Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

492 người chết trong ngày trúng đòn không kích thảm khốc ở Lebanon

Ít nhất 492 người thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel trong ngày ghi nhận số thương vong lớn nhất tại Lebanon kể từ cuộc nội chiến 1975-1990.

Cư dân ở Beirut cố gắng đổ đầy bình xăng để rời thành phố. Ảnh: New York Times.

Israel cho biết quân đội nước này đã tấn công 1.300 mục tiêu trong cuộc xung đột leo thang với Hezbollah, khi hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

Ngày khốc liệt

Bộ y tế Lebanon hôm 23/9 cho biết ít nhất 492 người thiệt mạng và 1.645 người bị thương, sau một loạt các cuộc không kích của Israel vào các mục tiêu được cho là của Hezbollah khiến nước này ghi nhận số người chết trong một ngày cao nhất kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến 1975-1990.

Hàng chục nghìn người đã chạy trốn khỏi các thị trấn và làng mạc ở phía nam Lebanon dọc theo con đường chính hướng tới thủ đô Beirut, trong đợt pháo kích dữ dội nhất của Israel trong gần một năm xảy ra các cuộc đụng độ xuyên biên giới, khi tiếng còi báo động cũng vang lên ở thành phố Haifa, phía bắc Israel.

Bộ y tế Lebanon xác nhận trong số những người thiệt mạng có 35 trẻ em và 58 phụ nữ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng quân đội nước này đang thay đổi "cân bằng an ninh" dọc theo biên giới phía bắc của nước này. “Tôi đã cam kết rằng chúng ta sẽ thay đổi cán cân an ninh, cán cân quyền lực ở phía bắc Israel - và đó chính xác là những gì chúng ta đang làm”, thủ tướng Israel phát biểu tại một cuộc họp an ninh vào ngày 23/9.

Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi, tuyên bố quân đội Israel đang chuẩn bị cho “các giai đoạn tiếp theo” ở Lebanon và ông sẽ giải thích thêm sau.

“Về cơ bản, chúng tôi đang nhắm vào cơ sở hạ tầng chiến đấu mà Hezbollah đã xây dựng trong 20 năm qua. Điều này rất quan trọng”, ông nói.

Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết đã tấn công hơn 1.300 mục tiêu của Hezbollah trong 24 giờ trước, trong cuộc tấn công lớn nhất vào nhóm chiến binh này kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái, khi Hezbollah bắt đầu các cuộc tấn công vào Israel để hỗ trợ Hamas.

Israel cũng thực hiện các cuộc không kích vào thung lũng Beqaa và cuộc không kích thứ hai vào Beirut trong một tuần.

Truyền thông Israel đưa tin mục tiêu của cuộc tấn công là Ali Karaki, chỉ huy quân sự số ba của Hezbollah, mặc dù nhóm này cho biết ông đang ở một địa điểm an toàn và không bị thương trong cuộc tấn công.

Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Israel thông báo khoảng 35 quả rocket đã được bắn từ Lebanon về phía khu vực Safed của Israel, một số quả rơi xuống các khu vực trống trải gần cộng đồng Ami'ad.

Israel anh 1

Người đàn ông phải rời bỏ nhà cửa ở miền Nam Lebanon tới Beirut. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, người sẽ phát biểu tại cuộc tranh luận chính của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York vào ngày 24/9, cho biết ông đang nỗ lực xoa dịu tình hình.

"Tôi đã được thông báo về những diễn biến mới nhất ở Israel và Lebanon. Đội ngũ của tôi liên tục liên lạc với các đối tác và chúng tôi đang nỗ lực để hạ nhiệt tình hình", ông cho biết khi hội đàm với Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan tại Nhà Trắng.

Trước đó trong ngày, qua cuộc gọi điện thoại, IDF đã cảnh báo người dân Lebanon ở Beirut và các khu vực khác, yêu cầu họ sơ tán khỏi nơi cư trú và tránh xa bất kỳ tòa nhà nào có khí tài của Hezbollah.

"Các hành động sẽ tiếp tục cho đến khi chúng tôi đạt được mục tiêu đưa người dân miền Bắc (Israel) trở về nhà an toàn", Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết trong một đoạn video do văn phòng của ông công bố. Tuyên bố này được cho là châm ngòi một cuộc xung đột kéo dài khi Hezbollah khẳng định sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi có lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Không kích nối tiếp không kích

Israel anh 2

Cảnh tượng ở Beirut, Lebanon, hôm 21/9, sau cuộc không kích của Israel. Ảnh: New York Times.

Các con đường dẫn ra khỏi miền Nam Lebanon đã bị tắc nghẽn giao thông khi mọi người chạy trốn khỏi cuộc ném bom liên tục, khi ngay cả những khu vực được coi là vùng an toàn cho những người phải di dời kể từ năm ngoái đột nhiên cũng nằm trong tầm ngắm của quân đội Israel.

"Các cuộc không kích đã vươn tới chỗ chúng tôi, ở ngoại ô (Tyre). Có một cuộc không kích chỉ cách trung tâm (di dời) 100 m", Bilal Kashmar, một điều phối viên tại trung tâm di dời ở thành phố phía nam cho biết. Ông gửi một đoạn video về cột khói bốc lên ngay bên kia đường từ nơi trú ẩn có hàng trăm gia đình.

"Những người phải di dời đã ngừng đến với chúng tôi, những người muốn chạy trốn đã rời khỏi miền Nam hoàn toàn", ông Kashmar cho biết.

Tyre đã tiếp nhận hàng nghìn người phải di dời do giao tranh, vì phần lớn này thành phố này tránh được các cuộc không kích cho đến nay. Trước cuộc giao tranh hôm 23/9, hơn 110.000 người đã phải di dời khỏi miền Nam Lebanon. "Các cuộc không kích không dừng lại, không kích nối tiếp không kích. Mọi người đều sợ hãi", Hassan Dabouk, người đứng đầu liên minh các thành phố của Tyre cho biết.

Trên mạng xã hội lan truyền các video về những tòa nhà đổ sập và bom rơi từ trên trời xuống cùng những vụ nổ sau đó khiến chính những người quay quay lại cảnh tượng đó cũng run rẩy tay chân. Trong một video, một tài xế quay cảnh khói bốc lên nghi ngút trên con đường phía trước họ sau một cuộc không kích. "Dừng lại, dừng lại, dừng lại!", một trong những hành khách hét lên khi video bị cắt.

"Một điều quan trọng cần lưu ý là đường phố không an toàn", Dabouk cho biết. "Có tiếng bom từ nơi chúng tôi đang ở (tại Tyre) cho đến Saida. Mọi người cần phải suy nghĩ trước khi rời đi trong tình huống này".

Những người có gia đình và bạn bè rời khỏi miền Nam Lebanon đang kêu gọi trên mạng xem có ai có bất kỳ căn hộ hoặc phòng trống nào có thể tiếp đón người thân của họ. Một số sáng kiến ​​tự nguyện nhằm trợ giúp nhà ở đã xuất hiện, trong đó các cá nhân tập hợp các cuộc gọi để tìm phòng trống và các nhà trọ cung cấp mức giá ưu đãi cho những người phải di dời.

"Chúng tôi đang thu thập số liệu từ những người có mối quan hệ ở các khu vực an toàn, ở các khu vực của người Druze và Cơ đốc giáo", Faten Jebai, một nhà báo đến từ miền Nam Lebanon cho biết.

Jebai đã kêu gọi những người không có nơi ở hãy liên hệ với cô, vì cô và những tình nguyện viên khác đang cố gắng kết nối những người phải di dời với những người sẽ mở cửa nhà hoặc cho thuê với giá thấp.

"Hơn 80 thành viên trong gia đình tôi đang rời khỏi miền Nam, vì vậy tôi đang tìm kiếm họ cũng như bạn bè của tôi và bạn bè của gia đình", Jebai nói thêm.

Cơ quan gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Lebanon (Unifil) đã yêu cầu nhân viên dân sự của mình di dời từ miền Nam Lebanon lên phía Bắc, như một "biện pháp phòng ngừa" khi giao tranh ở miền Nam Lebanon leo thang hôm 23/9. Lực lượng gìn giữ hòa bình và nhân viên quan trọng của Liên Hợp Quốc sẽ vẫn ở lại miền Nam.

Lực lượng gìn giữ hòa bình ra tuyên bố này bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc về sự an toàn của thường dân ở miền Nam Lebanon trong bối cảnh chiến dịch ném bom dữ dội nhất của Israel kể từ tháng 10 năm ngoái" và kêu gọi giảm leo thang.

"Bất kỳ sự leo thang nào nữa của tình hình nguy hiểm này đều có thể gây ra hậu quả tàn khốc và sâu rộng, không chỉ đối với những người sống ở cả hai bên đường ranh giới xanh mà còn đối với toàn bộ khu vực", tuyên bố viết.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...

Hạnh Lam

Bạn có thể quan tâm