Thời điểm đó, nền kinh tế khủng hoảng sâu sắc đã kéo theo sự sụp đổ của chính phủ. Chính quyền lâm thời hiện tại của Lebanon đã không thể cung cấp các dịch vụ cơ bản nhất kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2020.
Trong bối cảnh đó, người dân Lebanon không muốn dính líu vào bất kỳ cuộc chiến lớn nào nữa.
Khoảng 18h30 ngày 23/9 (giờ địa phương), nỗi lo của người dân Lebanon đã thành hiện thực. Truyền hình đưa tin về một đợt không kích mới, mục tiêu bị nhắm tới lần này là thủ đô Beirut.