"Họ có 222 triệu euro từ Neymar và tiêu xài số tiền này trong chớp mắt. Đó là thời điểm quỹ lương phình to. Chúng tôi sẽ phải thay đổi mô hình, tái đầu tư vào La Masia, đưa ra những quyết định mang tính thể thao hơn".
Đây là những lời Chủ tịch Joan Laporta nói trong buổi họp báo được truyền thông mô tả là "vạch mặt" Jose Bartomeu. Phần lớn tập trung vào chuyện Barca nợ 1,35 tỷ euro cùng việc Laporta sẵn sàng định khởi kiện người tiền nhiệm, mà quên mất Laporta đã vạch sẵn hướng đi cho Barca trong thời gian tới. Đó là La Masia.
Laporta có kế hoạch rõ ràng trong việc đưa Barca trở lại. Ảnh: Getty. |
Kế hoạch của Laporta
Những gì đã diễn ra với Barca lúc này (mất Messi, nợ trầm trọng) thực tế là điều Laporta từng trải nghiệm trong nhiệm kỳ đầu làm chủ tịch Barca (2003-2010). Barca khi ấy cũng gặp khủng hoảng lực lượng khi thế hệ Hà Lan sa sút trầm trọng, kéo theo sự thụt lùi rõ rệt với Real Madrid và thậm chí cả Valencia ở La Liga.
Trong bài viết xuất bản vào năm 2010, các giáo sư của Đại học London đã phân tích kỹ lưỡng kế hoạch đưa Barca trở lại của Laporta. Kế hoạch này gồm 4 bước quan trọng: Ưu tiên khôi phục khả năng cạnh tranh, minh bạch hóa hoạt động điều hành, thực hiện những chiến dịch thương mại ngoài thi đấu và thực hiện các dự án cộng đồng.
Một trong những bước đi đáng nhớ nhất của Barca là đưa dòng chữ UNICEF lên ngực áo. Xuyên suốt lịch sử trước đó, Barca nhất quyết bảo toàn truyền thống không thực hiện các hợp đồng quảng cáo. Sự hợp tác với UNICEF trong các hoạt động cứu trợ trẻ em châu Phi giúp hình ảnh Barca gia tăng mạnh mẽ, thúc đẩy giá trị thương mại của CLB tăng cao.
Cùng với đó, Barca của Laporta cũng mạnh dạn gạt đi những ngôi sao ngoại quốc không cần thiết để tập trung cơ hội cho các nhân tài của lò La Masia. Xavi, Andres Iniesta, Victor Valdes, Sergio Busquets hay Lionel Messi bước ra ánh sáng, khẳng định tài năng và vươn tầm siêu sao trong chính quãng thời gian này. Gerard Pique cũng được đưa về Camp Nou. Pep Guardiola, một người con ưu tú của La Masia, vượt lên trở thành HLV hay nhất thế giới.
Các giáo sư tại London phân tích Laporta đã coi Barca như một công cụ, từ đó thực hiện những hoạt động phù hợp với chính sách theo truyền thống của đội bóng này.
Trọng dụng và đầu tư vào lò đào tạo trẻ giúp Barca đi đúng kế hoạch Laporta vạch sẵn. Minh bạch các hoạt động tài chính giúp CĐV lấy lại niềm tin ở đội ngũ lãnh đạo, trong khi thực hiện các hoạt động cộng đồng giúp hình ảnh thương mại của Barca đẹp đẽ hơn.
18 năm sau, Laporta lần thứ hai trở lại cương vị chủ tịch Barca. Và những bước đi của nhân vật này vẫn mang đậm màu sắc kế hoạch của quá khứ.
Việc công bố khoản nợ của đội bóng, nhấn mạnh việc Barca đang đi đúng hướng dù chia tay Messi, cùng việc đặt niềm tin vào lò La Masia là những bước đi chắc chắn của Laporta trong việc chiếm lấy lòng tin của giới mộ điệu.
Bệ phóng vĩ đại của Barca
Đưa ra kế hoạch là một chuyện, còn hiện thực hóa nó lại là chuyện khác. Năm 2017, cựu HLV đội trẻ của Barca chia sẻ với Goal: "Tư duy đào tạo trẻ của Barca đã thay đổi. Giờ đây họ nhấn mạnh vào nền tảng thể lực, thay vì các kỹ thuật".
Đây được coi là hệ quả của việc Barca mua sắm vô tội vạ ở thời Rosell và Bartomeu. Những cầu thủ ngoại quốc tới Barca và pha loãng triết lý của CLB.
Tân giám đốc học viện của Barca, Jose Ramon Alexanco, hiểu rõ triết lý của Barca. Ảnh: Getty. |
Điều này khiến nhiều HLV đội trẻ của Barca liên tục từ chức trong 10 năm gần đây, kéo theo việc lò La Masia không còn sản sinh ra những nhân vật kiệt xuất như trong quá khứ. Hoặc nếu những tài năng xuất hiện, họ cũng bị đẩy đi hoặc bị các CLB khác cướp mắt.
Andre Onana (Ajax), Dani Olmo (RB Salzburg), Hector Bellerin (Arsenal) là những ngôi sao không được trọng dụng ở Barca và thành danh trong màu áo những CLB khác tại châu Âu lúc này.
Trong chiến dịch tranh cử, Laporta nhấn mạnh sẽ đưa La Masia "trở lại là xương sống của Barca". Tuy nhiên, ông cũng hứa sẽ gia hạn hợp đồng với Messi và đưa những cầu thủ tên tuổi khác trong mùa hè này. Tất cả đều dường nhưng không đi đúng hướng. Vậy có cách nào để tin Laporta thực sẽ sẽ đưa La Masia trở lại?
Trên thực tế, đây là chặng đường dài. Đào tạo trẻ không dễ như chuyện mua hàng loạt ngôi sao và đòi hỏi thành công trong ngắn hạn. Việc giữ chân Ronald Koeman là nước đi cho thấy Barca chú trọng vào những cầu thủ trẻ như thế nào.
Mùa trước, Barca của Koeman trắng tay nhưng việc sử dụng liên tục các cầu thủ trẻ như Pedri, Oscar Miguenza hay Illaix Moriba cho thấy nhà cầm quân người Hà Lan thích hợp trong việc nâng đỡ các tài năng từ lò La Masia.
Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất nằm ở hệ thống đào tạo trẻ. Patrick Kluivert hết hạn hợp đồng làm giám đốc lò đào tạo trẻ vào tháng 6/2021 và không được gia hạn hợp đồng. Năm 2019, Barca từng sa thải huyền thoại Victor Valdes khỏi vai trò HLV đội U19 vì mâu thuẫn với Kluivert.
Cựu tiền đạo người Hà Lan từng là người của Barca, nhưng trưởng thành từ Ajax. Kluivert không thực sự đề cao tốt chất của cầu thủ trẻ Barca, mà việc mâu thuẫn với Valdes là minh chứng cho điều đó. Khi Laporta trở lại, ông lập tức xác định Kluivert sẽ phải ra đi.
Người thế chỗ Kluivert, Jose Ramon Alexanco, hiểu rõ triết lý Barca-Cruyff khi là thành viên của "Dream Team" cách đây gần 30 năm. Đưa về những nhân vật nắm rõ triết lý Barca để phục sinh La Masia là điều Laporta đang làm và thực hiện triệt để. Hàng loạt HLV đội trẻ từng từ chức suốt 10 năm qua cũng đã trở lại lò La Masia trong mùa hè này.
Eric Garcia, cầu thủ trẻ khác từ lò La Masia, cũng đã quay đầu về Camp Nou. Cùng với Oscar Miguenza, Riqui Puig và những nhân tố trẻ khác như Pedri, Barca đang có thế hệ ngôi sao trẻ sẵn sàng thi đấu ở mùa tới.
Quan trọng hơn, Laporta chứng minh ông đang đi đúng hướng trong việc mang chất Barca trở lại lò La Masia. Trong bối cảnh nợ 1,35 tỷ euro, việc tin vào nguồn lực vĩ đại trong quá khứ là nước đi sáng suốt.