Một cuộc khảo sát mang tính bước ngoặt của Viện Lowy đã cho thấy cộng đồng người Australia gốc Hoa đứng trước mối đe dọa chủng tộc chưa từng có, bắt nguồn từ đại dịch Covid-19.
Cụ thể, trong năm 2020, gần 1/5 người tham gia khảo sát từng bị đe dọa hoặc tấn công thể chất vì gốc gác Trung Quốc. Số liệu này có khả năng khởi động một phong trào chống nạn phân biệt chủng tộc, Guardian đưa tin.
Người Trung Quốc tại Australia
Viện Lowy đã thực hiện một cuộc khảo sát mang tên “Là người Trung Quốc ở Australia: Ý kiến của cộng đồng người Hoa”. Khảo sát có mục đích thu thập dữ liệu cụ thể, sau khi truyền thông liên tục đưa tin về nạn phân biệt chủng tộc với người gốc Hoa trong thời đại dịch.
Khảo sát được thực hiện trên 1.040 người, bao gồm công dân Australia gốc Hoa, người Trung Quốc thường trú hoặc có thị thực dài hạn tại nước này.
Khu phố người Hoa tại thành phố Sydney. Ảnh: Getty. |
Theo kết quả khảo sát công bố hôm 2/3, khoảng 18% người tham gia từng bị đe dọa hoặc bị tấn công trong 12 tháng qua vì có gốc gác Trung Quốc. Trong khi đó, 82% còn lại cho biết họ chưa từng trải nghiệm điều này.
Cũng theo kết quả khảo sát, khoảng 31% người tham gia từng bị gọi bằng những cái tên đầy xúc phạm vì là người Trung Quốc. Khoảng 37% người cho biết họ bị đối xử ít ưu ái hơn bình thường.
Ngược lại, cứ 10 người được hỏi thì có 4 người (tương đương 40%) nhận được sự ủng hộ từ công chúng vì là người Trung Quốc.
Trong khi đó, khoảng 2/3 người tham gia khảo sát nói đại dịch Covid-19 là yếu tố gây phân biệt đối xử. Khoảng 52% người đổ lỗi cho mối quan hệ căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc.
Từ phát hiện nói trên, các nhà nghiên cứu của Viện Lowy nhận định đại dịch Covid-19 đã làm mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc thêm căng thẳng. Từ đó, xu hướng phân biệt chủng tộc với người gốc Hoa tiếp tục phổ biến.
Viện Lowy đưa ra quan điểm cùng lúc một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc cảnh báo về môi trường chính trị và truyền thông tại Australia. Cụ thể, phó đại sứ Trung Quốc tại Canberrra nói “việc làm bạn với người Trung Quốc” trở nên khó khăn trong bối cảnh “sự ngờ vực” gia tăng.
Quan hệ Australia và Trung Quốc
Tiến sĩ Jennifer Hsu, nhà nghiên cứu tại Viện Lowy kiêm đồng tác giả của khảo sát nói trên, đã có cuộc trao đổi với nhà ngoại giao kỳ cựu người Australia, bà Natasha Kassam. Theo bà Hsu, người Australia gốc Hoa đã “gặp khó khăn vì bị phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử suốt 12 tháng qua”.
Bà Hsu cảnh báo số vụ đe dọa và tấn công thể chất nhắm vào người gốc Hoa "thực sự đáng kể". Điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa đa văn hóa, vốn thúc đẩy các giá trị gắn kết và lòng khoan dung.
Chuyên gia này cũng nhận định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia xấu đi trong vài năm qua, một phần là do “phản ứng chính trị” giữa hai quốc gia dẫn đến tình trạng “giám sát gia tăng với công dân Trung Quốc”.
Trẻ em Trung Quốc cầm quốc kỳ Australia trong một sự kiện. Ảnh: Reuters. |
Bà Hsu kêu gọi những người tham gia khảo sát tranh luận công khai, bao gồm các chính trị gia và giới truyền thông, nên lưu ý cách dùng từ để “tránh gây ảnh hưởng đến cộng đồng người gốc Hoa”.
Ngoài nạn phân biệt đối xử, cuộc khảo sát còn tìm hiểu thái độ của người gốc Hoa về nhiều vấn đề, bao gồm văn hóa Australia, trải nghiệm trong cộng đồng, chính sách an ninh, truyền thông nước sở tại và chính sách nhập cư.
Theo đó, khoảng 69% người tham gia khảo sát cảm thấy được là một phần trong xã hội Australia, dù kết quả này chỉ thể hiện rõ ở nhóm công dân Australia gốc Hoa và nhóm người Trung Quốc thường trú dài hạn.
Hầu hết người Australia gốc Hoa bày tỏ sự gắn kết với cả hai đất nước. Khoảng 46% người tham gia khảo sát lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc lên các diễn biến chính trị tại Australia.
Hai phần ba số người Australia gốc Hoa biết họ coi Trung Quốc là một đối tác kinh tế, thay vì là mối đe dọa an ninh của Australia. Song 2/3 nhóm này cũng ủng hộ việc áp đặt biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Trung Quốc có liên quan đến sai phạm nhân quyền.
Cuộc khảo sát được thực hiện trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đang leo thang căng thẳng.