Cùng thời với Nam Phong tạp chí, có những tờ báo, tạp chí, dẫu chưa ra số Tết, nhưng cũng không bỏ qua khoảnh khắc Tết đến, xuân về, như An Hà nhựt báo số 56, ra ngày 7/2/1918 nhân dịp Tết, ngay trang đầu có bài “An Hà nhựt báo cung hỉ tân niên”, số 103, ra ngày 6/2/1919 có thơ “Chúc tân niên”, “Xuân nhựt tạp hứng” để mừng Tết truyền thống. Bài “Xuân nhựt tạp hứng” của Lương Văn Thông được làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật:
“Ghẹo xuân bở ngở [bỡ ngỡ] bóng thiều quang,
Con én đưa thoi rất nhộn nhàn.
Bờ liểu [liễu] oanh chiền khoe sắc lục,
Nhành mai chim thốt trỗ [trổ] bông vàng.
Toại lòng tài tữ [tử] giây [dây] tơ thẳng,
Thích chí thi ông chén rượu tràng.
Một sắc cỏ hoa dường trải gấm,
Thơ trời thêu dệt mối gian sang”.
Lục tỉnh Tân văn số 519, ra ngày 7/2/1918 có thiệp chúc “Cung chúc tân xuân”, cùng thơ “Chúc mừng năm mới” để chúc “quốc thái dân an”. Đồng thời vẫn bài thơ này, báo thông tin nghỉ tết với đôi câu thơ bày tỏ: “Ngày Tết khán quan lo chơi, / Xin nghỉ một kỳ mà đợi ra Giêng”…
Báo Tân văn Xuân 1935. Ảnh: Đình Ba. |
Về sau, có những tờ cũng theo hướng này, dù không làm báo xuân, báo Tết, nhưng nhớ đến dịp chuyển giao năm cũ năm mới mà có một đôi bài liên quan. Có thể thấy với trường hợp Đông Pháp thời báo trong những số 104, 105, 106 từ ngày 1 đến 13/2/1924 đều có bài liên quan xuân, Tết dù chỉ là số báo thường. Cụ thể là bài “Tới Tết”, thơ “Táo quân chầu trời” (số 104); “Chúc mừng năm mới”, “Cung hạ tân xuân” (số 105)…
Báo Đuốc nhà Nam số 55, ra ngày 7/2/1929 không phải số Tết nhưng là tờ báo yêu nước, nên nhân dịp này báo cũng có dịp tỏ bày quan điểm, lập trường riêng của mình khi chạy dòng chữ “Đuốc nhà Nam kính chúc đồng bào tân niên đa hỉ” dưới manchette.
Lại vẫn số 55 có riêng tấm thiệp ở trang nhất chúc Tết quốc dân, và chúc riêng các nhà yêu nước: “Nhơn dịp tân xuân Đ.N.N. kính chúc hai cụ Phan Sào Nam và Huỳnh Thúc Kháng cùng các nhà chí sĩ được trường thọ, và kính chúc đồng bào phước hỉ trùng lai. / Mong rằng năm Kỉ Tị quốc dân ta đặng may mắn hơn năm nay và các năm trước. Bổn báo xin đình bản đến ngày hạ nêu”.
Dù chúc nhân quần xã hội như thế, nhưng cũng trên trang nhất số báo này, có gần một cột báo bỏ trắng vì “Tòa kiểm duyệt bỏ”. Về sau, theo xu thế chung của làng báo Bắc Nam, Đuốc nhà Nam cũng ra báo Tết mà Số đặc biệt Tết Nhâm Thân 1932 là một ví dụ.
Với sự mở đường của Nam Phong tạp chí, về sau nhiều báo, tạp chí đã có những số đặc biệt, số chuyên đề, số Xuân và mỗi báo một vẻ riêng. Điểm chung dễ thấy, là các số báo xuân, Tết đều tăng trang so với số thường, và tập trung quanh mảng xuân, Tết cho dù đó là nhật báo (Dân báo, Thần chung), hay tuần báo (Đàn bà, Tân văn)... Dân báo số Tết Canh Thìn 1940 dày 20 trang, tăng 14 trang so với số thường; Tân văn Xuân 1935 có 30 trang, trong khi số thường chỉ 20 trang…
Báo Thể tháo Đông Dương số xuân Nhâm Ngọ 1942. Ảnh: Đình Ba. |
Hạn hữu có những báo tiếng là báo Tết, nhưng lại lạc quẻ không bàn Tết như Bắc Kỳ thể thao ra báo số Tết năm Tân Vị 1931 gồm 24 trang, tuy nhiên nội dung không có gì đặc sắc, vẫn như các số thường của báo đã xuất bản với bài vở, tin tức xoay quanh bóng tròn (bóng đá), đua ngựa… ngoại trừ tấm thiệp chúc năm mới ở trang 3 nhưng cũng xen vào đó chúc luôn đội banh (bóng đá) của Nam Kỳ đang thi đấu ở Xiêm (Thái Lan) với nội dung: “Bắc Kỳ thể thao Chúc mừng năm mới. Chúc hội tuyển đá ban Nam kỳ sẽ được toàn thắng ở Xiêm La”.
Cũng là báo thể thao, nhưng Thể tháo Đông Dương làm số xuân tốt hơn Bắc Kỳ thể thao khi số xuân Nhâm Ngọ 1942 đầu tư nội dung, dày 36 trang, có nhiều bài đúng chất Tết như “Thơ trào phúng chúc Tết”, “Trước thềm năm Nhâm Ngọ: Ôn lại bước đường thể thao đã trải qua”, “Một năm thể thao, một nguồn hy vọng: Thể thao: Cái cần có trước nhứt của một cá nhơn, một dân tộc”…
Đáng ra báo xuân, báo Tết là bàn, nói chuyện vui, nhưng cũng có báo chẳng bỏ qua chuyện buồn, dù cho đó chỉ là thơ. Tổng xã báo số Tết Giáp Thân 1944 do Nguyễn Chánh Chiếu làm Chủ nhiệm có bài thơ “Nấm mồ lạnh” buồn nao lòng, có chăng vớt vát nhân tình thế thái ở đoạn kết: “Ta nhắn lời kêu kẻ bạc phu: / “Xuân về dừng bước gót phiêu lưu. / Đốt dâng bạn cũ hương vài nén, / Cho ấm vong ai ỡ [ở] dưới mồ”.
Tuy nhiên, bài ấy cũng chỉ là hạn hữu bởi trong số Tết này phần vui tươi, chuyện quốc gia đại sự chiếm đa số với bài “Yên tĩnh” (Nguyễn Chánh Chiếu), “Chánh sách kỹ nghệ” (M.Q.), “Gốc tích đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho” (M.D.)…