Bây giờ con ở đây
từng khóm lá xanh đang lặng lẽ nép trong vườn
bàn chân con chưa để dấu muôn nơi
những cánh hoa tay con chưa chạm tới
trong mắt con trời xanh yên ả
những đám mây như gấu trắng bồng bềnh.
***
Bây giờ con ở đây
khi những cánh rừng già châu Phi bốc cháy
voi chạy về châu Âu chết cóng giữa mùa đông
khi hàng triệu con chim rời xứ lạnh bay về xứ nóng
kiệt sức rồi phải lao xuống biển sâu.
***
Hôm nay con học đi
ông hàng xóm chống gậy ra vườn lê từng bước nặng nề
hôm nay con học nói
bà hàng xóm thều thào với chồng về một miền quê thời tuổi trẻ.
***
Mai ngày con lớn lên
bố không biết những điều con sẽ nghĩ
bố không biết những con voi còn chết cóng phía trời xa
bố không biết những đàn chim còn bay về xứ nóng?...
bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng
trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con.
Lời bình
Bài thơ gợi lên một cuộc trò chuyện âm thầm giữa cha và con. Giọng thơ điềm tĩnh cùng nhịp điệu suy tư chậm rãi cho ta hình dung về dáng vẻ thâm trầm, từng trải của người cha khi nghĩ về hành trình của đời sống.
Ý nghĩ về con mở ra bằng hình ảnh trong sáng, mộng mơ. Nhưng, ngay sau đó, những khắc khoải cứ dồn dập ùa về, mang theo lo âu của cha về hành trình kiếm tìm sự sống. Hành trình ấy thật gian nan, có khi phải đánh đổi bằng cái chết.
Những dụ ngôn về quy luật của tồn tại mang lại chiều sâu triết lý cho bài thơ. Con tập đi và hình ảnh ông lão chống gậy ra vườn; con tập nói và giọng thều thào bà lão nhà bên phản chiếu quy luật nhân sinh không thể nào tránh khỏi. Trong ánh mắt như trời xanh yên ả, chắc là con chưa nghĩ tới.
Thế giới này bất trắc. Hạnh phúc và khổ đau chẳng bao giờ tách rời, thậm chí nó gắn bó trong từng hơi thở. Viết cho con đọng lại là lời dặn dò cho nhịp máu sẽ sinh sôi không bao giờ lạc lõng với nỗi khổ đau của kiếp người. Bài thơ viết cho con nhưng thực chất là một cuộc đối thoại của thế hệ, của những nhịp sống trong dòng chảy bất tận và bất trắc của thời gian.