Covid-19 khiến khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam ngưng trệ gần như hoàn toàn. Thay vì các đường bay quốc tế thường lệ, các hãng phải chuyển sang bay giải cứu công dân và bay bán chuyến (charter), tuy nhiên, nguồn thu vẫn không thể so sánh với trước dịch.
Theo số liệu từ Cục Hàng không, trong 10 tháng đầu 2020, lượng khách quốc tế của hàng không Việt chỉ đạt 7,1 triệu lượt khách, giảm 79,4% so với cùng kỳ năm 2019. Phần lớn số khách này cũng di chuyển trong giai đoạn 2 tháng đầu năm khi dịch Covid-19 chưa bùng phát.
Cạnh tranh từng khách nội địa
Dư thừa nguồn lực, bao gồm cả máy bay và nhân lực, các hãng bay Việt buộc phải đổ tải cạnh tranh khách tại thị trường nội địa. Dù có nhiều thời điểm lượng chuyến bay nội địa phục hồi, thậm chí vượt so cùng kỳ 2019, lượng khách bay vẫn chưa tăng tương ứng.
Các hãng hàng không Việt đang cạnh tranh giảm giá vé khốc liệt để giành nguồn khách nội địa ít ỏi sau dịch. Ảnh: Diệp Anh. |
Tính tới 15/10, tổng lượng khách nội địa của hàng không Việt Nam đạt 45,7 triệu lượt khách, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng giai đoạn tháng 10, lượng khách nội địa đạt 4,94 triệu lượt khách, giảm 16,6% so với cùng kỳ.
Lượng khách chưa thể phục hồi trong khi số chuyến bay nội địa đều được các hãng tăng khai thác đã dẫn tới cạnh tranh khốc liệt về giá vé.
Theo đại diện Vietnam Airlines, quý III/2020 ghi nhận tăng trưởng tích cực về sản lượng vận chuyển hành khách so với quý trước. Tuy nhiên, các hãng hàng không trong nước tăng tải ồ ạt, đồng thời thực hiện nhiều chương trình kích cầu, trong khi đó thị trường hàng không quốc tế chưa được khai thác trở lại. Điều này khiến hiệu quả doanh thu trực tiếp cho Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) còn ở mức độ rất hạn chế.
Cũng theo vị này, tỷ lệ lấp đầy mỗi chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines đang ở mức 85-86%, cao bậc nhất thế giới trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, do cạnh tranh nguồn khách sau dịch, các hãng bay đều bán vé ở giá thấp nên doanh thu từ thị trường nội địa của doanh nghiệp vẫn không thể so sánh với cùng kỳ 2019.
Bầu trời nội địa chật chội trong khi không thể khai thác thường lệ quốc tế đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình tài chính của các hãng hàng không Việt. Doanh thu 9 tháng đầu 2020 của Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) chỉ đạt 23.948 tỷ đồng, giảm 58,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Mức lỗ hợp nhất dự kiến 10.750 tỷ đồng, trong đó lỗ của công ty mẹ là hơn 8.700 tỷ đồng.
Vietjet Air dù thực hiện nhiều nghiệp vụ tài chính cũng đang ghi nhận doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm chỉ đạt 13.780 tỷ đồng, thấp hơn 64% so với cùng kỳ năm trước và mức lỗ của sau 3 quý là 925 tỷ đồng.
Trong lần gần nhất chia sẻ, lãnh đạo Bamboo Airways cũng cho biết chỉ tính tới tháng 5, thiệt hại của doanh nghiệp vì Covid-19 đã lên đến 4.455 tỷ đồng so với kế hoạch khai thác dự kiến.
Hãng bay mới quyết tâm cất cánh tháng 12
Trong bối cảnh thị trường bay quốc tế đóng cửa, chưa có thời điểm khôi phục cụ thể, thị trường nội địa cũng cạnh tranh căng thẳng, lãnh đạo Vietravel Airlines vẫn khẳng định hãng sẽ cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên vào giữa tháng 12.
Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel, cho biết Vietravel Airlines đã nhận được quyết định của Thủ tướng về việc đồng ý cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (giấy phép bay) vào ngày 14/10.
Nhiều chuyên gia cho rằng bối cảnh thị trường đang không phù hợp để cấp phép cho Vietravel Airlines, tuy nhiên hãng bay vẫn tự tin vào nguồn khách từ công ty mẹ Vietravel. Ảnh: Malcolm Nason. |
Hãng hàng không của Vietravel sẽ chờ Cục Hàng không cấp giấy chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC) để hoàn tất mọi thủ tục trước khi cất cánh. Vietravel Airlines dự kiến mở bán vé ngay trong tháng 11 sau khi được cấp AOC và sẽ khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào giữa tháng 12 bằng tàu bay Airbus A321.
Quyết tâm này vấp phải sự hoài nghi của Bộ Tài chính và các chuyên gia hàng không, nhất là về tình hình tài chính của Vietravel trong dịch Covid-19. Giữa tháng 10, Bộ Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp cần làm rõ năng lực tài chính để vận hành hãng bay trong bối cảnh nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh công ty mẹ Vietravel chủ yếu đến từ nguồn vốn vay thương mại.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia hàng không cũng khẳng định cần cân nhắc thời điểm cấp phép cho Vietravel Airlines cất cánh khi thị trường nội địa đang quá chật chội, các hãng hàng không cạnh tranh nguồn khách ít ỏi sau dịch, có thể làm chậm quá trình phục hồi của các hãng bay hiện hữu.
Chia sẻ về nguồn khách dự kiến và phương án bay khi thị trường còn đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, lãnh đạo Vietravel Airlines cho biết đại dịch làm giảm cơ hội tăng trưởng nhanh của thị trường vận tải hàng không Việt Nam nhưng ảnh hưởng không quá lớn tới Vietravel Airlines. Lý do là quy mô của Vietravel Airlines nhỏ và hãng có sẵn thị trường khách du lịch của Công ty Vietravel.
Theo đề án của Vietravel Airlines, trong năm đầu tiên hoạt động, hãng sẽ khai thác 3 máy bay A320/321, Boeing 737 hoặc tương đương, sau 5 năm sẽ tăng lên 8 máy bay. Hãng tập trung vào mô hình kinh doanh theo hình thức thuê chuyến (charter) và thường lệ phục vụ một phần khách du lịch của Vietravel, còn lại phục vụ cộng đồng.
Dự kiến khi đi vào hoạt động, Vietravel Airlines đặt mục tiêu phục vụ 1 triệu lượt khách trong năm đầu tiên thông qua việc nhắm vào lượng khách mục tiêu mà Vietravel đang phục vụ. Doanh nghiệp kỳ vọng tạo việc làm cho gần 600 lao động.
Trong thời gian đầu, Vietravel Airlines dự kiến khai thác hơn 40 chuyến bay mỗi tuần. Hãng tập trung vào trục bay chính TP.HCM - Hà Nội và các điểm đến du lịch như: Nha Trang, Phú Quốc.