Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Vì sao Israel mở đợt tấn công lớn ở Lebanon

Các cuộc không kích ngày càng dữ dội của Israel cho thấy ý đồ chặn đứng các cuộc tấn công xuyên biên giới của Hezbollah - mục tiêu được giới chuyên gia đánh giá là hết sức xa vời.

Israel không kích Hezbollah dữ dội Bộ Y tế Lebanon ngày 23/9 cho biết ít nhất 492 người thiệt mạng và 1.645 người bị thương sau làn sóng không kích mới của Israel nhắm vào 1.300 mục tiêu của Hezbollah.

Các cuộc không kích chết người và cảnh báo sơ tán của Israel tại Lebanon hôm 23/9 cho thấy quyết tâm phá vỡ sự kiên định của Hezbollah và buộc lực lượng kiểm soát hàng chục ngôi làng trên khắp miền Nam Lebanon này phải ngừng các cuộc tấn công xuyên biên giới vào Israel, theo New York Times.

Các động thái này cũng cho thấy Israel còn lâu mới đạt được mục tiêu đó - và cả hai bên đều đang tiến gần đến một cuộc chiến tranh toàn diện như thế nào.

Các quan chức Israel đã hy vọng rằng bằng cách mở rộng các cuộc tấn công trong tuần qua - tấn công các công cụ liên lạc của Hezbollah và tiêu diệt một số chỉ huy chủ chốt cũng như thường dân Lebanon - họ sẽ khiến nhóm này mất bình tĩnh và rút khỏi biên giới Israel-Lebanon. Phía Israel cho rằng nếu họ tăng cường chiến dịch nhắm vào Hezbollah, các nhà ngoại giao nước ngoài, như Amos Hochstein, một đặc phái viên cấp cao của Mỹ, sẽ dễ dàng hơn trong việc khiến Hezbollah rút lui.

Hezbollah anh 1

Lễ tang của một chỉ huy Hezbollah tại Beirut hôm 22/9. Ảnh: New York Times.

Thế nhưng, thực tế cho thấy một bức tranh trái ngược với ý đồ đó. Bất chấp nhiều ngày bị Israel tấn công dữ dội, Hezbollah tuyên bố không khuất phục.

Các nhà lãnh đạo của lực lượng này cho biết họ sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi Israel và Hamas, đồng minh của Hezbollah, nhất trí ngừng bắn ở Gaza. Và vào sáng 22/9, Hezbollah đã bắn hàng chục tên lửa vào các mục tiêu cách Israel khoảng 48 km, đánh dấu cuộc tấn công tiến sâu nhất của Hezbollah kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 10/2023. Một trong những quan chức cấp cao của lực lượng này cảnh báo rằng đó "chỉ là khởi đầu".

Thủ lĩnh của Hezbollah Hassan Nasrallah thậm chí còn thách thức Israel đổ bộ miền Nam Lebanon.

Điều đó dường như khó có khả năng xảy ra, ngay cả khi Israel tăng cường các cuộc tấn công hôm 23/9 và cảnh báo người dân sơ tán khỏi các ngôi làng mà họ cho là Hezbollah đang cất giữ vũ khí. Người phát ngôn quân sự của Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, cho biết trọng tâm hiện tại là một chiến dịch trên không, chứ không phải là một hoạt động trên bộ.

Nhưng nếu Israel không có các hình thức gây áp lực quân sự khác, thì một cuộc đổ bộ sẽ là một trong số ít các lựa chọn quân sự còn lại cho giới lãnh đạo nước này, theo New York Times.

Tuy nhiên, quân đội Israel đang khá căng thẳng - khi vẫn đang chiến đấu ở Gaza trong khi cũng tăng cường các hoạt động ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng, nơi họ thường xuyên tiến hành các cuộc đột kích vào các thành phố của Palestine.

Hezbollah anh 2

Cảnh tượng ở Beirut, Lebanon, hôm 21/9, sau cuộc không kích của Israel. Ảnh: New York Times.

Các chuyên gia phân tích quân sự đã tranh luận về tính khả thi của nỗ lực của Israel nhằm giải quyết ba cuộc xung đột trên bộ cùng một lúc, đặc biệt là khi xét đến những thách thức với cuộc đổ bộ Lebanon.

Sau 11 tháng giao tranh, quân đội Israel vẫn chưa đánh bại hoàn toàn Hamas ở Gaza. Và Hezbollah kiểm soát một khu vực rộng lớn và nhiều đồi núi hơn Hamas ở Gaza. Hezbollah cũng thường được xem là có quân đội được huấn luyện tốt hơn Hamas, ngoài ra còn có các công sự tinh vi hơn.

Để đổ bộ Lebanon, quân đội Israel rất có thể sẽ cần phải triệu tập hàng nghìn quân dự bị - nhiều người trong số họ đã mệt mỏi vì phục vụ ở Gaza trong năm qua.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...

Hạnh Lam

Bạn có thể quan tâm