Hoạt cảnh tái hiện lại không khí Tết Xưa. Ảnh: Bùi Quang Quý. |
Tết Nguyên Đán là một ngày lễ đặc biệt của dân tộc ta vào mỗi dịp đầu năm mới. Có những nghi thức tưởng chừng như vô nghĩa nhưng qua góc nhìn của các nhà khoa học, chúng lại là một cách truyền tải thông điệp của quá khứ và hiện tại, của tổ tiên và con cháu, của truyền thống "Uống nước nhớ nguồn".
Các phong tục trong ngày Tết ánh lên một vẻ đẹp văn hóa bất chấp hàng nghìn năm đô hộ của giặc phương Bắc, hàng trăm năm đô hộ của phương Tây. Hiểu về Tết xưa là hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc. Một số cuốn sách giúp bạn trẻ hôm nay hiểu về phong tục ngày Tết.
Việt Nam phong tục - Phan Kế Bính
Dưới con mắt của một người sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ 20, văn hóa dân tộc mở ra trong cuốn sách Việt Nam phong tục được ví như một bức tranh đa chiều. Từ các nghi lễ trong gia đình cho đến các phong tục của xã hội, tất cả đều được Phan Kế Bính diễn giải một cách chi tiết. Có những ghi chép của ông đến hiện tại vẫn được sử dụng như một nguồn tư liệu tham khảo đáng tin cậy.
Cuốn sách đã được ra mắt hơn 100 năm tuy nhiên lối viết của Phan Kế Bính dễ đọc. Ông trải ra một lớp ngôn ngữ vừa hàn lâm vừa đời thường để mô tả về các sự việc trong đời sống người Việt. Cuốn sách là minh chứng cho nỗ lực đấu tranh chống đồng hóa của dân tộc ta khi thực dân Pháp đô hộ.
Cuốn Việt Nam phong tục hiện nay đã ra mắt trên các nền tảng sách nói. Ảnh: Fonos. |
Không chỉ là sự ghi chép đơn thuần, các biên khảo trong sách của Phan Kế Bính còn thể hiện những góc nhìn phê phán xã hội đương thời. "Xét trong các cách chơi bời, cách nào cũng có một cái thú tiêu nhàn, cũng di dưỡng được tính tình, cũng khoan khoái được thần chỉ. Song bất câu cách nào hễ chơi có điều có độ thì còn có lý thú, chớ chơi quá thì đều là vô ích. Uống rượu lắm thì sinh ra bệnh, hại đến sự vệ sinh; tổ tôm lắm sinh ra hại của; cờ lắm tổn tinh thần", Phan Kế Bính viết trong cuốn Việt Nam phong tục.
Với riêng những ngày Tết, Phan Kế Bính miêu tả rất kỹ các phong tục trong họ hàng, gia đình. Từ đó, những lớp trầm tích văn hóa được tôn lên, người đọc có thể cảm nhận được vẻ đẹp phong phú của một nền văn hóa lâu đời.
Theo Phan Kế Bính, trong dịp đầu năm mới, các nhà thường dán tranh quan tướng, hoặc dán bốn chữ Thần trà Uất Lũy trước cửa. Dân gian xưa truyền miệng nhau rằng ở dưới gốc cây đào lớn núi Độ Sóc có hai ông thần, gọi là Thần trà Uất lũy, cai quản đàn quỷ. Hễ quỷ nào làm hại con người thì sẽ bị trừng phạt. Người ta dán bốn chữ ấy lên là tránh để cho quỷ không vào nhà.
Hội hè lễ tết của người Việt - GS Nguyễn Văn Huyên
Khác với Phan Kế Bính, GS Nguyễn Văn Huyên đem đến một lối viết phóng khoáng, bay bổng trong các tiểu luận của mình ở Hội hè lễ tết của người Việt. Cuốn sách mở ra một không khí náo nhiệt và đượm màu sắc văn hóa của các ngày lễ Tết trên dải đất hình chữ S này. Lễ hội theo mùa, theo ngày, theo tháng, theo năm, theo vùng miền, quê quán, họ hàng. Các nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Huyên trải dài theo cả không gian và thời gian.
Hội hè lễ tết của người Việt nằm trong bộ ba cuốn nghiên cứu về văn hóa của GS. Nguyễn Văn Huyên. |
Đặc biệt, các trang viết về Tết được độc giả trên mạng xã hội Goodreads đánh giá là đáng đọc nhất. "Ngày Tết, do một quy luật tự nhiên bất di bất dịch, nhờ sự vận hành muôn thuở kết hợp của mặt trời và mặt trăng, bao giờ cũng xuất hiện với bộ trang sức tươi tắn muôn hồng nghìn tía, được làm dịu đi bởi sự đổi mới của vạn vật, được làm sinh động bởi các hạt mưa lâm tâm, điềm báo trước cơn mưa phùn tốt lành”, GS Nguyễn Văn Huyên ghi lại trong cuốn sách.
Cuốn sách là một lời bày tỏ tình yêu của giáo sư đối với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ông viết về việc người dân ta đi tảo mộ vào mỗi dịp đầu năm hoặc cuối năm. Ông cho rằng đó là một trong những cách nhân dân ta giữ gìn những giá trị đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn". Qua các hoạt động hàng ngày tưởng chừng như vô nghĩa, dưới góc nhìn của một nhà khoa học, chúng lại mang những thông điệp riêng. Đó là cách quá khứ và hiện tại gửi thông điệp cho nhau.
Tâm lý người An Nam - Paul Giran
Tâm lý người An Nam được xuất bản lần đầu vào năm 1904 và được tái bản năm 2019. |
Tâm lý người An Nam là cuốn sách nói về tính cách dân tộc, tiến trình lịch sử, tri thức, xã hội và chính trị của người dân ta trong những năm tháng thực dân Pháp đô hộ. Cuốn sách là những ghi chép đầy thú vị về Việt Nam của nhà khoa học Paul Giran, một trong số ít các tác giả nghiên cứu về văn hóa tại các nước thuộc địa đầu thế kỷ 20. Góc nhìn của Paul Giran không phải là một góc nhìn ngoại lai đầy pha tạp. Nó gần gũi, cởi mở và có những sự đối chiếu dựa trên lòng tôn trọng các khác biệt nhất định.
"Người An Nam không giống như những người Kitô giáo hay người theo đạo Islam, không có các nghĩa địa chung, những nghĩa trang bình thường; các nấm mồ của họ tọa lạc trong các thửa ruộng của gia đình; vị tổ tiên tiếp tục sống giữa đám con cháu; ông che chở cho họ bằng sự hiện diện vô hình của mình", Paul Giran viết về nghi thức tảo mộ dịp cận Tết của người Việt.